Nhà Lao Hà Tĩnh những vẫn thơ - mẫu chuyện
EmailPrintAa
16:02 06/10/2014

Sau khi tỉnh Hà Tĩnh được thành lập (Minh Mệnh thứ 12 - 1831) thì có nhà lao Hà Tĩnh, nhưng rồi đơn vị hành chính Hà Tĩnh cũng mấy lần thay đổi, khi bỏ đạo lập tỉnh, khi lại bỏ tỉnh lập lại đạo, rồi lại bỏ đạo lập lại tỉnh. Nhà lao Hà Tĩnh vì vậy cũng mấy lần thay đổi, di dời theo sự biến động ấy, khi ở tỉnh thành, khi dời về đạo thành trong phủ Hà Thanh, rồi lại từ đạo thành dời về tỉnh thành...

Những "Vần thơ - mẩu chuyện" nói dưới đây là khi nhà lao đã ở trong tỉnh thành, gần cửa Hậu của thành Hà Tĩnh, địa điểm đó nay là khu dân cư phía sau trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, cạnh đường Nguyễn Hữu Thái.

Theo hồi ký Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 - 1984) viết về nhà lao Hà Tĩnh năm 1908 thì: "...Sau bức tường vôi, chỉ một nhà gạch không to lắm, án ngự lấy một ngôi nhà tranh phía đằng sau..., thì ra đây là cái "trại lá", nơi giam tù!... Gọi là trại lá bởi vì lợp bằng tranh. Chả là tỉnh Hà Tĩnh hồi ấy chưa có nhà giam bằng gạch;... đi qua cái sân rộng, tới một cái thềm tam cấp, rồi đi vào nhà phía sau. Nhà chia làm hai buồng, giữa có một lối đi hẹp; mà sao tối om và hôi hám thế này?..." (Hồi ký - trang 51).

Mãi cho đến năm 1920 về sau thì nhà lao và các dinh thất mới được xây dựng kiên cố. Theo hồi ký của một người tù cũ ở Đông Lưu và theo lời kể của ông Phương, nguyên đội lính Khố xanh thì đến năm 1930 lao Hà Tĩnh đã có sáu nhà gạch xếp thành hai dãy đối diện nhau. Dãy phía bắc có Bắc nhất, Bắc nhì, Bắc tam. Dãy phía nam có Nam nhất, Nam nhì, Nam tam. Nam nhì là lao giam tù phụ nữ. Mười tám xà lim được bố trí ở ba lao Bắc tam, Nam nhì, Nam tam, mỗi lao sáu cái. Từ đây cho đến năm 1945 nhà lao Hà Tĩnh vẫn không có gì thay đổi.

Sau khi triều đình Huế thất thủ, thực dân Pháp từng bước chiếm trọn nước ta, các phong trào yêu nước chống Pháp cũng liên tục nổ ra, từ Cần Vương đến Duy Tân, Đông Du, đến phong trào chống sưu thuế..., đặc biệt sau khi các tổ chức đảng Tân Việt, rồi đảng Cộng sản ra đời thì ngọn lửa cách mạng lại bùng lên mạnh mẽ, nhất là trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những năm 1930 - 1931.

Nhà lao Hà Tĩnh thường xuyên là nơi giam giữ những người yêu nước, những nhà cách mạng mà chúng bắt bớ trong các trận càn quét, khủng bố độc ác. Ở đây đối với tù nhân chúng đã từng dùng các nhục hình cùm kẹp, tra tấn hết sức dã man. Nhưng cũng chính ở đây tấm lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và bất khuất đã làm sáng ngời khí tiết của những người cách mạng.

Nguyễn Hằng Chi người cầm đầu phong trào chống sưu thuế ở Hà Tĩnh đã bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Án sát Cao Ngọc Lễ đã dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man đến nỗi "Cái quần lụa trắng mà Nguyễn Hằng Chi đang mặc đã nhuốm máu mất hai phần ba mà ông vẫn không khai nhận"... Trước khi bị thực dân Pháp hành quyết ngay sau nhà lao Hà Tĩnh, Nguyễn Hằng Chi còn để lại bài thơ tuyệt mệnh:

Dân trí dân quyền, chính khải hành

Mã thương Hoa bác dục tranh minh

Phi thường xuất tự tầm thường sự

Khô thụ tài bồi hoa diệc sinh.

Giáo sư Nguyễn Đổng Chi dịch:

Dân trí, dân quyền mở lối thăm

Súng Hoa, đạn Mã đã lăm lăm

Trong tầm thường có phi thường đấy

Cây héo, hoa tươi khéo bón chăm.

Trước và sau vụ đấu tranh đòi giảm sưu thuế, không chỉ Nguyễn Hằng Chi, Trịnh Khắc Lập mà thực dân Pháp còn bắt giam hàng loạt các yếu nhân của phong trào Đông Du, Duy Tân như Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, Lê Khắc Cẩn, Nguyễn Đình Kiên..., Đặng Nguyên Cẩn, nguyên Đốc học Hà Tĩnh cũng bị đưa về giam ở đây.

Tất cả mọi người đều bị khép vào tội "mưu phản". Nguyễn Hằng Chi, Trịnh Khắc Lập chịu tử hình, còn những người khác bị đày ra Côn Đảo với bản án rất lơ mơ: "Bạn trạng vị hình, bạn tâm dị lộ" (chưa có hành động phản quốc cụ thể, nhưng lòng phản quốc thì đã rõ). Trong lao sau các cuộc tra hỏi độc ác, các vị vẫn cùng nhau ngâm vịnh. Trên đường đi đày ra Côn Đảo, khi đến Vinh, thấy xe ngựa ngược xuôi, ông Nghè Ngô Đức Kế ứng khẩu đọc một bài thơ tám câu (trích):

"... Sống không thể để loài da trắng,

Chết nữa cho cam giọt máu hồng.

Trước mặt anh em thề một tiếng:

Trên trời, dưới đất giữa non sông".

Ông cử Đặng Văn Bá sang sảng tiếp (trích):

"... Thà không trời đất không chi cả,

Còn có non sông có lẽ nào.

Quyết phải xúm tay chèo kéo lại,

Để cho muôn mặt ngắm trông vào".

Nhiều người định đọc tiếp nhưng đám lính áp giải đã can ngăn và hối thúc lên đường.

Trong những năm 1930 - 1932, nhà lao Hà Tĩnh chật ních. Có lúc "Mỗi lao lên tới 125 người, mỗi dãy cùm dài độ 2 mét, cùm những 5 người, thường phải thay đổi ba người nằm thì hai người ngồi, rồi hai người nằm lại ba người ngồi. Mùa đông mà áo tù ướt đẫm mồ hôi, còn mùa hè thì như bị nướng trong lò..., mỗi ngày chỉ được ra ngoài 1 - 5 phút... Cơm nước thì bị nhà thầu bớt xén, có lúc cơm còn đầy sạn, trấu, giờ ăn uống lại thất thường..." (theo hồi ký của Nguyễn Kim Ngọc). Đau khổ và éo le đến thế mà Hồ Văn Ninh vẫn cho ra đời bài thơ tự vịnh "Ngồi cùm ngựa" với lời lẽ đầy lạc quan và cảm khái:

Pháp luật ngày nay mãi vẫn còn,

Bắt ngồi "cùm ngựa" dáng chon von.

Tay choàng xiềng sắt tay thêm cứng,

Đít tọa kỳ lim, đít chẳng mòn.

Tréo gót nâng niu vầng nhật nguyệt,

Nơ vai nương tựa cột kiền khôn.

Cường quyền khéo vẽ trò cay nghiệt,

Sấm sét khôn sờn dạ sắt son.

Cũng trong những năm 1930 - 1931, Nguyễn Huy Lung, Bí thư Chi bộ trường Pháp Việt Hà Tĩnh (sau khi Lê Bá Cảnh bị bắt), bị tra khảo ở đây máy tháng liền, dù không moi được chứng cứ gì, tòa Nam án Hà Tĩnh vẫn kết án anh 13 năm khổ sai. Thế mà chánh mật thám Trung kỳ còn phản kháng với bộ hình Huế: "Theo ý tôi hình phạt do các nhà chức trách địa phương quyết định đối với Nguyễn Huy Lung chưa đầy đủ... Nó là một tay hoạt động quan trọng, mà bản án chưa làm nổi bật...". Thế là Nguyễn Huy Lung lại tiếp tục bị xét hỏi, tra khảo... Giữa lúc đó một bài thơ của cụ thân sinh anh - một nhà nho làm chánh tổng, có tinh thần yêu nước - lọt vào xà lim cầm cố. Nguyễn Huy Lung vô cùng xúc động trước những lời tiết tháo của cha:

"... Đã muốn non sông xoay trở lại,

Sợ gì lụy tiết lụy vào vòng..."

Đêm ấy, một đêm không ngủ, Nguyễn Huy Lung đã làm bài thơ đáp lại lời cha:

Con xin thầy mẹ chớ sầu thương

Lụy tiết lao lung chính sự thường

Đã quyết liều thân cùng xã hội

Lẽ nào trở mặt với giang sơn

Công nhà nhờ mẹ lo săn sóc

Việc nước mong thầy cứ đảm đương

Nghĩa nặng, ơn dày khôn trả kịp

Con xin lấy máu tỏ can trường.

Bài thơ của Nguyễn Huy Lung vừa về tới nhà thì cũng là lúc anh bị đày đi ngục Kon Tum. Tuy vừa mới đến đây, nhưng anh đã là một trong những người tham gia cầm đầu cuộc đấu tranh chống việc bắt tù nhân đi làm đường Đak PeK. Sách "Ngục Kon Tum" của Lê Văn Hiến thuật lại: Địch kéo đến vây kín nhà lao. Cai ngục Mu-Lec quát: “Thằng 299 đâu?” (299 là số tù của Lung). Nguyễn Huy Lung đứng phắt dậy, nhưng Trương Quang Trọng nhảy ra, đứng chắn trước mặt, phanh ngực áo nói to: "Nó đây!", một phát súng nổ, Trọng ngả xuống. Lung xông tới. Lại một phát súng nổ. Đó là ngày 12 tháng 12 năm 1931.

Một câu chuyện khác xa hơn nhưng cũng đầy cảm động. Đó là vào khoảng năm 1892 - 1895, ở nhà lao Hà Tĩnh có một người tù phụ nữ mang án tử hình với tội danh "ám thông với giặc chống triều đình", mặc dầu bà không hề tham dự quốc sự. Người tù ấy là Phan Thị Đại (1841 - 1915), chị ruột Đình nguyên Phan Đình Phùng, vợ Cử nhân Lê Văn Thống, mẹ Giải nguyên Lê Văn Huân, ở Trung Lễ, Đức Thọ.

Sau khi Phan Đình Phùng khởi nghĩa, bà Cử Thống phải đưa con đi trốn tránh nhiều nơi, từ Đức Thọ sang Hương Sơn, rồi Nam Đàn, Thanh Chương..., cuối cùng bà vẫn bị bắt đưa về tỉnh Nghệ, rồi giải về giam ở lao Hà Tĩnh và bị kết án tử hình.

Tháng 12/1894, bà Phan Thị Đại bị giải vào Huế để thụ hình. Bà giắt gói thuốc độc trong áo và tự nhủ: "Ta là chị cụ Đình, ta quyết vô đến Huế, nhìn kinh đô một chút rồi chết cho thỏa". Nhưng mới đến Quảng Bình bà lại được đưa trở lại Hà Tĩnh. Thì ra, Viện Cơ mật không y án của tỉnh vì "em làm giặc, chị gái đã xuất giá không có tội, nếu đã bắt thì cũng chỉ giam một thời gian thôi".

Vừa về lại nhà ngục hôm trước thì hôm sau bà được vợ Tuần vũ Tôn Thất Hân mời vào tư thất tiếp đãi cơm nước, chuyện trò thân mật. Đang ngạc nhiên vì sự "thay bậc đổi ngôi", thì ông Tuần đưa cho bà ba phong thư và nói:

- Phiền bà lên trao tận tay cho cụ Đình. Nếu việc có kết quả sẽ xin trọng thưởng. (Ba bức thư đó là: thư của Toàn quyền Pháp, thư của Hoàng Cao Khải và thư Tôn Thất Hân, đều là thư dụ hàng).

Được dịp gặp ông em lâu ngày xa cách, bà vui vẻ nhận lời.

Một toán lính cơ đưa võng cáng, cờ trống, đến nhà lao đón bà Đại, rước lên Hương Khê. Cụ Đình được tin cũng cho một toán Nghĩa quân xuống đón tận Cửa Rào, rước bà chị về đại đồn.

Bà Đại ở lại Vũ Quang ba ngày, rồi từ giả ông em:

- Cậu ra hay không là chuyện hệ trọng của nước nhà, chị không dám bàn. Còn chị thì chị về kẻo họ lại nghĩ là chị hãi (sợ).

- Tôi không ra, nhưng nếu phúc đáp ngay thì họ sẽ giết chị, cứ để thư thư. Nay tôi tạm viết mấy dòng chị mang về trước.

Hai chị em lưu luyến từ biệt nhau.

Về lao Hà Tĩnh bà Phan Thị Đại tiếp tục bị giam giữ cho đến năm 1895 mới được tha. Năm ấy bà đã 54 tuổi (theo tư liệu cụ Lê Thước).

Lê Văn Tùng


    Ý kiến bạn đọc