Sức lan tỏa từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của hội viên, nông dân  
EmailPrintAa
17:02 06/10/2014

Phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm vừa qua. Phong trào đã thực sự tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên nông dân.

Mục tiêu của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh (SXKD) doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là động viên giúp đỡ các hộ nông dân phát huy nội lực, đoàn kết giúp nhau phát triển SXKD, làm cho đời sống ngày càng được nâng lên và càng tạo được nhiều hộ nông dân SXKD giỏi. Nhận thấy tầm quan trọng của phong trào này, cùng với việc bám sát chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo tỉnh về các chính sách hỗ trợ; tích cực tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài nước; chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành; kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; động viên khích lệ hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Nhiều mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh do các cấp Hội hỗ trợ xây dựng được hình thành và từng bước nhân rộng khắp các vùng, miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong số các mô hình SXKD giỏi, trước hết phải kể đến nông dân đi đầu trong xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở huyện Can Lộc là bà Hoàng Thị Bình, thôn Trường Lộc, xã Thiên Lộc. Từ chỗ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong gia đình, được Hội Nông dân huyện động viên, hướng dẫn, phối hợp với ngân hàng cho vay vốn, chính quyền địa phương tạo điều kiện, đầu năm 2007 gia đình bà mạnh dạn nhận 2 ha làm trang trại chăn nuôi tổng hợp, đến giữa năm đưa vào sản xuất. Hiện nay trang trại của bà có 60 con lợn nái, mỗi lứa nuôi 500 con lợn béo, ngoài ra còn có 40 con bò nhốt, 1.500 con vịt đẻ, hàng trăm con gà và một ao thả cá. Trong khi hầu hết các trại chăn nuôi lợn hiện nay chủ yếu theo hình thức liên kết, thì trang trại của bà tự chủ được con giống và tiêu thụ sản phẩm. Mấy năm gần đây, tổng doanh thu từ trang trại của gia đình bà lên tới gần 3 tỷ đồng, riêng năm 2014 này ước đạt 4 tỷ đồng, lợi nhuận thu được từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Tiêu biểu trong phong trào trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi ở huyện Hương Sơn là gia đình ông Ngô Xuân Linh, xóm Minh Giang, xã Sơn Mai. Gia đình ông mạnh dạn nhận 21 ha đất vườn đồi của xã để sản xuất. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân huyện tổ chức, vợ chồng ông mạnh dạn nuôi hơn 100 con bò, vừa để sinh lợi, vừa để lấy phân trồng cam. Trang trại của ông còn nuôi gần 5.000 con bồ câu. Mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu về từ 05 - 07 tỷ đồng từ cam và bò nhốt. Từ một nông dân nghèo, làm nghề phụ lái xe, bây giờ ông trở thành tỷ phú nông dân,... Ông được chọn là nông dân duy nhất, đại diện cho hơn 220.000 hội viên, nông dân toàn tỉnh đi dự hội nghị vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc toàn quốc năm 2013…

Những mô hình lớn, doanh thu hàng tỷ đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều, khắp các vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Nhưng những mô hình này không phải nông dân nào cũng làm được, vì đầu tư ban đầu lớn. Nếu nuôi quy mô 20 - 30 con lợn/lứa, có thể nuôi ngay trong vườn đất ở và có nhiều hộ tham gia. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ này khó liên kết đầu ra cho sản phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo thành lập các tổ hợp chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường bằng cách xây bể bioga. Những hộ tham gia hình thức chăn nuôi nuôi này, ngoài được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh, của huyện, còn được hưởng chính sách khuyến khích của Tỉnh hội. Đó là, được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân (từ 20-30 triệu đồng/hộ), được các cấp Hội tạo điều kiện để vay vốn ngân hàng, tham gia các lớp dạy nghề chăn nuôi, tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật và tham quan học tập kinh nghiệm. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh còn kết nối với Công ty chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh để thực hiện liên kết trong chăn nuôi với tổ hợp.

Ngày 3/3/2014, Tổ hợp chăn nuôi lợn xã Hương Minh, huyện Vũ Quang đã thả lứa lợn đầu tiên. Có 7 thành viên tham gia, bình quân mỗi hộ nuôi 20 - 30 con, riêng gia đình chị Trần Thị Lý nuôi 80 con. Sau thời gian nuôi 3 tháng 6 ngày, Công ty Mitraco đã đến thu mua sản phẩm theo hợp đồng (cao hơn giá thị trường 3 - 4 giá). Sau khi trừ hết các khoản chi phí, kể cả khấu hao chuồng trại, trả lãi vốn vay, các hộ nuôi 20 con/lứa thu được từ 9 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng/hộ. Riêng chị Trần Thị Lý nuôi 80 con, thu được trên 39 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hoa là một thành viên của tổ hợp còn cho biết thêm, ngoài việc nâng cao thu nhập, các hộ tham gia tổ hợp đều xây bể biogas, vừa đảm bảo tốt hơn quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi, hạn chế được ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra nguồn khí đốt sinh học, thay thế hoàn toàn việc đun nấu bằng củi (thói quen của nhân dân vùng rừng núi) hoặc mua gas. Hàng tháng có thể sẽ tiết kiệm được từ 250 - 350 ngàn đồng tiền điện và tiền gas, giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ cho phụ nữ và trẻ em.

Từ thành công lứa đầu, ngày 18/6/2014 các hộ đã thả lợn giống lứa thứ hai. Lứa này có thêm hai hộ dân trong xóm xin gia nhập tổ hợp, có 3 gia đình đã nâng quy mô nuôi tăng thêm 10 - 20 con. Hiện nay tại huyện Vũ Quang có thêm 4 xã Đức Lĩnh, Hương Quang, Sơn Thọ và Hương Thọ đã thành lập được tổ hợp chăn nuôi theo hình thức liên kết một số khâu này và đã gần xuất chuồng. Theo kế hoạch, ngày 22/9/2014 doanh nghiệp sẽ thả con giống tại Tổ hợp chăn nuôi xã Kỳ Thư huyện Kỳ Anh và xã Cẩm Lạc huyện Cẩm Xuyên, hai tổ hợp này do Hội Nông dân tỉnh sáng lập và hỗ trợ. 

Ông Lê Ngọc Cư - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên cho chúng tôi biết, trong thời gian qua phong trào chăn nuôi lợn, gà của bà con nông dân trên địa bàn xã phát triển mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều hộ chăn nuôi lợn quy mô 20 - 100 con/lứa, nuôi gà quy mô hơn 200 con/lứa. Có được kết quả này trước hết là do bà con nông dân đã được học nghề chăn nuôi và thú y, do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh đã vào mở vào tháng 8/2012. Sau khi hoàn thành khóa học, thấy mình có khả năng làm chủ kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho lợn và gà, nên các hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà quy mô khá lớn. Hiện nay xã có 24 hộ nuôi quy mô hơn 15 con lợn/lứa, mỗi năm xuất chuồng ba lứa; có 3 hộ nuôi quy mô hơn 60 con/lứa; 15 hộ nuôi gà quy mô hơn 200 con/lứa, 5 hộ nuôi quy mô hơn 500 con gà/lứa và 1 hộ nuôi quy mô hơn 1000 con gà/lứa. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 2, nuôi 50 con lợn/lứa, (mỗi năm xuất chuồng 3 lứa) và nuôi 1000 con gà/lứa, mỗi năm bán hai lứa gà thịt, mỗi năm gia đình chị thu từ chăn nuôi hơn 100 triệu đồng...

Sở dĩ những năm qua, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của Hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, trước hết là nhờ có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đúng đắn của tỉnh, như các Quyết định 23, 24, 26... của UBND, gần đây là các Nghị quyết 90, 91 của HĐND tỉnh. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã bám sát các văn bản của tỉnh và nghị quyết của Hội để xây dựng chương trình hành động. Thực hiện phương châm: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế để xây dựng củng cố tổ chức Hội các cấp ngày càng vững mạnh. Từ năm 2011 đến đầu tháng 8/2014, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo và hỗ trợ thành lập 50 tổ hợp chăn nuôi (lợn, bò, hươu, nhím, cá lồng bè), trồng cây ăn quả và trồng rau cho 668 hộ tại tất cả 12 huyện, thị, thành. Bình quân mỗi hộ tham gia tổ hợp được vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân từ 20 - 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, với tổng số tiền là 13,450 tỷ đồng. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT cho hơn 85.000 hộ vay, với tổng số tiền 2.351 tỷ đồng. Năm 2013 các cấp Hội phối hợp tổ chức được 194 lớp đào tạo nghề cho hơn 6.000 nông dân. Trong đó Trung tâm DN&HTND trực tiếp đào tạo 28 lớp cho 882 nông dân. Riêng 8 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã tổ chức 16 lớp dạy nghề cho 488 lao động nông thôn. Các lớp học đều được hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình, thực hiện "học đi đôi với hành", dạy cho nông dân theo phương châm "cầm tay chỉ việc". Vì thế sau khi học xong, người dân có thể làm chủ được khoa học kỹ thuật, vận dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Thường trực còn phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh hội chỉ đạo các đơn vị cấp huyện xây dựng kế hoạch và triển khai các chương trình hoạt động; thường xuyên tham dự sinh hoạt chi hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất chính đáng của hội viên, nông dân, từ đó tham mưu cho lãnh đạo...

Phong trào sản xuất, kinh doanh trong những năm qua của Hội Nông dân tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành tích đáng khích lệ; kinh tế trang trại, gia trại có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo, hộ khó khăn đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hoá của cộng đồng nông thôn. Phong trào đã tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.   

Trần Đình Gia - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh 


    Ý kiến bạn đọc