Xây dựng văn hóa trong Đảng - Bài học lớn Bác để lại cho chúng ta
EmailPrintAa
16:23 12/02/2015

Vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng vốn không phải là vấn đề mới. Từ rất lâu, Bác Hồ - người sáng lập và tổ chức Đảng ta đã rất quan tâm đến vấn đề này. Ngay từ 1927, khi Đảng chưa ra đời, Bác đã chăm lo giáo dục tri thức cách mạng và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cách mạng trẻ tuổi lúc bấy giờ. Chính họ là những hạt giống đỏ đầu tiên góp phần quan trọng hình thành ra Đảng ta.
 

Kể từ khi Đảng ra đời, trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng ở nước ta, đặc biệt từ sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục và rèn luyện Đảng ta để mỗi cán bộ, đảng viên vừa có tri thức cách mạng, vừa có đạo đức cách mạng. Người nhận thức rất rõ một nguy cơ thường dễ xảy ra đối với một Đảng cầm quyền là nguy cơ tha hóa.. Một số cán bộ đảng viên khi có quyền lực trong tay thì dễ rơi vào bệnh quan liêu, tham ô, hủ hóa... Chính vì vậy, sinh thời, ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong các bức thư tâm huyết gửi các cán bộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ phải giữ vững tư cách người cách mạng. Người lên án thói quan liêu hách dịch của một số cán bộ các địa phương, gọi họ là quan cách mạng, thích đè đầu cưỡi cổ nhân dân, gọi đó là nguy cơ lớn đối với Đảng. Nguy cơ đó, theo Bác, bắt đầu từ chủ nghĩa cá nhân “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc đó ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?(1).

Nhằm nâng cao nhận thức, phẩm chất và lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, từ 1947, tại chiến khu Việt Bắc, giữa muôn vàn khó khăn và thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến, Bác Hồ đã viết hai tác phẩm nổi tiếng: “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới”. Có thể coi đó là những cuốn sách cẩm nang của cán bộ, đảng viên ta lúc bấy giờ. Việc học tập và làm theo những lời dạy đó của Bác quả đã mang lại một sức sống mới trong đời sống tinh thần của xã hội.

Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác chỉ ra những sai lầm khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên. Đó là các bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa, với tất cả các biểu hiện muôn hình muôn vẻ. Suy cho cùng, theo Bác, các chứng bệnh đó có cùng chung một nguồn gốc: chủ nghĩa cá nhân. Điều ta cần lưu ý là cho đến nay, dù hơn 60 năm đã trôi qua, các chứng bệnh đó vẫn còn. Khác chăng là, nếu trước đây những biểu hiện đó chỉ xuất hiện trong một số rất ít cán bộ, đảng viên, thì hiện nay, lại xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người có chức có quyền. Chỉ riêng điều đó thôi, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xứng đáng trở thành cuốn sách giáo khoa nhằm cảnh tỉnh chúng ta, đặc biệt đối với những ai trong tư tưởng và trong hành động đang xa dần những chuẩn mực của tư cách và đạo đức người cách mạng. Điều đó rõ ràng có liên quan với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân trong những thập kỷ gần đây, và sự buông lỏng công tác tư tưởng, công tác xây dựng văn hóa trong Đảng.

Trước lúc đi xa, đặc biệt trong 2 năm 1968, 1969, có lẽ Bác Hồ đã tiên cảm sự suy yếu về tư tưởng đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản  loại sách “Người tốt việc tốt” (6/1968), Bác nói: “Một số cán bộ ta hình như mãi làm công tác hành chính sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân...(2). Từ đó mới nảy sinh hiện tượng “có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nẩy nở. Đã có xe rồi, lại “phấn đấu” để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần người khác. Đã có nhà ở rồi, lại “phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn. Làm như thế là trái với đạo đức cách mạng(3). Tại cuộc làm việc đó, Bác đặt ra một câu hỏi, mà mỗi chúng ta hiện nay phải cùng nhau suy nghĩ: “Các chú có biết rằng dân tộc ta, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không? Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người. Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy. Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân(4). Lời dạy của Bác quả là một chân lý. Hơn thế nữa, đó còn là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với tất cả chúng ta, trước hết là đối với các cán bộ, đảng viên của Đảng.

Để khắc phục những sai lầm và khuyết điểm mà các cán bộ, đảng viên thường mắc phải, điều quan trọng theo Bác trước hết phải xác định cho được quan điểm và thái độ đúng đắn đối với nhân dân. Đây là ngọn lửa thử vàng đối với người cách mạng. Phải bắt đầu từ quan điểm nhân dân và thái độ đối với nhân dân, vì đó là lẽ sống, là mục tiêu hoạt động của Đảng. Sự tha hóa của một đảng cách mạng cũng như của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng thường bắt đầu từ đây. Khi Đảng đang hoạt động bí mật, mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng diễn ra hàng ngày, đó là mối quan hệ sống còn đối với Đảng. Nhưng khi đã là một Đảng cầm quyền, một số đảng viên có quyền lực trong tay, đã có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, thì cũng dễ nẩy sinh những tình cảm xa lạ với nhân dân. Trong hoàn cảnh đó, mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân dễ bị suy giảm. Nếu trước đây, trong đấu tranh cách mạng để giành độc lập tự do, chúng ta dễ nhận chân ra chân lý mà Bác Hồ đã tổng kết: “Đảng ta anh hùng vì dân tộc ta anh hùng”, thì ngày nay, trong hòa bình xây dựng và phát triển đất nước, việc nhận ra chân lý đó đối với một số người cũng không phải là việc đơn giản. Do tiên liệu được điều đó, từ 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đòi hỏi các cán bộ phải xác định cho thật đúng quan điểm và thái độ đối với nhân dân. Khi Đảng đã là Đảng cầm quyền, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải ghi vào đầu óc cái chân lý: nhân dân rất tốt, rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Người chỉ ra rằng: “dân chúng biết cách giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những bậc tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra(5). Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải học dân chúng, hỏi dân chúng, hiểu dân chúng. Bác căn dặn chúng ta phải dựa vào dân để hoàn thiện các nghị quyết, hoàn thiện cán bộ và tổ chức.

Một quan niệm như vậy về nhân dân rõ ràng không có chỗ đứng cho những tư tưởng vào Đảng để làm quan cách mạng, vào Đảng để vơ vét tài sản của nhân dân, để hách dịch với dân. Một quan niệm như vậy cũng không dung thứ cho thái độ vô trách nhiệm, vô cảm trước những đòi hỏi bức xúc của quần chúng. Hãy cùng nhau suy ngẫm câu nói của Bác: “dân chúng đồng lòng thì việc gì làm cũng xong, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên(6). Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của quần chúng. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại - cái nôi của văn minh nhân loại, có câu chuyện thần Asin. Asin có sức mạnh vô địch khi gót chân của thần bám vào đất mẹ. Địch thủ của Asin biết điều đó, đã tìm cách tách gót chân của Asin khỏi đất mẹ, và Asin lập tức bị quật ngã. Câu chuyện về sức mạnh của thần Asin cũng giống như sức mạnh vô địch của Đảng ta. Khi hàng triệu “gót chân” của những người cộng sản cắm sâu vào thực tiễn đời sống quần chúng, có nghĩa là hàng triệu trái tim của chúng ta cùng đập với nhịp đập trái tim của quần chúng, biết lắng nghe và đồng cảm với tâm hồn quần chúng, với niềm vui, nỗi buồn của quần chúng, với những bức xúc thường nhật của quần chúng, biết học tập và phát huy trí tuệ của quần chúng... thì Đảng ta sẽ là vô địch. Khi đó, và chỉ khi đó, mọi âm mưu, thù đoạn của kẻ thù nhằm chia rẽ nhân dân với Đảng, nhằm làm suy yếu Đảng, sẽ hoàn toàn thất bại. Cái gọi là “diễn biến hòa bình”, hay “tự diễn biến” chỉ có thể xảy ra khi sức mạnh nội lực - tức văn hóa của Đảng bị suy yếu.

Bác căn dặn chúng ta: “Mỗi người chúng ta đều phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Muốn giữ gìn sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của chúng ta là chủ nghĩa cá nhân(7). Thắng kẻ thù bên trong mỗi chúng ta có nghĩa là làm nẩy nở và phát huy cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ và đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái vô đạo đức trong mỗi con người. Hãy cùng nhau nhắc lại câu nói của C.Mác: “Tôi báng bổ những vị gọi là có đầu óc thực tiễn, chỉ chăm lo tỉa tót cho đời sống cá nhân mình, gia đình mình, và nỡ quay lưng với nỗi đau của đồng loại. Nếu muốn là con thú thì các vị cứ làm như vậy. Còn đã là con người thì không ai cho phép làm như vậy”. Lời tuyên bố của C.Mác gần 200 năm trước rõ ràng tương ứng với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo cuối cùng Người gửi lại cho Đảng và cho Đời trước khi đi xa: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, bởi vì theo Bác, “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy tư, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô,... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội(8).

Lời dạy của C.Mác, của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chăng đang hướng chúng ta tới một nhận thức quan trọng: trong tình hình hiện nay, để xây dựng văn hóa trong Đảng, phải tập trung chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân,... như Nghị quyết Trung ương 9 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định. 

GS. TS Trần Văn Bính

_________________

(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.1, tr.37-371.

(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập, H.1995, T.12, tr.552.

(3) Hồ Chí Minh. Toàn tập, H.1995, T.12, tr.552.

(4) Hồ Chí Minh. Toàn tập, H.1995, T.12, tr.553.

(5) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.5, tr.295.

(6) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.5, tr.293.

(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.5, tr.373.

(8) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T. 10, tr.306.


    Ý kiến bạn đọc