Ngày xuân nghĩ về việc trồng rừng ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:11 12/02/2015

Vào dịp Tết đến, Xuân về, mỗi chúng ta lại nghĩ đến lời dạy sâu sắc của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thực hiện lời dạy đó của Người, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, phát huy tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường… Hôm nay, khi Xuân Ất Mùi 2015 đang đến, từng lộc non đang nhú mầm tươi xanh, tôi có một vài suy nghĩ về công tác trồng rừng ở Hà Tĩnh.
 

Trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường

 

Với ý thức rừng “là vàng” trong cuộc sống của nhân loại, quê ta khởi nguồn từ chương trình trồng rừng 327, đặc biệt chủ trương giao đất rừng lâu dài cho người dân trồng, bảo quản và sử dụng đã đạt được kết quả rất đáng trân trọng. Đến nay, ai ai cũng dễ dàng nhận thấy hiệu quả của công tác trồng và bảo vệ rừng, tăng độ tán che phủ ở tỉnh ta lên hơn 52%, góp phần đắc lực vào việc phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ nước, chống xói, phòng hỗ, tăng thu nhập cho người dân. Tuy vậy, trong thâm tâm vẫn có cái gì đó băn khoăn, trăn trở về rừng trồng cho hiện tại và tương lai.

Phải thừa nhận ta du nhập cây tràm - cây dễ trồng, phát triển nhanh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm (dăm gỗ), xuất khẩu làm nguyên liệu cho các quốc gia khác. Song cứ trồng độc canh cây tràm mãi cũng nên tính toán vì mấy lẽ: Một là, cây có tuổi thọ hạn chế, càng để lâu càng mất giá trị nên đến kỳ sinh trưởng phải thay thế. Điều đó có nghĩa là cây tràm không thể thành rừng đúng ý nghĩa của nó, có khi đến mức nào đó lại trở về với đồi núi trọc, nếu bây giờ ta không nghĩ cách làm giàu vốn rừng. Hai là, giá trị kinh tế không cao, theo tính toán của các hộ trồng rừng sau 7 - 8 năm thu hoạch, tính bình quân tối đa chỉ trên đưới 8 triệu đồng trên 1ha/ năm. Nên chăng chúng ta phải tính đến chuyện, bằng nhiều cách đa dạng hóa cây rừng vì hiệu quả và sự bền vững trong tương lai.

Có lẽ, với diện tích rừng và đất rừng như tỉnh ta, nên có chiến lược về phát triển rừng, trước mắt, nên chăng cần suy nghĩ mấy việc:

1. Xem xét kỹ từng loại chất đất và các vùng tiểu khí hậu để phát triển đa dạng hóa các loài cây trồng trên đất rừng. Nghiên cứu thêm những giống cây bản địa như dỗi, mỡ, bộp, vàng tim, ràng ràng, trám v.v… thích hợp sống cùng hoặc sống dưới tán cây tràm để vận động nhân dân trồng xen cây tràm với cây bản địa trên cùng một đồi rừng. Sau một chu kỳ sinh trưởng 7 - 8 năm thu hoạch tràm, thì các cây đó có thể dễ dàng biến thành những khu rừng gỗ quý cho tương lai. Trong thực tế có thể cả hàng chục ha tràm không có giá trị bằng một vài ha các loại gỗ đó. Điều quan trọng hơn là, dần dần nó tạo thành những khu rừng gỗ quý, có giá trị lâu bền hơn nhiều. 

Vừa rồi có dịp thăm lại các huyện miền núi Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và rừng bảo tồn Quốc gia Phù Mát ở Nghệ An, thấy rừng trồng ở đây ít ra bên cạnh những đồi tràm còn có những đồi xoan đâu và tre mét ở các khe suối. Hỏi thăm đồng bào dân tộc, qua thực tiễn họ thấy rằng, cây xoan đâu phát triển chậm hơn cây tràm 2 đến 3 năm, nhưng giá trị gỗ xoan đâu (lát xoan) gấp 3 lần tràm và rất dễ tiêu thụ.

Ai đã từng đến Singapore - mảnh đất nhỏ hẹp của ốc đảo này, đi qua giữa đô thị dày đặc, xen lẫn với các tòa nhà chọc trời, các khu phố sầm uất, chúng ta đều thấy các mảnh rừng tự nhiên to nhỏ khác nhau, có mảnh chỉ 100 - 200m2 rải đều khắp thành phố, mà ít có những dãy cây đơn lẻ. Bởi họ rất tỉ mẫn nghiên cứu tính chất của các loại cây, để trong một mảnh đất nhỏ, tạo thành những mảnh rừng đa dạng sinh học, với nhiều loại cây, nhiều tầng cao thấp cùng sống trong một quần thể, tạo nên những mảnh rừng tự nhiên, bền vững, tốn ít công sức chăm sóc. Qua đó, ai cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên rất hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

2. Những nơi có khả năng tái sinh rừng cao chỉ nên khoanh nuôi, bảo dưỡng, không nhất thiết phải trồng tràm. Thực tế ở nhiều vùng đất rừng nghèo kiệt, thậm chí có nơi đã trọc hóa, nhưng không bị đốt phá sau một thời gian 5 -7 năm đã phục hồi thành rừng tái sinh. Nếu có thêm bàn tay chăm sóc của con người như phát quang các cây bụi, dây leo, tạo điều kiện cho những cây gỗ tự nhiên có cơ hội nhanh chóng phát triển. Những cánh rừng ấy sẽ tồn tại mãi mãi, vì hàng năm chúng ta chỉ khai thác tỉa những cây đã đến tuổi sử dụng, các thế hệ cây khác cứ tự nhiên phát triển. Nếu chúng ta chịu khó dày công vận động nhân dân làm được như vây, rừng chúng ta sẽ được khôi phục phát triển bền vững lâu dài đúng với ý nghĩa và giá trị của nó. Và chắc chắn con cháu ta có rừng để kế thừa, bảo quản, nâng cấp, mà không phải tái sinh việc trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Bởi hàng ngàn, hàng vạn ha rừng mà ngày nay chúng ta có thành tích lớn trong trồng cây gây rừng, trong đó có một phần hàng chục năm trước đã là rừng.

3. Để tạo điều kiện cho nhân dân thay đổi tập quán chỉ trồng thuần cây tràm, sang trông xen cây có giá trị kinh tế cao hơn và giữ rừng tái sinh, nên chăng chúng ta phải có những chính sách đầu tư. Trước hết là tổ chức tổng kết nghiên cứu thực địa về 2 vấn đề: Một là, những loài cây có thể sống chung dưới tán tràm hay sống xen với tràm, bao gồm cả cây bản địa và cây du nhập. Hai là, những vùng đất khả năng tái sinh rừng lớn, định hướng, thiết kế những vùng đó chỉ khoanh nuôi, bảo vệ. Từ đó, đầu tư xây dựng các mô hình, các cơ sở gieo ươm giống, cùng với chính sách cho vay vốn dài hạn đầu tư rừng, trên cơ sở đó, hướng dẫn nhân dân phát triển và mở rộng. Vì thực tế hiện nay, nhân dân muốn trồng cây khác cũng chưa có giống và chưa có chính sách đầu tư xây dựng rừng có hiệu quả cao.

4. Sử dụng có hiệu quả đất rừng ở những nơi đã chuyển sang đất sản xuất. Dựa vào nhu cầu của thị trường, điều kiện đất đai, khí hậu ở mỗi nơi, có quy hoạch để tạo thành những vùng cây công nghiệp, cây dược liệu ngắn và dài ngày, cây ăn quả… đây  là một lợi thế rất lớn đối với tỉnh nhà. Thực tế lâu nay, nông dân nhiều vùng như Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… đã làm, nhưng việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của những vùng đó chưa được quan tâm đúng mức. Bởi không có đầu tư, không đưa tiến bộ kỹ thuật vào khó trở thành những vùng kinh tế hàng hóa lớn và có thương hiệu. Trong thực tế, chúng ta đã có kinh nghiệm, hàng chục năm trước đây, nhờ đầu tư xây dựng vùng chè, bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam bù Hương Sơn… nên bây giờ mới có hiệu quả và thương hiệu trên thị trường.

Đồng thời với việc bảo vệ khai thác hợp lý rừng tự nhiên, với lòng mong muốn đa dạng hóa sinh học rừng trồng và rừng tái sinh, sử dụng có hiệu quả đất rừng đã chuyển qua sản xuất, làm cho nguồn vốn tài nguyên rừng, đất rừng trên 350 ngàn ha của quê ta ngày càng phong phú. Tài nguyên đó thực sự là nguồn lực tại chỗ to lớn và lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, để rừng thật sự “là vàng” đúng với giá trị đích thực và ý nghĩa của nó./.

Nguyễn Ký


    Ý kiến bạn đọc