Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ việc phải rất coi trọng tự phê bình và phê bình
EmailPrintAa
10:42 02/07/2014

Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà Đảng ta chủ trương đã và đang đi vào chiều sâu, đòi hỏi mỗi cấp mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người để noi theo bằng việc làm thực tế. Một trong những nội dung cần phải soi xét thường xuyên ở người cán bộ, đảng viên trước yêu cầu, hoàn cảnh mới là phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Trong suốt quá trình tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất sinh động ý thức và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình.

Một câu nói nổi tiếng của Người trong buổi thăm, nói chuyện tại lễ khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ, đảng, dân chính các cơ quan Trung ương ngày 06/02/1953, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự: "Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót"1. Trong bài nói chuyện về xây dựng con người của chủ nghĩa xã hội tháng 3/1961, Người lại nói: "Muốn đánh thắng kẻ địch ở bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân"2. Một luận điểm khác, Người nêu lên như một lời cảnh báo đầy thuyết phục: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"3.

Hơn lúc nào hết, hiện nay mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm thía sâu sắc những lời chỉ bảo ân tình của Người, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

1. Triết lý Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình là triết lý của rèn luyện tu thân, trau dồi đạo đức cách mạng, triết lý mang tính nhân văn cao cả

Đạo đức cách mạng luôn đòi hỏi con người phải tự mình nêu gương trong tất cả các cuộc đấu tranh phức tạp, gian khổ lâu dài từ những việc lớn lao như xả thân vì dân, vì nước đến những việc thường ngày từ ăn ở, xử thế "đối với mình", "đối với người", "đối với công việc".

Người đã nói: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang"4.

Rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là việc làm thường xuyên, thường nhật đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự chiêm nghiệm, tự đấu tranh với chính mình, soi xét mình, rồi soi xét đồng chí, tập thể một cách chân tình, thẳng thắn, trung thực và thật sự với động cơ trong sáng thì mới thực hành được phương châm sống "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" mà Hồ Chí Minh đã nêu ra và đòi hỏi.

Là lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, Bác Hồ còn là "người cha, người bác, người anh", gần gũi, chân tình với mọi cán bộ, đảng viên, không hề có khoảng cách. Người thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm và không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm thì sẽ dẫn đến khuyết điểm "ngày càng to và sẽ hư hỏng". Vì vậy, tự phê bình phải được coi trọng, phải đặt lên hàng đầu, để tự mình hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống để "làm người", "làm việc", "làm cách mạng". Từ ý thức, trách nhiệm rèn luyện, đấu tranh của từng cán bộ, đảng viên mới làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh... Với Đảng cách mạng, Người từng nhắc nhở: "Một đảng mà dấu khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính"5.

Triết lý tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì vậy, gắn liền vời triết lý đạo đức cách mạng, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, thực sự "là đạo đức, là văn minh".

2. Mục đích của tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là mục đích tự xây dựng và xây dựng trên tinh thần thương yêu đồng chí để giúp mình, giúp đồng chí cùng tiến bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nêu lên những mục đích cao siêu, trừu tượng về tự phê bình và phê bình, Người chỉ rõ những mục đích rất giản dị, dễ hiểu, dễ thực hành. Đó là với cán bộ, đảng viên thì tự phê bình và phê bình "một mặt là để sửa chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau", "mọi người học lẫn ưu điểm của nhau chữa những khuyết điểm...". Với tổ chức là "cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết nội bộ", "để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng".

Mục đích của tự phê bình và phê bình gắn liền với mục đích rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, gắn liền với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Mỗi một cá nhân con người, mỗi cán bộ, đảng viên đều có những phẩm chất tốt đẹp, đồng thời đã là con người thì "nhân vô thập toàn", ai cũng có thể có những sai lầm, khuyết điểm. Trong mỗi con người luôn tiềm ẩn những thói hư, tật xấu, lòng tham, ích kỷ, đố kỵ... nếu không đấu tranh, phòng ngừa, gột rửa thì chủ nghĩa cá nhân sẽ ngự trị, tàn phá cá nhân và tổ chức thật sự. Người ví tự phê bình, tự kiểm điểm của cán bộ, đảng viên như việc "hàng ngày phải rửa mặt cho sạch sẽ". Người còn nêu ví dụ: "Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ "nể Cụ" không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là "hại người"6.

Bên trong mỗi tổ chức, tập thể, cá nhân đều hàm chứa những nhân tố tích cực và tiêu cực, hạn chế, yếu kém Nếu không được rà soát thường xuyên để xây dựng, chỉnh đốn thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Vì vậy, tự phê bình và phê bình là phương châm rèn luyện tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, là nguyên tắc tối hậu của tổ chức, sinh hoạt Đảng.

Mục đích tự phê bình và phê bình theo Hồ Chí Minh, hoàn toàn xa lạ với thói tự khoe mình hoặc thói bới móc, nói xấu, chia rẽ, bè phái Mục đích sẽ quyết định động cơ. Mục đích được xác định rõ ràng, minh bạch, chân thực thì động cơ mới trong sáng, với ý thức hoàn toàn xây dựng. Trái với mục đích xây dựng thì dễ dàng lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ bệ nhau trong các tổ chức, kể cả tổ chức Đảng. Xét cho cùng, mục đích của tự phê bình và phê bình đồng nghĩa với mục đích tu luyện đạo đức cách mạng, phát triển toàn diện cá nhân để phát triển tự do của cộng đồng góp phần xây dựng tập thể, cộng đồng xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Mục đích đó vừa mang tính cộng sản vừa mang tính nhân văn cao cả.

3. Nội dung tự phê bình và phê bình phải cụ thể, thiết thực gắn với việc chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa

Mục đích, động cơ đúng gắn với nội dung, tiêu chí đúng, thiết thực của tự phê bình và phê bình, nhằm loại bỏ khỏi cá nhân, tổ chức căn bệnh hình thức, "làm lấy lệ". Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn chúng ta phương châm xử thế phải "đối với tự mình" trước "đối với người", "đối với việc" sau.

Tự phê bình và phê bình phải trung thực, thẳng thắn, vừa chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của mình vừa giúp đồng chí, tập thể thấy được đâu là ưu điểm, thành tích, đóng góp đâu là những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém. Điều quan trọng hơn thuộc nội dung phê bình là chỉ ra tác hại của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân (nhất là những nguyên nhân chủ quan) của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém đó để hạn chế, khắc phục, loại trừ trong quá trình rèn luyện của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền Nhà nước.

Nội dung gắn với những tiêu chí cụ thể. Trong điều kiện hiện nay, tiêu chí thiết thực, cụ thể nhất phải gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mỗi một cán bộ, đảng viên; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tập thể, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội. Các tiêu chí bao hàm trong xây dựng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên và trong tiêu chí xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức Đảng, lối sống, đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích (giữa cá nhân - tập thể - xã hội) cũng là tiêu chí để vận dụng vào tự phê bình và phê bình.

Hiện nay, toàn thể cán bộ, đảng viên chúng ta ai cũng cảm thấy băn khoăn, đau xót vì "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất" dẫn đến nguy cơ làm băng hoại niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ XHCN. Nạn quan liêu tham nhũng chưa ngăn chặn được ở nước ta, trong các cấp, các ngành, các địa phương là một minh chứng cho sự thoái hóa biến chất đó. Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn có cán bộ, đảng viên dẫu biết việc mình làm là sai điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng vẫn nhởn nhơ, ngụy biện để tiếp tục những hành vi sai phạm đó. Có tập thể sa sút, yếu kém, biến chất nhưng vẫn tồn tại với bao nhiêu thủ đoạn bao che, dung túng, vì động cơ và lợi ích phe nhóm... Ở những cá nhân và tập thể đó, ý thức tự phê bình và phê bình không còn nữa! Danh dự, lòng tự trọng ở họ cũng hoàn toàn bị hoán đổi cho động cơ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích hẹp hòi phe nhóm.

Hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" hiện nay phải gắn tự phê bình và phê bình với những nội dung, tiêu chí cụ thể, sát hợp với từng cá nhân và tập thể.

4. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình với phương pháp thích hợp hiệu quả

Tầm cao nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện trong thái độ nghiêm túc, thường xuyên coi trọng tự phê bình. Người coi quá trình rèn luyện, tu dưỡng như việc "gạo đem vào giã bao đau đớn" nhưng phải giã mới có gạo "trắng tựa bông", cũng như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Những ai đó nhân danh rằng: hiện nay kẻ thù đang phá ta trên nhiều lĩnh vực nên ta tự phê bình và phê bình nhiều quá thì sẽ "vạch áo cho người xem lưng", "địch sẽ tha hồ lợi dụng" (!)... Những luận điểm đó thực chất là để che đậy những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm, thói vô kỷ luật, vi phạm kỷ cương, phép nước để tiếp tục vi phạm vì lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất chân tình, rất cụ thể, thiết thực: chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, lãng phí, tham nhũng chính là thứ "giặc nội xâm", "giặc ở trong lòng", "giặc nội bộ", "giặc tinh thần". Những thứ giặc này cực kỳ khó tranh đấu, loại trừ vì nó ở ngay trong bản thân người cán bộ, đảng viên, ngay trong từng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Phải thấy được đó là cuộc đấu tranh gian khổ khó khăn, lâu dài và đau xót như Bác Hồ đã chỉ rõ. Người còn nói: "Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó"7.

Không thể biến "đấu tranh" thành "tránh đâu" tự phê bình thành đánh bóng tự khen, tự quảng cáo. Không thể biến tự phê bình, phê bình thành cuộc "bới lông tìm vết" để hạ bệ, triệt tiêu nhau trong các tổ chức, tập thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: phải trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, phải lắng nghe ý kiến nhân dân, tôn trọng ý dân và tự phê bình và phê bình phải bắt đầu từ "phê bình việc". Phải chỉ rõ cho bản thân những việc làm sai trái, vi phạm, những yếu kém, khuyết điểm, chỉ rõ cho tập thể những việc làm sai chủ trương, tôn chỉ, kỷ luật, kỷ cương... Từ đó chỉ ra những tác hại, những nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa, loại trừ.

Tự phê bình và phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Hiệu quả cao hay thấp của tự phê bình và phê bình phụ thuộc không chỉ ở mục đích, nội dung mà còn ở phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tối hậu của tự phê bình và phê bình là phải trung thực, thẳng thắn, phải "có gan" nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật! Cái gan tự phê bình còn phải gắn với việc tự phê bình và phê bình thường xuyên, ráo riết.

Bác Hồ đã nói những lời rất chân tình với cán bộ, đảng viên: "Chúng ta phải ráo riết tự phê bình và phê bình để giúp nhau chữa hết những bệnh ấy. Có thế thì Đảng mới chóng phát triển"8.

Bác luôn đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc, thường xuyên và ráo riết thực hiện tự phê bình để xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Cũng vì vậy, những ngày cuối đời Bác đã viết những dòng tâm huyế về nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Cũng như bao lời thống thiết trong Di chúc, Người còn có cả lời dặn Đảng ta phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình...

Tiếp tục thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thiết nghĩ một trong những việc cần học tập, quán triệt và làm theo những chỉ dẫn của Người là tự phê bình và phê bình. Đó cũng là một trong những giải pháp mà Đảng ta phải quán triệt, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”./.

___________________________________________________

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H .2002, T7, tr 36.

  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T9, tr 292.

  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T12, tr 557 - 558.

  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T9, tr 283.

  5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T12, tr 261.

  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T5, tr 224.

  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T5, tr 238-239.

  8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T5, tr 267.

PGS. TS Nguyễn Quốc Phẩm

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


    Ý kiến bạn đọc