Xây dựng gia đình văn hoá trong xã hội hiện nay
EmailPrintAa
16:08 02/07/2014

Gia đình có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội, là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ăng-ghen khi nghiên cứu lịch sử tiến hóa của xã hội loài người đã dựa trên quan điểm duy vật, khẳng định vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội: “Những trật tự xã hội của con người ở một thời đại lịch sử của một quốc gia do hai yếu tố con người quyết định. Đó là, trình độ phát triển của lực lượng lao động và trình độ phát triển của gia đình”(1).

Tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình vào ngày  10/10/1959, Bác Hồ cũng đã khẳng định : “…Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình …(2).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình, nhiều thập kỷ qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ quan điểm về vị trí, vai trò đối với vấn đề gia đình, công tác quản lý Nhà nước về gia đình. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XI đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững.

Đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành đã tạo ra những thành quả tốt trong xây dựng gia đình Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quán triệt tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và các quan điểm trên, những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hà Tĩnh đã có những bước phát triển mới, khả quan, hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống các cộng đồng dân cư, trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao, phát huy giá trị văn hoá truyền thống và chuẩn mực đạo đức trong đời sống hiện đại. Năm 2013, toàn tỉnh có 266.619/ 352.761 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 75% , số hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn 11%. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TDĐKXDĐSVH tỉnh đã vinh danh, gặp mặt và giao lưu 96 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh và bình chọn 12 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tặng Bằng khen và chọn 3 gia đình xuất sắc nhất tham dự Hội nghị vinh danh gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.

Tuy nhiên vẫn có một số tồn tại cần khắc phục như: một số địa phương việc bình xét công nhận gia đình văn hóa và việc tổ chức biểu dương, tôn vinh gia đình văn hóa chưa thực chất, chưa chặt chẽ và chu đáo. Một số địa phương có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu, dẫn đến giảm sút về chất lượng. Bên cạnh đó, việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do phát triển cá nhân làm phá vỡ những giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình, của dân tộc đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có kết quả, nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Vấn đề gia tăng dân số vẫn còn là nỗi lo, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Mạng lưới y tế, giáo dục thực sự chưa có đủ khả năng đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình... Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới đang diễn ra từng ngày, từng giờ đã làm biến đổi về cấu trúc của một số bộ phận gia đình Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần vào sự ổn định chung và phát triển bền vững của đất nước.

Chính vì vậy việc xây dựng gia đình văn hóa trong tình hình hiện nay phải được quán triệt trên những quan điểm sau:

 Thứ nhất, phải chú trọng xây dựng tế bào gia đình mạnh khỏe. Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Rõ ràng, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Và no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh. Muốn có một “tế bào lành mạnh”, một “nền tảng vững chắc” thì phải xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Thứ hai, gia đình là “cơ sở đào tạo đặc biệt” tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng cao.

Thứ ba, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, mà xét đến cùng, đó là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.

Thứ tư, quan tâm đúng mức công tác gia đình. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Đưa nội dung công tác này vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch hàng năm của ngành và của địa phương.

Thứ năm, xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào khác, như xây dựng khu dân cư văn hóa, làng, xóm văn hóa... Đưa phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các kiến thức kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và phúc lợi xã hội, giúp các gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Quán triệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế để xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Bùi Đức Hạnh

TUV, Giám đốc Sở VHTT&DL

--------------------

(1) Lời tựa lần thứ nhất sách “Nguồn gốc của Gia đình, Sở hữu tư nhân và Nhà nước” của Phriđrich Ăngghen.

(2)Hồ Chí Minh, Toàn tập - Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, tr.523


    Ý kiến bạn đọc