Truyền thống vẻ vang, Bài học quý giá
EmailPrintAa
08:03 13/02/2015

Dưới ánh sáng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với vai trò, uy tín của Nguyễn Ái Quốc, phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh mà nòng cốt là thanh niên trí thức đã chuyển hướng thúc đẩy việc ra đời các tổ chức cộng sản trên địa bàn. Bởi vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thì vào cuối tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của Hà Tĩnh được thành lập ở bến đò Thương Trụ, huyện Can Lộc. Từ đây, trong cuộc đấu tranh chống thực dân và phong kiến để giành độc lập và tự do cho Tổ quốc, nhân dân Hà Tĩnh cùng với cả nước đã có một Đảng tiền phong lãnh đạo - Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, vươn tới những đỉnh cao mới trong sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước khỏi ách ngoại xâm và từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn giành được những thành tựu to lớn ở mọi giai đoạn của cách mạng và trên các lĩnh vực, đã đúc rút được những bài học quý giá cho sự phát triển của tỉnh trước mắt và lâu dài.
 

1. Truyền thống yêu nước và cách mạng, chủ động, sáng tạo trong sự nghiệp giành độc lập và xây dựng quê hương, đất nước.

Ra đời chưa đầy 2 tháng, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đứng lên nên Xô viết Nghệ - Tĩnh. Trong cao trào này đã có hàng trăm làng xã giành được chính quyền về tay nhân dân, chính quyền công nông đầu tiên ở một nước thuộc địa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Xô Viết Nghệ - Tĩnh không tồn tại được lâu và bị đàn áp dã man, tưởng như không bao giờ có thể trỗi dậy lại được, thế nhưng phong trào cứ âm ỉ, nhen nhóm và chờ thời cơ là tiếp tục bùng lên. Đến Cách mạng Tháng Tám, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất và quyết tâm giữ vững vùng tự do, không cho thực dân Pháp đứng chân trên quê hương mình được 24 tiếng đồng hồ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là tỉnh đã lập nên chiến công đầu vang dội với chiến thắng 26 tháng 3 năm 1965 lịch sử. Quân dân Hà Tĩnh đã dốc toàn lực chi viện cho chiến trường miền Nam và giữ vững mạch máu giao thông, vừa chiến đấu, vừa sản xuất chống chiến tranh phá hoại và xây dựng quê hương. Kết thúc chiến tranh, tỉnh Hà Tĩnh cùng với tất cả các huyện, thị xã Hà Tĩnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong sự nghiệp đổi mới, Hà Tĩnh đã tập trung vào mặt trận xóa đói, giảm nghèo, với quyết tâm “làm sao cho Hà Tĩnh nổi bật lên”. Với những chủ trương thiết thực được nhân dân đồng tình như xây dựng cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”; Xóa nhà tranh tre dột nát, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi sử dụng ruộng đất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, tập trung thâm canh… đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể. Đặc biệt, tỉnh đã có những biện pháp trong kêu gọi đầu tư, cho ra đời được các khu công nghiệp lớn, góp phần đáng kể chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống của nhân dân. Thực sự Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đang bước vào cuộc cách mạng mới, không chịu khuất phục trước đói nghèo, quyết tâm vươn lên xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh.

2. Tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để giành thắng lợi.

Có thể nói, từ khi có Đảng đến nay, mọi thành công đạt được trên quê hương Hà Tĩnh là kết tinh của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mà nòng cốt là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đảng bộ đã nhận thức được vai trò to lớn của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng nên luôn luôn chăm lo đến việc tổ chức, giáo dục và giác ngộ quần chúng. Thời kỳ bí mật, Đảng bộ đã có chủ trương lập ra các tổ chức đoàn thể quần chúng theo giới, theo nghề nghiệp, lứa tuổi… nên đã huy động được sức mạnh của toàn dân, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù thực dân, phong kiến. Những lúc khó khăn bị địch truy lùng, đàn áp thì chính quần chúng nhân dân đã đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ Đảng, che chở cán bộ. Đảng bộ tồn tại và phát triển trong lòng nhân dân. Phong trào cách mạng có lúc cao trào, có lúc thoái trào và dù cho kẻ thù chia rẽ, đàn áp, quần chúng vẫn một lòng đi theo Đảng. Ở thời đầu lịch sử, khi có chủ trương tổng khởi nghĩa thì đồng loạt quần chúng khắp nơi trong tỉnh đã vùng lên giành trọn chính quyền trong 5 ngày, trong đó huyện Can Lộc dù chưa có đảng viên trực tiếp lãnh đạo, quần chúng chủ động xông vào huyện đường bắt Huyện trưởng phải đầu hàng. Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống cách mạng tham gia vào các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi giới với khẩu hiệu: “tất cả cho tiền tuyến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, toàn dân đã đồng lòng dốc sức cho tiền tuyến đánh thắng kẻ thù. Các phong trào thi đua thiết thực “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “ba nhất”, “hai giỏi”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” ... thực sự đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân ra sức xây dựng và giữ vững hậu phương, chi viện cao nhất cho tiền tuyến. Trong sự nghiệp đổi mới, dù tỉnh còn nghèo, nhưng Hà Tĩnh đã phát động được nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, làm điện, làm trường học, trạm xá, xóa nhà tranh tre dột nát... Để ra đời vùng kinh tế mới hoặc xây dựng các công trình thủy lợi lớn, nhân dân đã sẵn sàng di dời đến địa điểm mới với quy mô lớn cả một vùng gồm nhiều xã với hàng ngàn hộ. Những khi lũ lụt xẩy ra, thiên tai ụp đến, nhân dân Hà Tĩnh lại sát cánh cùng nhau đùm bọc, chia sẻ, cưu mang để vượt qua khó khăn. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Đảng bộ Hà Tĩnh luôn tâm niệm dù hoàn cảnh nào cũng phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy nguồn lực trong dân, “lấy sức dân lo liệu cho dân”. Thực tế đã chứng minh từ phong trào Xô viết, đến cách mạng Tháng Tám 1945, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ngày nay trong sự nghiệp đổi mới nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, giai đoạn nào cũng có những phong trào nổi bật và thu được thắng lợi vẻ vang.

3. Chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đảng bộ Hà Tĩnh ngay từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng một cách nghiêm túc và sáng tạo. Phong trào có lúc mạnh, lúc yếu, lúc cao trào, lúc thoái trào, nhưng bất luận hoàn cảnh nào thì việc chấp hành chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng cũng đặt lên hàng đầu. Sự vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng để đề ra nhiệm vụ, chủ trương sát đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của địa phương, tạo nên phong trào cách mạng sâu rộng và có hiệu quả là nét nổi bật trong tư duy lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ rất coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhất là những lúc gặp khó khăn hoặc trước những sự kiện quan trọng. Trong Đảng bộ tuy vẫn có những cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, sa sút bản chất đạo đức, thoái hóa biến chất, nhưng không có phần tử chống Đảng, không có tổ chức, bè phái chia rẽ. Sau khi Đảng bộ được thành lập, tổ chức Đảng phát triển nhanh, chặt chẽ, bộ máy của Đảng thống nhất từ tỉnh xuống huyện và đến cơ sở. Trong quá trình xây dựng tổ chức Đảng, việc tăng cường đội ngũ đảng viên, kết nạp vào Đảng những người con ưu tú được Đảng bộ hết sức quan tâm. Đảng bộ tập trung xây dựng tổ chức Đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và vùng đồng bào có đạo, phấn đấu để tất cả các thôn xóm đều có đảng viên và có tổ chức Đảng. Bất cứ ở đâu và lúc nào, tổ chức Đảng cũng là hạt nhân chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của mình. Khi Đảng chưa giành được chính quyền, Đảng quan tâm xây dựng các tổ chức quần chúng như Mặt trận Việt minh, Công hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ, tự vệ đỏ… Khi giành được chính quyền, Đảng bộ chăm lo xây dựng chính quyền các cấp cùng với các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị, nhằm tập trung mọi lực lượng chung quanh Đảng để thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy đảng cũng hết sức coi trọng việc củng cố các cơ quan tham mưu. Văn phòng và các Ban của Đảng luôn phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy trên các lĩnh vực xây dựng Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Hà Tĩnh luôn quan tâm đến việc đấu tranh chống tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, cũng như đề phòng, hạn chế tư tưởng chủ quan, phô trương, nóng vội, duy ý chí. Khi có chính quyền rồi thì thường diễn ra bệnh quan liêu, tư tưởng áp đặt một chiều, cơ hội, cục bộ, mất đoàn kết .v.v.. Những khuyết điểm đó trong thực tế đã xẩy ra, nhưng được Đảng bộ kịp thời kiểm điểm, bổ cứu, rút kinh nghiệm nên đã hạn chế được sai lầm và tổn thất.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ đảm đương tốt nhiệm vụ trong mọi giai đoạn cách mạng.

Trước khi Đảng bộ ra đời, lớp thanh niên trí thức của Hà Tĩnh đã sớm giác ngộ cách mạng. Nhiều đồng chí đã được Nguyễn Ái Quốc bồi dưỡng và cử đi học sau này trở thành những cốt cán của Đảng. Ở Hà Tĩnh, số cán bộ trưởng thành từ phong trào, gắn bó với phong trào cách mạng lớp này nối tiếp lớp khác, đã góp phần quan trọng cho thắng lợi. Số cán bộ đảng viên năm 1930 - 1931 đông nhất cả nước. Trong lao tù, đại bộ phận các đồng chí đều giữ vững khí tiết, tuyệt đối trung thành với Đảng, ra tù bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới, trở thành nòng cốt của Đảng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Đảng bộ nhận thức vấn đề cán bộ là rất quan trọng, nên đã quan tâm đến việc phát hiện, đào tạo bồi dưỡng, đã liên tục mở các lớp đào tạo và sớm thành lập trường Đảng của tỉnh. Hà Tĩnh là nơi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ không chỉ cho tỉnh, mà còn góp phần đào tạo cho Trung ương và các địa phương trong cả nước. Cán bộ Hà Tĩnh có mặt ở đâu, ở lĩnh vực nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có thể nói có một đội ngũ cán bộ trung kiên bám trụ với quê hương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chiến đấu và xây dựng quê hương, thì đồng thời cũng có rất nhiều con em Hà Tĩnh sống và công tác ở khắp mọi miền luôn tâm huyết với Hà Tĩnh, đã và đang góp phần vào việc xây dựng quê hương Hà Tĩnh.

Trong quá trình phát triển của cách mạng, có lúc Hà Tĩnh lâm vào tình trạng thiếu cán bộ trầm trọng, như sau những đợt đàn áp dã man của địch, sau sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hay trong chiến tranh, khi mới tách tỉnh ra…, nhưng hiện tượng đó chỉ là nhất thời.Đảng bộ Hà Tĩnh luôn tự mình tổ chức và vươn lên đào tạo đã tạo đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất để đảm đương được trọng trách ở tỉnh cũng như ở các địa phương, các cơ sở. Nói chung các thế hệ cán bộ chủ chốt của tỉnh kế tục, tiếp nối nhau luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng bộ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn, qua trường lớp; xem xét, đánh giá cán bộ qua việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, qua bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn; luôn tạo điều kiện để cán bộ trưởng thành. Phát huy những truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm quý báu đã có, đội ngũ cán bộ Hà Tĩnh ngày nay đang tiếp nối cha anh, chung sức, chung lòng và đầy trách nhiệm, góp phần đưa Hà Tĩnh thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên giàu mạnh; thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

Phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương và truyền thống vẻ vang 85 năm của Đảng bộ, mặc dầu trước mắt khó khăn và thách thức còn nhiều, nhưng với bề dày lịch sử, cũng như những nhiệm vụ và bài học đã rút ra; Đảng bộ đang tiếp tục vươn lên, khơi dậy mọi tiềm năng và nắm bắt thời cơ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong điều kiện mới./.

T.S Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh


    Ý kiến bạn đọc