Cải cách hành chính ở Hà Tĩnh gắn với lợi ích của người dân và doanh nghiệp
EmailPrintAa
16:51 08/04/2015

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã trải qua giai đoạn 1 (2001 – 2010) và 5 năm đầu của giai đoạn 2011 – 2020, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự tham gia của các ngành, các cấp và các địa phương, công tác cải cách hành chính toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
 

Những năm qua, công tác cải cách hành chính được tuyên truyền rộng rãi, tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức cũng như hành động của cán bộ, đảng viên, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân. Có thể nói công tác cải cách hành chính đã làm thay đổi diện mạo của nền hành chính tỉnh nhà, hướng tới phục vụ nhân dân, gắn với lợi ích của nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể. Công tác CCHC được thực hiện trên mọi lĩnh vực về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Cải cách thể chể với hàng loạt chủ trương chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, xây dựng lên các khu công nghiệp lớn, điển hình là khu công nghiệp Formosa. Qua đó, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống nhân dân, tăng nguồn thu nhập từ các dịch vụ đi kèm, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà.

Cải cách hành chính ở Hà Tĩnh gắn với nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, tinh thần đổi mới, thái độ phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên, từ việc nâng cao năng lực, đào tạo bồi dưỡng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chống tham ô, lãng phí, xây dựng đội ngũ cán bộ chính quy, tinh thông chuyên môn gắn với tinh giản biên chế. Sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân ngày càng được tăng cường, cải cách công vụ bước đầu đã đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác cải cách thủ tục hành chính là một nội dung then chốt, trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của chính quyền và các sở, ngành, địa phương, nhất là cấp xã; góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Đăc biệt thời gian gần đây, với sự năng động và quyết liệt, UBND tỉnh đã quyết tâm chỉ đạo giảm 1/3 thành phần hồ sơ và ½ thời gian giải quyết các TTHC nhằm đem lại cho người dân sự thuận lợi tối đa khi thực hiện các TTHC.

Hà Tĩnh có 100% đơn vị hành chính tổ chức cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông” đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời từng bước tăng cường năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, vững mạnh, chuyên nghiệp, có hiệu lực và hiệu quả. Mặt khác điều chỉnh mối quan hệ giữa nhân dân và công chức, tạo cơ chế giám sát, quản lý của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, giữa lãnh đạo với cán bộ công chức thuộc quyền, tránh được sự nhũng nhiễu, lạm quyền của cán bộ công chức.

Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức Hội đạt những kết quả đáng khích lệ, hoàn thành 61/64 nhiệm vụ của Đề án (đạt 95% theo kế hoạch). Kết quả cụ thể như sau: Thành lập 01 đơn vị; công nhận 07 Hội đặc thù cấp huyện; chuyển giao quản lý 07 đơn vị sự nghiệp từ sở, ngành về UBND cấp huyện quản lý; giải thể, sáp nhập, hợp nhất đã giảm được 06 phòng chuyên môn quản lý nhà nước; 144 đơn vị sự nghiệp; 40 Ban Quản lý dự án; chuyển sang tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải 100% kinh phí hoạt động thường xuyên: 04 đơn vị. Về biên chế: Giảm 323 biên chế, trong đó: Cắt 140 biên chế, 02 hợp đồng 68 và chuyển biên chế do ngân sách nhà nước cấp sang tự chủ đảm bảo 169 biên chế và 12 hợp đồng 68. Đã giải quyết 66 công chức, viên chức dôi dư sau khi giải thể, hợp nhất, sáp nhập các đơn vị theo Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 19/3/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về quy định tạm thời về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi thực hiện Đề án 26. Bên cạnh đó, việc sáp nhập thôn xóm (giảm 681 thôn xóm) đã tiết kiệm một khoản ngân sách lớn (gần 30 tỉ đồng/năm).

Cải cách tài chính công cũng đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động trong quản lý ngân sách nhà nước, nhất là chủ động về biên chế, tiết kiệm quỹ tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức. Nền hành chính từng bước hiện đại hoá, các cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được cải thiện.

Có thể nói rằng trong thời gian qua công tác cải cách hành chính đã đem lại nhiều tác động to lớn, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phòng chống tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị của tỉnh nhà, nâng cao đời sống cho công chức, viên chức. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện, nhất là các điểm sáng Nông thôn mới, các Khu công nghiệp lớn của tỉnh.

Tuy nhiên chúng ta cũng thừa nhận rằng: yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính rất lớn nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ, vì vậy các nội dung cải cách hành chính đang phải tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, công tác Cải cách hành chính Hà Tĩnh cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Đẩy mạnh công tác CCHC trên tất cả các nội dung; tăng cường kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính để loại bỏ bớt các TTHC không còn phù hợp, giảm thời gian và chi phí, nâng cao chất lượng 1 cửa, 1 cửa liên thông theo hướng hiện đại đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; thường xuyên rà soát nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy đảm bảo hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện tốt quản lý phân cấp; tiếp tục đề án sáp nhập xã, phường, thị trấn có quy mô nhỏ dưới 3.000 dân. Đặc biệt tập trung  đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật tác nghiệp cao, có năng lực tốt thích ứng đa ngành đa lĩnh vực quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác và tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng cải cách tài chính công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý hệ thống chất lượng tiêu chuẩn ISO vào công tác quản lý hành chính nhà nước, tiến tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, quản lý nhà nước hiệu quả theo hướng Chính phủ điện tử; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ và chính quyền các cấp về công tác cải cách hành chính. Chuẩn bị và tổ chức kiện toàn Đại hội Đảng các cấp; Thực hiện tốt chính sách thu hút, nâng cao đời sống cán bộ công chức; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả nhân điển hình tiên tiến, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội Đại hội tỉnh Đảng bộ XVII đề ra.

Cù Huy Cẩm - Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ


    Ý kiến bạn đọc