Nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt theo Quy định 76 của Bộ Chính trị
EmailPrintAa
16:48 06/10/2014

Ngày 15/6/2000, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 76 “về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với Chi uỷ, Đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Theo đó, Bộ Chính trị xác định rõ trách nhiệm của đảng viên đang công tác phải có quan hệ mật thiết với nơi cư trú, gần gũi nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân nơi cư trú. Quy định cũng xác định trách nhiệm phối hợp giữa các tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú trong việc quản lý, kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ đảng viên và nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú.

Bộ Chính trị cũng xác định rõ nhiệm vụ của đảng viên, của các cấp uỷ đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú trong việc thực hiện quy định này. Có thể nói rằng đây là một chủ trương rất đúng để tăng cường quản lý đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới; đặc biệt là dưới tác động nhiều chiều của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt Quy định 76 là khâu quan trọng để Đảng ta có thêm điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bởi vậy sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định đã tạo được sự đồng tình cao, nên hầu hết các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhanh chóng và bước đầu mang lại kết quả. Ở Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, đến nay 100% tổ chức đảng đã tiến hành giới thiệu đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú và tiếp nhận đánh giá nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú gắn với việc sinh hoạt phân loại chất lượng đảng viên cuối năm. Thông qua việc quản lý đảng viên sinh hoạt nơi cư trú nhiều đảng viên đã quan tâm hơn hoạt động, sinh hoạt của bản thân và gia đình nơi cư trú; chú ý phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống lành mạnh và có mối quan hệ gần gũi, mật thiết hơn với cộng đồng khối phố, thôn xóm. Do làm tốt việc quản lý đảng viên, nhiều cơ quan, đơn vị đã phối hợp có hiệu quả với cơ quan tổ chức của Đảng làm tốt hơn trong việc xây dựng quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tránh được những sai sót không đáng có...

Tuy vậy, phần lớn các tổ đảng sinh hoạt theo Quy định 76, cán bộ, đảng viên nơi cư trú vẫn còn nhiều băn khoăn về chất lượng, hiệu quả thiết thực, tính hấp dẫn trong việc tổ chức hoạt động theo Quy định này. Bởi một số nơi việc sinh hoạt đảng nơi cư trú còn mang tính hình thức, theo kiểu thủ tục “Xuân Thu nhị kỳ”, mỗi năm hai lần, mỗi lần một vài giờ; chủ yếu gặp nhau, thu hội phí vui vẻ; còn nghe gì và nói gì với nơi cư trú chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người còn lo về sự có mặt ghi tên để cuối năm có giấy xác nhận tốt của cấp uỷ cư trú mang về cơ quan hơn là việc quan tâm đến những vấn đề người dân địa phương cư trú đang cần đến mình. Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các tổ đảng 76 có lẽ còn rất nhiều điều cần làm.

Ở tầm vĩ mô, các Ban tham mưu của Đảng cũng cần có những cuộc khảo sát đánh giá lại kết quả sau gần 15 năm Bộ Chính trị ban hành Quy định, xem những gì là tốt những gì chưa được để có những hướng dẫn bổ sung kịp thời giúp các cấp uỷ có những điều chỉnh cần thiết trong chỉ đạo thực hiện. Ví như: có nên mở rộng thêm đảng viên đương nhiệm giữ mối liên hệ với khối phố, thôn xóm, các đoàn thể quần chúng gần gũi với công việc mà đảng viên đương nhiệm phụ trách... hay chỉ quan hệ với cấp uỷ địa phương?. Bởi nếu chỉ giữ mối quan hệ với cấp uỷ thì vẫn còn chổ hở, chưa thể thắt chặt và gắn kết được với với cộng đồng dân cư. Tuy nhiên mọi tổng kết đều phải bắt nguồn từ điều kiện cho phép và thực tiễn phong phú, đa dạng. Thực tế ở các địa phương đã có những kinh nghiệm quý bước đầu.

Về thủ tục giới thiệu: đã là quy định của Bộ Chính trị thì mọi đảng viên cần được giới thiệu kịp thời. Cán bộ cấp cao lại càng phải sớm giới thiệu để tăng kịp thời chất lượng cho các tổ đảng nơi cư trú. Các cấp uỷ của đảng viên đương nhiệm không nên cho rằng vì bận nhiều việc, lãnh đạo hay thay đổi phân công nên giới thiệu muộn. Hoặc như đảng viên hay vắng sinh hoạt; đảng viên lãnh đạo cư trú trong các khu tập thể cơ quan chưa quan tâm thực hiện quy định của khu dân cư... nhưng cấp uỷ nơi cư trú vẫn e ngại trong việc tham gia ý kiến.

Về nội dung sinh hoạt: đối với đảng viên đương nhiệm sẽ không thể tổ chức sinh hoạt với nhiều thời gian. Thế nên trong thời gian quy định cấp uỷ địa phương cần chuẩn bị kỹ càng, có bàn định tập thể lựa chọn những vấn đề rất cụ thể thiết thực để báo cáo gọn trong sinh hoạt đảng viên nơi cư trú. Tránh dài dòng, ôm đồm theo kiểu báo cáo học tập nghị quyết, báo cáo tất cả mọi vấn đề kinh tế - xã hội địa phương mà thực ra rất nhiều đảng viên đã biết quá rõ. Nên chăng cấp uỷ cần lựa chọn báo cáo thêm những vấn đề chủ yếu nhất mà cán bộ nhân dân quan tâm; những vướng mắc trong tư tưởng, một vài dự án tiêu biểu đang có những vấn đề cần tranh thủ ý kiến đảng viên đương nhiệm... và bố trí thời gian phù hợp để tiếp nhận phản hồi.

Đối với việc phối hợp quản lý đảng viên: hiện nay số đảng viên được giới thiệu sinh hoạt nơi cư trú rất đông và còn được bổ sung thường xuyên. Nên việc triệu tập đảng viên đương nhiệm tham dự sinh hoạt đầy đủ về số lượng là điều rất khó. Tổ trưởng 76 nên chủ động phối hợp để cấp uỷ địa phương để lựa chọn thời gian thích hợp khi triệu tập họp đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Nên ưu tiên thời gian để đảng viên có trọng trách cao có điều kiện tham gia sinh hoạt. Tổ đảng 76 nên phân công đảng viên thi thoảng tiếp xúc cán bộ, nhân dân địa bàn mình cư trú để trực tiếp nghe thêm những điều nhân dân quan tâm đến cán bộ, đảng viên đương nhiệm mà nhiều khi do tế nhị đã bị bỏ sót trong những sinh hoạt thường kỳ...

Việc nhận xét đảng viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú rất dễ hình thức, vì cấp uỷ nơi đương nhiệm không thể có đủ điều kiện đi về cơ sở để nắm tình hình đảng viên nơi cư trú. Nhiều đảng uỷ ký nhận xét đóng dấu trước và giao quyền cho bí thư chi bộ cơ sở ghi theo mẫu có sẵn. Tuy nhiên một số cấp uỷ đã có cách làm hay là phân công cấp uỷ viên phụ trách số lượng đảng viên nhất định. Trong quá trình theo dõi đảng viên về nơi cư trú đã biết bám vào những mặt mạnh yếu của gia đình. Hàng năm phân loại ra những nhóm đảng viên còn có vấn đề và đảng viên tham gia tốt ở cơ sở. Trước khi nhận xét để gửi về cấp uỷ đương nhiệm ở cơ quan đơn vị; tập thể cấp uỷ họp mở rộng xin ý kiến về những đảng viên còn có vấn đề làm căn cứ cho cấp uỷ nhận xét cụ thể. Điều này không chỉ tránh được thành kiến cá nhân mà còn thể hiện được sự công khai, dân chủ, khách quan hơn nên thực sự có tác động tích cực đến hoạt động của đảng viên và gia đình đảng viên nơi cư trú.

Nói tóm lại Quy định của Bộ Chính trị nhằm để cán bộ đảng viên gắn bó hơn mối quan hệ cán bộ, đảng viên giữa các cấp, giữa Đảng với dân để nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của từng đảng viên, từ đó khắc phục những biểu hiện “quan cách mạng”, quan liêu xa dân, thiếu thực tiễn khi đề ra mọi chủ trương chính sách và chỉ đạo thực tiễn. Bởi vậy, thiết nghĩ Quy định này không nên hiểu chỉ là giới hạn bởi việc thường xuyên giữ mối liên hệ giữa đảng viên đương nhiệm với cấp cấp uỷ nơi cư trú và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; mà quan trọng hơn là việc buộc đảng viên đương nhiệm phải sống gần dân hơn, nghe được tiếng nói từ đáy lòng nhân dân để góp thêm nội lực làm cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều mang trong mình hơi thở cuộc sống. Đây là điều quan trong và rất có ý nghĩa để góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Trần Quang Trung


    Ý kiến bạn đọc