Thực trạng và giải pháp cho hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay
EmailPrintAa
16:55 06/10/2014

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ: "Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mỗi công dân đều được học tập suốt đời". Mục tiêu xây dựng xã hội học tập là để không ngừng nâng cao dân trí, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Thực hiện các chủ trương của Trung ương về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23 và Quyết định 438; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có các Quyết định số 1328, 197, 945 phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập và Quy chế hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ).

Trên cơ sở đó, Trung tâm học tập cộng đồng đi vào hoạt động, trở thành môi trường và điều kiện để xây dựng xã hội học tập. Từ khi thành lập đến nay, 262 TTHTCĐ ở cơ sở đã phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị mở được 33.049 lớp học, với 1.166.795 lượt người tham gia học tập các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khuyến công, kiến thức về pháp luật, các vấn đề về xã hội, sức khỏe, đời sống... Người lao động đã biết vận dụng kiến thức được học vào lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống, tạo được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, hiệu quả của các TTHTCĐ còn hạn chế, nhiều Trung tâm hoạt động còn bị động, lúng túng trong nội dung, chương trình mở lớp, trong mối quan hệ phối hợp, cơ cấu tổ chức bộ máy và yếu tố đảm bảo để duy trì hoạt động. Theo số liệu khảo sát, phân loại năm 2013, có 53 Trung tâm hoạt động Tốt (đạt 20,2%), 77 trung tâm đạt chất lượng Khá (đạt 29,3%), 90 trung tâm có chất lượng trung bình (đạt 34,4%) và có 42 trung tâm xếp vào loại yếu (chiếm 16%)… . Điều đó cho thấy kết quả hoạt động của TTHTCĐ còn hạn chế trong khi người dân, người lao động rất "đói" về thông tin, về sự hiểu biết chính sách, pháp luật, kiến thức làm kinh tế, vốn sống và kỹ năng sống... Những hạn chế về nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ nêu trên đã có ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cho người dân, cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể chưa đúng và chưa đầy đủ về chủ trương xây dựng xã hội học tập và vai trò của các TT HTCĐ trong xây dựng xã hội học tập. Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các ngành chức năng không rõ ràng, trước hết là sự phối hợp gắn kết giữa Ngành Giáo dục và Hội Khuyến học từ cơ sở đến huyện và tỉnh, có khi triển khai mang tính thụ động, đối phó, không đem lại hiệu quả thực tiễn. Bộ máy quản lý và giáo viên ở các Trung tâm ít được tập huấn về nghiệp vụ và giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Một số chế độ, chính sách Nhà nước đã ban hành để xây dựng xã hội học tập và xây dựng TTHTCĐ không được chính quyền các cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện như Thông tư số 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 96 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung quy chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ.

Học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh là học tập để biết phải trái, học để hành, học để làm người, học để phục vụ nhân dân và nhân loại, học điều cơ bản và thiết thực, ai cũng học và giúp người khác học, ham học, học suốt đời, học ở mọi nơi, lấy sự học làm cốt.

Từ yêu cầu khách quan của cuộc sống, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; từ quan điểm, tư tưởng học tập suốt đời của Bác Hồ, Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rất rõ 4 mục tiêu đến năm 2020 về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; về tin học và ngoại ngữ; về trình độ chuyên môn, kỹ thuật đối với cán bộ công chức, viên chức từ cấp cơ sở trở lên; 70% lao động nông thôn được cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất tại TTHTCĐ, 90% công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương, 95% qua đào tạo nghề; về kỹ năng sống, học sinh, sinh viên và người lao động được học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống.

Tiêu chí chung nhất đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, đó là con em trong độ tuổi phải đi học, không bỏ học, kết quả học tập trung bình trở lên, có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, có các kỹ năng sống cần thiết. Đối với người lớn: 98% biết chữ, 70% tự giác tham gia học tập bằng các hình thức; tích cực tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, 70%gia đình đời sống ổn định,có bước phát triển, 90% số hộ đạt tiêu chí Gia đình văn hoá, 70% số hộ đạt tiêu chí Gia đình học tập.

Khái quát 4 mục tiêu Chính phủ đề ra và tiêu chí cơ bản xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập cho thấy nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập hết sức nặng nề, rất cần sự gắn kết và phối hợp giữa Ngành Giáo dục - Đào tạo với Hội Khuyến học và các đoàn thể Chính trị - Xã hội các cấp để xây dựng phong trào thi đua học tập và học tập suốt đời ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước, yếu tố có tính quyết định là phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức từ trong cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đến toàn dân về xây dựng xã hội học tập. Cần mở hội nghị cốt cán để quán triệt QĐ 89 và QĐ 281 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án 281 về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị”. Tiến hành khảo sát và tập huấn xây dựng thí điểm mô hình trong năm 2014 để tập trung xây dựng, tổng kết thí điểm mô hình và triển khai đại trà từ 2016 đến 2020. Hệ thống các tổ chức phải cung ứng các cơ hội học tập, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện học tập suốt đời.

Cần tổng kết, chắt lọc kinh nghiệm “xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học”,xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương trong những năm qua để thí điểm xây dựng mô hình “Gia đình học tập”,”Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”. Mỗi huyện, thị, thành nên chọn tối thiểu hai điểm để xây dựng thí điểm mô hình gắn mô hình, từ đó để tổng kết và nhân rộng các mô hình, tạo được sức lan toả mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn dân; trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị.

Phải tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm HTCĐ, tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng các Trung tâm; kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư vật chất, thiết bị và tăng cường giáo viên về công tác tại các TTHTCĐ theo Thông tư 40 và Thông tư 96 của Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính; Tiến hành khảo sát nhu cầu học của các loại đối tượng để xây dựng kế hoạch mở lớp, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giảng dạy, huấn luyện tại Trung tâm.

Tổ chức hội thảo về “thực trạng và giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ”, đi sâu các vấn đề: Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, chương trình, nội dung, phương thức học, điều kiện đảm bảo... nhằm tạo môi trường, điều kiện để mọi người được học tâp.

Từ kinh nghiệm đã làm trong nhiều năm và kết quả thí điểm mô hình để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu Gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập sát với thực tiễn tình hình Hà Tĩnh. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, công nhận danh hiệu cho các tổ chức và cá nhân.Theo định kỳ 3 năm một lần, các cấp cần tổ chức hội nghị tổng kết, biểu dương, khen thưởng các nhân tố và điển hình tiên tiến,tiếp tục xây dựng phong trào phát triển đồng đều và có chiều sâu.

Vấn đề đặt ra là phải xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng đều, gắn kết, liên thông giữa chính quy và thường xuyên, ở ngoài nhà trường, trên địa bàn dân cư, gắn với lao động sản xuất, công tác, đời sống xã hội. Phải xác lập được mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng xã hội học tập với ý thức tự học vươn lên, học thường xuyên, học suốt đời ở mọi tổ chức, cá nhân; học để biết, để làm, để chung sống, để tồn tại, góp phần xây dựng quê hương, đất nước; phải tạo môi trường thuận lợi nhất để mọi người có cơ hội học tập. Chỉ có vậy phong trào mới có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, mới tạo được yếu tố tự giác tham gia của mọi người dân và cộng đồng./.

Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh


    Ý kiến bạn đọc