Tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc cho sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:26 08/04/2015

Quán triệt yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo đại học theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI); hướng tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ Trường Đại học Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc cho gần 3400 sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh phục vụ sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, trong đó chú trọng: "Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc"(Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá XI). Nhận thức rõ nhiệm vụ cao cả này, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, Trường Đại học Hà Tĩnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc cho sinh viên của trường.

Đối với thanh niên nói chung và sinh viên Đại học Hà Tĩnh nói riêng, công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức và truyền thống lịch sử dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế như hiện nay. Bởi mặt trái của cơ chế thị trường, của toàn cầu hoá đã có những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Đặc biệt đối với sinh viên, đối tượng luôn nhạy bén với cái mới, nếu không có sự tuyên truyền, giáo dục, định hướng rõ ràng và kịp thời thì sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách, lý tưởng và rất khó khăn để vượt qua những thử thách của đời sống xã hội. Tuyên truyền, giáo dục từng bước giúp sinh viên thấm nhuần truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, góp sức mình vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. 

Trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức và truyền thống lịch sử dân tộc được nhà trường quan tâm và triển khai một cách có hệ thống, hiệu quả, tích cực phát huy những thế mạnh của của công tác chuyên môn vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Giáo dục phẩm chất đạo đức và truyền thống dân tộc cho sinh viên được thực hiện thông qua nhiều hình thức:

Tổ chức thực hiện tuần giáo dục công dân để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống và truyền thống dân tộc như: chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết tương thân, tương ái, yêu thương con người, yêu nước, anh dũng bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm,... Đồng thời, giáo dục để sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh hiểu rõ: Gìn giữ truyền thống văn hoá của dân tộc là việc làm hết sức cần thiết bởi văn hoá là sức mạnh nội sinh, nền tảng của sự phát triển, song trong xu thế hội nhập hiện nay, tuổi trẻ cũng cần phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, bản lĩnh tiếp biến văn hoá để Việt Nam hoà nhập chứ không hoà tan. Yêu nước không chỉ là lòng tự cường, tự tôn dân tộc, biết ơn với những người đã có công với nước,… mà phải biến ý thức thành sức mạnh của hành động, biết cống hiến, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay khi tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa 6 quốc gia, lãnh thổ vẫn đang căng thẳng, chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận ở Trường Sa đang bị đe doạ nghiêm trọng,…

Việc tổ chức tuần sinh hoạt công dân có ý nghĩa giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc; cung cấp kịp thời những thông tin có tính chất thời sự, những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời chuẩn bị tâm thế tốt để sinh viên bước vào năm học mới, hành trang đầy đủ để sinh viên bước vào tương lai.

Lồng ghép nội dung giáo dục phẩm chất đạo đức lối sống và truyền thống dân tộc cho sinh viên trong xây dựng nội dung chương trình, bài giảng.

Xây dựng nội dung chương trình, bài giảng là việc làm thường xuyên của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh, đòi hỏi phải đảm bảo yêu cầu trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và xây dựng thái độ tích cực, đúng đắn cho sinh viên. Việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào chương trình, bài giảng hết sức cần thiết, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI): “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Sau mỗi bài giảng, sinh viên hiểu sâu sắc hơn truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, thấm nhuần tư tưởng yêu nước, có ý thức trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, xây dựng lý tưởng, điều chỉnh hành vi,…

Tăng cường hoạt động ngoại khóa, gắn lý luận với thực tiễn.

Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên có điều kiện thâm nhập thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, gắn lý thuyết với thực hành. Trong mỗi khóa học, tùy vào từng ngành nghề cụ thể, các khoa đào tạo đã tổ chức các đợt thực tế chuyên môn, đi tham quan thực tế về nguồn, các hoạt động ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống và con người Hà Tĩnh. Những hình thức hoạt động phong phú đa dạng giúp sinh viên hiểu hơn về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của quê hương đất nước và được đắm mình trong dòng chảy của truyền thống của dân tộc.

Công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc còn được thực hiện với nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, như: xây nhà tình nghĩa, thực hiện phong trào sinh viên tình nguyện, hoạt động từ thiện giúp đỡ những người cô đơn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những trẻ em vùng dân tộc ít người của bản Rào tre. Những hoạt động đó đã nói lên sự thấm nhuần tình cảm đạo đức cao đẹp, sự cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam của sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh.

Với những hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc, nhất là truyền thống của quê hương Hà Tĩnh cho đối tượng sinh viên, trong thời gian qua Trường Đại học Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành tích xuất sắc và khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình (số liệu, điển hình tiêu biểu, thành tích khen thưởng). Để có được thành công đó, nhiệm vụ giáo dục phẩm chất đạo đức, truyền thống và bản lĩnh văn hoá dân tộc Việt Nam cho sinh viên luôn được nhà trường xác định là nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, Đảng bộ Trường Đại học Hà Tĩnh quan tâm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tinh, trong đó có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam,…

Đất nước đang trên đà đổi mới, Hà Tĩnh đang nỗ lực vươn mình để trở thành một tỉnh có nền kinh tế hiện đại, làm động lực phát triển cho khu vực trong tương lai, là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà, Trường Đại học Hà Tĩnh nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu của đổi mới giáo dục và đào tạo bậc đại học để góp phần hình thành và xây dựng thế hệ con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên quê hương, đất nước.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh - Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc