Giọt xuân hồng
EmailPrintAa
16:47 08/04/2015

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động cao cả, là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và là truyền thống tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Hà Tĩnh là một cuộc vận động được nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân tích cực tham gia hoạt động nhiều ý nghĩa nhân đạo này, đặc biệt là giới trẻ.
 

Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện được các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức các cơ quan trong tỉnh hưởng ứng tích cực, nhất là lực lượng ĐVTN, học sinh, sinh viên. Hằng năm, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều đợt HMTN. Ông Lê Tập Quyền Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Tỉnh cho biết: Trong công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2014, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã vận động được 25 đợt hiến máu với 5.000 tình nguyện viên đăng ký hiến máu, 1.500 người đăng ký dự bị; tiếp nhận 4.655 đơn vị máu. Kỳ Anh, Can Lộc, TP. Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh là những địa phương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2014.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn cho biết: Xác định công tác tuyên truyền cho phong trào hiến máu tình nguyện có vai trò quan trọng trong vận động Đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia hiến máu. Vì vậy, hàng tháng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên tuyên truyền, đăng tải các tin bài về kết quả, ý nghĩa của các hoạt động hiến máu tình nguyện từ cấp tỉnh xuống cơ sở, quyền lợi của người tham gia hiến máu, quy trình cho và nhận máu… Tuyên truyền các gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện trên hệ thống báo chí, truyền hình, website Đoàn, Hội thanh niên, hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Mỗi tháng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo trung bình có 02 đơn vị huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đăng ký và tham gia hiến máu đạt kết quả cao, đặc biệt là vào các dịp cao điểm như Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (07/4), Ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu (14/6), Kỷ niệm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam gắn với chào mừng Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh… Ngoài ra, có một số đơn vị gắn hoạt động hiến máu với công tác tuyên dương, khen thưởng cho những cá nhân có thành tích tiêu biểu, tham gia hiến máu nhiều lần như Thị đoàn Hồng Lĩnh, Huyện đoàn Kỳ Anh… Xuất hiện nhiều đoàn viên thanh niên tình nguyện hiến máu nhiều lần như: đồng chí Nguyễn Thị Mai Sao – Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đã hơn 20 lần hiến máu và nguyện hiến máu suốt đời cho một em bé nghèo, đồng chí Phạm Văn Đức – Bí thư Đoàn xã Thạch Hà tham gia hiến máu 16 lần, đồng chí Phan Văn Đường – Cán bộ Thị đoàn Hồng Lĩnh hiến máu 14 lần…

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo xã Kỳ Tiến huyện Kỳ Anh, dường như bao khó khăn, thiếu thốn nơi đây không thể làm giảm đi ý chí vươn lên và khát vọng cống hiến cho quê hương của chàng trai sinh năm 1983 này. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh ở lại quê hương và tham gia tích cực các phong trào, hoạt động của địa phương. Với vai trò gương mẫu của 1 bí thư đoàn xã, không chỉ tích cực tham gia hiến máu, Nam còn làm tốt vai trò của mình trong việc vận động tuyên truyền các đoàn viên trong xã, giúp họ nhận thức được rằng hiến máu là nghĩa cử cao đẹp. Tính đến nay, Nam đã tham gia 9 lần hiến máu tình nguyện, trong đó đáng kể nhất là phải kể tới 2 lần cho máu trực tiếp đối với các nạn nhân trong tình trạng nguy kịch. Nam chia sẻ: Còn rất nhiều bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nguy kịch vì không có máu để cấp cứu kịp thời, chỉ cần hiến một phần máu là mình đã có thể cứu được tính mạng của họ. Nếu có cơ hội mình sẽ tiếp tục hiến máu cứu người.

Ngày nay, hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm, bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Theo kế hoạch năm 2015, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đặt mục tiêu toàn tỉnh sẽ tiếp nhận 5.500 đơn vị máu tình nguyện. Ông Lê Tập Quyền Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Tỉnh cho biết: Để đạt được kế hoạch chỉ tiêu đề ra, các địa phương, đơn vị cần điều chỉnh thời gian triển khai phong trào hiến máu tình nguyện để cung cấp máu đều đặn, tránh tình trạng lúc thừa lúc thiếu; các đơn vị, tổ chức cần có sự phối hợp kịp thời để đảm bảo việc lấy máu an toàn, bảo quản đúng quy định. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên dương những điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc hiến máu tình nguyện.

"Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”- hiến máu cứu người, chia sẻ giọt máu của tình nhân ái, góp phần đem lại hàng ngàn đơn vị máu cứu chữa kịp thời cho người bệnh. Để có nhiều hơn nữa niềm hy vọng cho sự sống, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình người bệnh, giúp ngành y tế bớt khó khăn về tình trạng thiếu máu khi cần cứu chữa người bệnh bằng truyền máu.

Ninh Hà


    Ý kiến bạn đọc