Đảng bộ huyện Hương Sơn lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế
EmailPrintAa
16:43 06/10/2014

Căn cứ vào những điều kiện, tiềm năng thực tế tại địa phương, từ sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kì 2010 - 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ Hương Sơn đã sớm ban hành nhiều nghị quyết nhằm phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, trong đó tập trung cho kinh tế trang trại, vườn đồi, phát triển chăn nuôi, du nhập thêm những nghề mới.

Từ mô hình của người dân

Anh Tôn Kế Toại là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thủy, với vai trò gương mẫu của người đảng viên, lại phụ trách lĩnh vực tuyên truyền vận động nhân dân, anh Toại đã quyết tâm đi đầu bước trước. Ngay từ đầu năm 2012, được sự ủng hộ của gia đình, anh đã tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở chuồng trại trên diện tích 3 ha. Tháng 4/2012, anh bắt đầu thả 1.200 con lợn ở cả 2 khu vực chuồng nuôi theo hình thức liên kết với công ty CPi. Mỗi năm anh thả 5 lứa, mỗi lứa cho lợi nhuận 200 triệu đồng. Trong quá trình gây dựng trang trại chăn nuôi tập trung, anh Toại đã được vay 500 triệu đồng theo Quyết định 26 và được hỗ trợ 172 triệu đồng từ các chính sách của huyệnxã. Anh Toại tâm sự: “Bản thân mình là một đảng viên, là một người đi vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế của huyện, của xã nên tôi nghĩ rằng không gì hiệu quả bằng cách bản thân mình cũng phải vào cuộc một cách tích cực. Vì vậy, tôi đã vượt qua những khó khăn để xây dựng mô hình kinh tế và khi thấy có hiệu quả thì nhiều hộ dân cũng đã học tập, làm theo”.

Với anh Trần Xuân Tuất và chị Lê Thị Anh ở thôn 8, xã Sơn Trường, sau khi xây dựng gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, anh chị đã mạnh dạn nhận đất rừng để xây dựng, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do không có hướng đi phù hợp, không có sự hỗ trợ về kinh phí, sự hướng dẫn về kỹ thuật nên gia đình anh chưa có điều kiện để phát triển mô hình trang trại cho thu nhập cao. Đó là câu chuyện xưa cũ của nhiều năm về trước. Giờ đây, sau khi được tiếp sức từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự hỗ trợ kích cầu của huyện, xã, gia đình anh được vay 500 triệu đồng. Với số vốn đó, gia đình anh Tuất đã có điều kiện xây dựng lại trang trại một cách quy mô, hệ thống, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, trồng cây ăn quả, đào được ao thả cá, nuôi thêm được hơn 10 con bò... Thu nhập từ đó cũng tăng lên đáng kể, chỉ tính riêng cây ăn quả, mỗi năm cũng đã đưa về lợi nhuận cho gia đình anh trên 300 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày càng được nâng cao, nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đầy đủ, anh Tuất càng cảm thấy biết ơn những chủ trương đúng đắn từ cấp trên.

Tích lũy được kinh nghiệm trong những năm tháng xa quê đi làm ăn ở miền Nam, khi trở về quê nhà, nhận thấy tiềm năng của địa phương trong việc trồng nấm, lại được tiếp sức từ những chủ trương trong phát triển kinh tế của huyện và xã, anh Võ Đình Phúc ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1 đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng nấm mc nhỉ với diện tích 400 m2 đầu tiên trên địa bàn. Thực hiện Quyết định 26 trong vay vốn, anh đã nhanh chóng được làm thủ tục vay 300 triệu đồng. Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, anh Phúc đã dồn hết tâm sức chăm sóc từng bịch nấm phát triển và cho nâng suất cao.

Mô hình sản xuất của anh Toại, anh Tuất, anh Phúc đã phần nào khẳng định sự vượt khó vươn lên của người dân nơi đây, họ đã mạnh dạn đầu tư, thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành nên những trang trại công nghiệp, những khu chăn nuôi tập trung qui mô lớn và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh sự chịu khó, mạnh dạn đầu tư của người dân còn phải kể đến vai trò chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở để có nhiều quyết sách phù hợp, góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Xây dựng những chủ trương đúng đắn...

Sơn Trường là xã bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có tới 38% hộ nghèo. Đảng bộ, chính quyền xã xác định: để huy động được sự chung tay, góp sức của người dân, trước hết cần phải nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã. Tđó, Đảng bộ xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất rừng, phát huy lợi thế về trồng trọt để xây dựng trang trại quy mô lớn. Đảng bộ xã đã triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế, trong đó Nghị quyết 05 về phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn. Tính riêng năm 2013, trên cơ sở Quyết định 24, 26 của tỉnh đã có 7 tỷ đồng đến được với người dân. Với số vốn được vay, cùng với sự điều hành của cấp ủy, chính quyền xã và sự vào cuộc của nhân dân, đến nay, toàn xã có trên 100 mô hình thu nhập trên 50 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17%.

Bên cạnh ban hành Nghị quyết về phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hương Sơn có Nghị quyết về phát triển chăn nuôi. Sau khi nghị quyết ra đời, với lợi thế về phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo hướng tập trung liên kết, Đảng bộ xã Sơn Thủy đã tiến hành quy hoạch khu vực nuôi và ban hành cơ chế hỗ trợ cho người dân. Bởi vậy, Sơn Thủy được xem là địa phương đi đầu của huyện trong phát triển chăn nuôi lợn tập trung và cũng là xã có mô hình chăn nuôi lợn tập trung liêt kết lớn nhất. Trên địa bàn xã Sơn Thủy ở khu vực quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung đã có 3 hộ gia đình xây dựng trang trại với diện tích 5 ha. Hiện đang tiến hành quy hoạch thêm 10 ha nữa. Chính điều này đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ dễ làm phát sinh dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường ở cộng đồng dân cư vốn đã tồn tại từ bao đời nay của người nông dân.

Thực tế cho thấy, khi chủ trương, Nghị quyết được ban hành, để người dân sớm bắt tay vào thực hiện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền. Với những cách làm không giống nhau nhưng đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân nên các địa phương ở huyện Hương Sơn khi triển khai Nghị quyết đã đạt được mục đích của mình. Điều này cho thấy sự nhanh nhạy của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện bởi ngay sau Đại hội đã xây dựng 2 Nghị quyết: Nghị quyết 02 về phát triển chăn nuôi, Nghị quyết 05 về phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng đề án với các nhiệm vụ, cách làm, lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ. Do đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế nên các Nghị quyết trên được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao. Ông Võ Tá Luận - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết: “Những nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã tạo động lực và quyết tâm để chúng tôi thực hiện. Và thực tế cho thấy nhng tiềm năng về đất đai, về lao động đã được đánh thức, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân”.

Diện mạo mới của huyện miền núi

Hương Sơn hôm nay đã có sự đa dạng trong phát triển kinh tế, không chỉ nổi bật bởi những rừng keo, những đàn hươu, đồi cam mà giờ đây còn hình thành nên những khu trang trại chăn nuôi tập trung, những khu vực trồng nấm công nghiệp. Điều đáng ghi nhận từ các nghị quyết về phát triển kinh tế, Hương Sơn đã phát huy được lợi thế về đất đai, lao động để phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Năm 2013, Hương sơn có tổng đàn trâu bò tăng hơn 2%; đàn lợn tăng hơn 40%; đàn hươu tăng 7% (so với năm 2012). Cây ăn quả phát triển lên tới gần 2.600 ha.Tổng giá trị ngành chăn nuôi đạt trên 500 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng gần 40% ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Đảng bộ Hương Sơn còn tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, nhờ đó tổng sản lượng lương thực đạt 45.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệuđồng/năm...

Việc sớm ban hành các Nghị quyết nhằm phát huy lợi thế về tiềm năng của địa phương là bước đón đầu có hiệu quả cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Hương Sơn. Với hướng đi đúng và những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, chắn chắc rồi đây Hương Sơn sẽ có nhiều thành công hơn nữa trên chặng đường phát triển kinh tế, để góp phần làm thay đổi diện mạo của một huyện miền núi.

Nguyễn Tâm


    Ý kiến bạn đọc