Suy nghĩ về phát huy năng lực tư duy lý luận cho cán bộ tuyên giáo cấp huyện
EmailPrintAa
16:59 06/10/2014

Tư duy lý luận là tư duy biện chứng, được thể hiện ở năng lực suy nghĩ, khả năng phân tích, tổng hợp và khái quát từ những hiện tượng sinh động, đa dạng của đời sống thực tiễn, từ kinh nghiệm muôn vẻ của hoạt động hàng ngày tích lũy và khái  quát thành lý luận.

Đối với người cán bộ tuyên giáo đòi hỏi phải nắm bắt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi vì, chủ nghĩa Mác - Lênin trang bị một phương pháp nhận thức biện chứng, một thế giới quan khoa học; tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Hệ thống lý luận này trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên cơ sở hệ thống lý luận ấy mà cán bộ làm công tác tuyên giáo tham mưu cho cấp ủy cụ thể hóa vào các chính sách của địa phương. Công việc đó không đơn thuần là chỉ vận dụng một cách rập khuôn, mà trong tuyên truyền, người cán bộ tuyên giáo còn phải kịp thời cập nhật những thông tin từ đời sống thực tiễn, xử lý các thông tin ấy một cách nhanh chóng, chính xác. Nhờ đó mà vận dụng cái chung một cách đúng đắn chính xác cho những lĩnh vực cụ thể ở từng địa phương. Đó chính là năng lực vận dụng sáng tạo cái chung vào cái riêng. Cũng trong quá trình lãnh đạo, yêu cầu về năng lực tư duy lý luận của người cán bộ tuyên giáo còn thể hiện ở nhiều khía cạnh như: năng lực tư duy về con người, hiểu biết về con người để thu hút tập hợp họ, động viên, lôi cuốn họ để họ tích cực hoạt động và tuyên truyền mọi người thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoạt động tuyên giáo vừa mang tính định hướng chung vừa mang tính thực tiễn cụ thể, cho nên trong quá trình hoạt động của mình, người cán bộ tuyên giáo còn phải có năng lực tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để có cơ sở hình thành các giải pháp cho việc giải quyết các vấn đề của quá trình thực tiễn tiếp theo.

 Để đạt được những mục đích, yêu cầu nội dung của công tác tuyên giáo một cách hiệu quả, để có được năng lực tư duy trong công tác tuyên truyền định hướng nhất định, người cán bộ tuyên giáo không chỉ có phẩm chất đạo đức cách mạng mà cả năng lực tư duy lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” (1). Người nói: "Vì kém lý luận nên gặp mọi việc không biết xem xét rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả ấy thường thất bại” (2)

Năng lực tư duy lý luận là vũ khí sắc bén nhất trong công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo. Năng lực ấy được thể hiện ở khả năng nắm bắt được bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... trong quan hệ với nhiệm vụ của mình; ở khả năng nắm bắt vấn đề thực tiễn trên địa bàn mình phụ trách và ở khả năng đề ra phương hướng tối ưu để giải quyết vấn đề đó. Như vậy, tổng hợp những biểu hiện ấy, có thể diễn đạt năng lực tư duy lý luận người cán bộ làm công tác tuyên giáo được thể hiện ở các năng lực sau:

Một là, năng lực thu nhận tri thức. Đó là khả năng tiếp thu tri thức lý luận để hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho hoạt động tuyên truyền, định hướng cũng như những kiến thức cần thiết phục vụ cho hoạt động tuyên giáo. Cụ thể hơn, đó là khả năng tiếp thu lý luận, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khả năng phát hiện những vấn đề mới, khả năng tổng kết thực tiễn và học tập kinh nghiệm thực tiễn.

Hai là, năng lực tìm ra mối quan hệ và khái quát hóa tri thức. Đó là khả năng nhận biết những điểm tương đồng, dị biệt để từ đó liên kết các loại tri thức ở các lĩnh vực, các ngành nghề chuyên môn khác nhau thành một tổng thể ở mức độ khái quát cao, bao quát nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực và phạm vi rộng lớn. Đồng thời, cũng phân định được tính đặc thù giữa các loại tri thức. Trên cơ sở đó, khi vận dụng vào thực tiễn vừa phải bảo đảm nhìn nhận vấn đề trong tính nhiều mặt như một chỉnh thể, vừa phải bảo đảm sự phù hợp với địa bàn.

Ba là, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn. Đây là khả năng biến những tri thức đã lĩnh hội được thành các chủ trương, chương trình, kế hoạch hành động làm biến đổi trực tiếp hiện thực. Điều này thể hiện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, liên hệ giữa lý luận với thực tiễn vận dụng cái chung một cách đúng đắn cho từng tình huống cụ thể. Đó là năng lực vận dụng, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng một cách thiết thực, sáng tạo phù hợp với từng địa phương.

Bốn là, năng lực phát triển tri thức, vận dụng quan điểm chủ trương của Đảng. Đó là khả năng phát triển những tri thức, vận dụng quan điểm, chủ trương cho phù hợp hơn nữa với sự phát triển của thực tiễn. Trong việc thực hiện Chỉ thị 03 – CT/TW, ngày 15/4/2011 của Bộ Chính trị về  tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì tùy thuộc từng lĩnh vực công tác mà vận dụng cho linh hoạt, thầy giáo, cô giáo thì thi đua dạy tốt, học sinh thi đua học tốt, học ở mọi lúc mọi nơi, nông dân tích cực tăng gia sản xuất ra nhiều nông sản, người cán bộ, đảng viên thì học tâp theo gương cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư... Từ đó, họ vừa vận dụng sáng tạo tri thức vào thực tiễn vừa đề xuất, tổng kết những vấn đề nãy sinh từ địa phương kiến nghị lên cấp ủy các cấp nhằm góp phần bổ sung, phát triển hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

Như vậy, năng lực tư duy lý luận của người cán bộ tuyên giáo có giá trị định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị. Chất liệu trực tiếp tạo nên năng lực đó là những tri thức lý luận tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và từ sự trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn của chính người cán bộ làm công tác tuyên giáo. Nội dung của năng lực ấy thể hiện trước hết ở năng lực phản ánh những vấn đề bản chất, tìm ra mâu thuẫn, phát hiện những cái mới; ở khả năng tư duy khoa học trong sử dụng các hình thức và phương pháp tư duy để hình thành tri thức mới làm cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh ở địa phương.

Đặng Hữu Trình

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG năm 1995, trang 233.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG năm 1995, trang 234.


    Ý kiến bạn đọc