Tư tưởng “Dân làm gốc” trong quan điểm lý luận của Đồng chí Trần Phú về Cách mạng Việt Nam
EmailPrintAa
10:57 02/07/2014

Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Biết bao thăng trầm, hưng vong, bi thái. Biết bao sự kiện mà trong đó nhân dân là nhân vật trung tâm, tạo thành một dòng chảy không ngừng từ họ Hồng Bàng thời Thượng cổ sang Bắc thuộc, Tự chủ, Nam - Bắc phân tranh, thuộc Pháp đến thời đại Hồ Chí Minh.

Cổ nhân có câu: “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Dân chính là gốc rễ của đất nước, gốc rễ có vững chắc thì nước mới yên ổn). Tư tưởng “Dân làm gốc” là một kết tinh của lịch sử, là một yếu tố của văn hóa truyền thống phương Đông trong tồn tại, xây dựng, phát triển của mỗi triều đại, mỗi đất nước, dân tộc. Hưng Đạo Vương (1228 - 1300), nhà chính trị kiệt xuất nói: “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc, bền rễ”. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà văn hóa lớn nói: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc, sau bao năm bôn ba ở nước ngoài và tổng kết thực tiễn cách mạng trong nước đã khảng định: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” Theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người đã kết hợp tư tưởng “Dân làm gốc” ra đời trong truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc với học thuyết Mác - Lênin về vai trò quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng một cách nhuần nhuyễn, nhất quán, xuyên suốt cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi ấu thơ đồng chí sống giữa không khí sôi sục, bức bối của quần chúng nhân dân trong phong trào chống thuế Trung kỳ. Mười tám tuổi, đồng chí đã lăn lộn, trải biết phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy, công nhân mỏ Pác Hin Pun ở Lào. Đời sống vật chất, tinh thần và cốt cách của quần chúng nhân dân sớm lặn vào trong suy tư, thấm đẫm trong thao thức của Trần Phú.

Về sau, khi trở thành học trò, thành đồng chí hoạt động cách mạng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú tiếp thu tư tưởng, lý luận về Chủ nghĩa Cộng sản khoa học và từ hiện thực Việt Nam cuối những năm 20 đầu 30 thế kỷ XX, tư tưởng Dân làm gốc trong quan điểm, lý luận về cách mạng Việt Nam của Trần Phú mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc. Quần chúng nhân dân là đối tượng, mục đích để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn của cách mạng và sự thức nhận ấy đã thành phương pháp luận trong tư tưởng của Trần Phú trong việc hoạch định đường lối chủ trương, chiến lược và sách lược tổ chức, xây dựng Đảng ta.

Qua khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị, sự phân hóa giai cấp, lực lượng cách mạng, kẻ thù cách mạng, tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ngày 3/2/1930, đồng chí Trần Phú khẳng định: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê Nin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương(1). Trước đồng chí Trần Phú, tháng 7 năm 1905 trong tác phẩm “Hai sách lược của Đảng xã hội - dân chủ trong cách mạng dân chủ”, Lênin đưa ra lý luận rằng: “cách mạng xã hội chủ nghĩa không phải do giai cấp vô sản độc lập tiến hành chống toàn bộ giai cấp tư sản mà do giai cấp vô sản nắm quyền lãnh đạo liên minh với những phần tử nửa vô sản và quần chúng nhân dân lao động cùng tiến hành(2). Quan điểm ấy còn được thể hiện rõ trong diễn văn của Lênin về dự án những sắc lệnh về hòa bình và ruộng đất, trong việc phân công Lênin phụ trách Chủ tịch Hội đồng các ủy viên nhân dân, tức là chính phủ đầu tiên của công nhân và nông dân, tại phiên họp của Đại hội Xô Viết lần thứ II ngày 8/11/1917(2).

Tiếp thu lý luận về chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa xã hội của Các Mác - Lênin, gắn bó với nhân dân, hiểu sâu sắc hoàn cảnh sống, tâm tư khát vọng của nhân dân, đồng chí Trần Phú đã xác định rõ con đường phát triển của dân tộc hợp lý, hợp quy luật là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản(2). Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo khảng định: “Trong lúc đầu cuộc cách mạng Đông Dương sẽ là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, bởi vì cách mạng chưa có thể trực tiếp giải quyết được những vấn đề tổ chức xã hội chủ nghĩa; sức kinh tế trong xứ còn yếu , các di tích phong kiến còn nhiều, sức mạnh giai cấp tương đương chưa mạnh về phía vô sản, và lại còn bị đế quốc chủ nghĩa áp bức. Vì những điều kiện ấy cho nên thời kỳ bây giờ cách mạng chỉ có tính chất thổ địa và phản đế. Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi, chánh phủ công nông dựng lên rồi, thì công nghiệp trong nước được phát triển, các tổ chức vô sản thêm mạnh, quyền lãnh đạo của vô sản sẽ thêm kiên cố, sức mạnh giai cấp tương đương sẽ nặng về phía vô sản. Lúc đó sự tranh đấu sẽ thêm sâu thêm rộng, làm cho cách mạng tư sản dân quyền tiến lên con đường cách mạng vô sản(1).

Quan điểm trên được xác lập từ lý luận cách mạng không ngừng của Lênin rằng, quá trình cách mạng của giai cấp vô sản là quá trình liên tục, không ngừng nhưng trải qua nhiều giai đoạn. Cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn nào cũng hướng về phía nhân dân, lấy nhân dân làm mục đích.

Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảokhẳng định động lực chủ đạo của cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Thực chất cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là cuộc cách mạng nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hàng chục triệu người nông dân hơn nửa thế kỷ bị áp bức, bóc lột nặng nề sẽ là một lực lượng cách mạng hùng hậu không gì sánh nổi, không gì thay thế được, họ sẽ “thực hiện cuộc cách mạng tự giải phóng mình…”. Thế nên “ phải thu phục cho được không chỉ dân cày, thợ thuyền mà cả tư sản bản xứ, tiểu tư sản, trí thức(1).

Luận cương chính trị gồm mười điều cụ thể, mười vấn đề vừa có tính lý luận khoa học vừa mang tính thực tiễn, liên quan mật thiết đến sứ mệnh, lợi ích của quần chúng nhân dân.

“a/ Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ

b/ Lập chính phủ công nông

c/ Tịch ký hết ruộng đất của bọn địa chủ ngoại quốc, bổn xứ và các giáo hội, giao ruộng đất ấy cho trung và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất về chánh phủ công nông.

d/ Sung công hết thảy các sản nghiệp lớn của bọn tư bổn ngoại quốc.

e/ Bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến.

f/ Ngày làm công tám giờ, sửa đổi sự sanh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ.

g/ Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận dân tộc tự quyết.

h/ Lập quân đội công nông.

i/ Nam nữ bình quyền.

k/ Ủng hộ Liên bang Xô Viết; liên kết với vô sản giai cấp toàn thế giới và phong trào cách mạng thuộc địa và bán thuộc địa”.(1)

Vị trí của công nhân và nhân dân trong tiến trình cách mạng không ngừng, đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương chỉ rõ: “Vô sản giai cấp ở Đông Dương phần nhiều do dân cày hoặc là thủ công thất nghiệp mà hóa ra (…) giai cấp ấy rất tập trung và mỗi ngày lại thêm đông; và cách bóc lột áp bức theo lối thuộc địa rất tàn nhẫn, thành thử vô sản giai cấp mau phá sự trở ngại ấy mà nổi lên tranh đấu càng ngày càng hăng hái để chống lại tư bổn đế quốc. Vì vậy nên vô sản giai cấp thành một động lực chánh và rất mạnh của cách mạng…”.(1) Về giai cấp nông dân Tổng Bí thư Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương phân tích: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương ( hơn 90 %) họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền” .Và kết luận: “Vấn đề thổ địa là cốt lõi của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày mà tranh đấu để binh vực quyền lợi hàng ngày cho dân cày, và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, thì mới có thể giành quyền lãnh đạo cho dân cày được. Đồng minh của giai cấp vô sản là bọn trung, bần nông(2).

Sau khi xác định địa vị của giai cấp công nhân và nông dân, với một cách nhìn khoa học kế thừa tư tưởng Lê Nin về tổ chức quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng, đồng chí Trần Phú khảng định: “Muốn xây dựng Đảng thật vững mạnh, phải gắn kết chặt chẽ với xây dựng các đoàn thể quần chúng(1). Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội viết: “Quần chúng công nông, những người lao khổ và những phần tử tiểu tư sản đã nổi lên, ngày càng hăng hái kịch liệt chống lại đế quốc chủ nghĩa Pháp. Các đoàn thể c.m của quần chúng công nông, học sinh, binh lính và các đảng phái tiểu tư sản đồng thời kế tiếp và phát sinh ra (…). Chiêu tập các hội công nông, học sinh, binh lính, thanh niên, phụ nữ , các đảng phái cách mạng khác (như Quốc dân Đảng) lại mà tổ chức ra cho thành một Hội phản đế ở Đông Dương(1). Trên tinh thần ấy, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã ra các Nghị quyết về chức quần chúng cách mạng, thông qua Điều lệ các tổ chức quần chúng Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ. Và một tháng sau, tháng 11 năm 1930, Trung ương ra chỉ thị về vấn đề thành lập HộiPhản đế đồng minh”. Chỉ thị thể hiện rõ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân: “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc các mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công…(1).

Đặc biệt năm 1930 đến đầu năm 1931, lực lượng cách mạng ở Hà Tĩnh và Nghệ An phát triển nhanh chóng. Hai tỉnh có 1.320 đảng viên, 32.278 hội viên nông hội, 424 đoàn viên thanh niên cộng sản và 854 hội viên phụ nữ.(4) Với lực lượng như thế, Đảng bộ Nghệ Tĩnh đã huy động hàng chục vạn nhân dân, chủ yếu là công nông đương đầu với thực dân Pháp và tay sai trong cuộc đấu tranh quyết liệt mà không cân sức. Qua những đợt khúng bố trắng, đến đầu năm 1931, số quần chúng bị giết, bị thương trong các cuộc đụng độ lên đến hàng ngàn người, số đảng viên và cán bộ tích cực bị bắt cũng lên tới hàng ngàn. Những tổn thất không nhỏ này đã ảnh hưởng tới tinh thần đấu tranh của một số đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng chí Trần Phú và Trung ương Đảng kêu gọi: “Trách nhiệm tất cả đảng viêc khắp nơi là phải làm hết bổn phận để bênh vực lấy sự tranh đấu của nông dân Nghệ Tĩnh(1) và đã kịp thời động viên: “Phải bền lòng cương quyết mà tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh(1) và một lần nữa vạch rõ: “phải dựa vào sức mạnh của quần chúng mà chống khủng bố, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển các đội tự vệ công nông để bảo vệ cho quần chúng” (…) Khi nào cũng phải đinh ninh rằng cái khí giới độc nhất của mình là sự giác ngộ của quần chúng mà thôi(1).

Chỉ chín năm hoạt động cách mạng, khoảng sáu tháng làm Tổng Bí thư, nhưng với tài năng và nghị lực tuyệt vời, đồng chí Trần Phú đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương và Đảng ta nhiều giá trị sáng tạo trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, xây dựng Đảng và lực lượng cách mạng. Trong đó quan điểm, lý luận và sự chỉ đạo thực tiễn của đồng chí về vai trò, sức mạnh của nhân dân cho cách mạng vừa khoa học vừa nhân văn, thấm nhuần tư tưởng “Nước lấy Dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Nó đã, đang và sẽ là bài học hữu ích cho chúng ta trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Đức Ban

1. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia; Hà Nội: 2002, t.2, tr.82,.93, 95, 97, 98, 195, 196

2. Theo Từ điển triết học: Mục từ: Lê Nin; Nxb. KHXH; 1998; tr.98-99

3. Hồ Chí Minh toàn tập; Nxb. Chính trị quốc gia; Hà Nội, 2002, t.3, tr.1

4. Rút trong Xô viết Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ An 2000, tr.49,50

 

    Ý kiến bạn đọc