Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ
EmailPrintAa
14:46 06/07/2015

Lúa Xuân đang bước vào những ngày cuối của kỳ thu hoạch. Nhìn vụ lúa 2015, so với phải gánh chịu lắm tai ương, sâu bệnh, thiên tai liên tục “tung đòn” vào giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa thì năng suất vẫn được đánh giá là vượt khó thành công…

92% diện tích là xuân muộn - vị “cứu tinh” vụ Xuân

Vụ Xuân năm nay, diện tích gieo cấy của toàn tỉnh tăng vượt trội với trên 57.000 ha. Đổi lại, ngay khi mùa vụ mới bắt đầu thì thời tiết đã có biểu hiện bất thuận, toàn tỉnh chìm trong mưa ẩm, sương mù suốt gần một tháng, trùng vào thời điểm các trà lúa bắt đầu đẻ nhánh. Giữa lúc độ đạm đồng ruộng ở mức cao nhất, kết hợp với thời tiết nóng ẩm là môi trường “kích hoạt” bệnh đạo ôn. Hệ quả là chỉ trong vòng một tuần lễ bùng phát, bệnh dịch này đã “ngốn” trọn 700 ha lúa vụ Xuân. Diện tích lây nhiễm lan rộng trên toàn tỉnh, không loại trừ một loại giống nào. Chưa kịp phục hồi thì đồng ruộng đã chịu sự tấn công của chuột, sâu cuốn lá, đặc biệt là trận mưa có diễn biến bất thường vào cuối tháng 4 vừa qua. Đáng lẽ là “cơn mưa vàng” để “ra mọi chuyện”, trời như đổ sập cả túi nước, ngâm toàn bộ diện tích lúa Xuân đang kỳ trổ bông suốt 3 ngày ròng rã trong biển nước. Dù mức ảnh hưởng không phổ biến thì những diện tích mất cục bộ cũng phải ngậm ngùi vì năng suất tụt giảm nghiêm trọng như: vùng thượng Thạch Hà, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh.

Đi qua những thử thách, khó khăn, vụ lúa Xuân 2015 vẫn được đánh giá là thắng lợi. Điều đó không có nghĩa thể hiện qua chỉ số về năng suất mà vụ Xuân 2015 chính là câu trả lời từ thực tiễn cho việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Sự chuyển dịch cơ cấu đã bắt đầu từ 3 năm nay mà vụ Xuân 2015 là đỉnh điểm với 100% trà xuân muộn. Với cơ cấu này, chúng tôi có thể thực hiện quy trình đồng nhất về giống, thời vụ, quy trình thâm canh và thu hoạch. Vì thế mà năng suất trung bình toàn huyện đạt khá đồng đều mặc dù một số diện tích bị ảnh hưởng trong đợt mưa cuối tháng 4. Điều này cũng đã tạo điều kiện để các địa phương đầu tư cơ giới hóa, hiện nay toàn huyện có 65 máy gặt đập liên hợp, nhờ vậy mà thời gian thu hoạch được rút ngắn để bà con sớm bắt tay vào làm đất Hè Thu”. Cẩm Xuyên đang là huyện đứng thứ 3 toàn tỉnh về năng suất với 56 tạ/ha (sau Đức Thọ và Can Lộc), vượt mốc trung bình của tỉnh gần 2 tạ/ha. Trong đó, có những địa phương nổi trội như: Cẩm Bình (59 tạ/ha), Cẩm Thăng (58,8 tạ/ha), Cẩm Nam (58,5 tạ/ha).

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, năm nay xuân muộn đã gần như giành được vị trí “độc tôn” trong cơ cấu giống của tỉnh. 92% trong tổng số 57.000 ha là con số đủ để các địa phương tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, đồng nhất khép kín từ giống đến sản phẩm. Vào những ngày cận kề thu hoạch, những ai có điều kiện đi dọc nẻo đường mới thấy hết cảnh đẹp của những đồng lúa chín trước ngày thu hoạch. Những cánh đồng xuân muộn vàng rộm, phẳng phiu không thể lẫn vào đâu được kéo dài từ nam ra bắc, từ vùng núi xuống đồng bằng. Chẳng còn cảnh đồng ruộng “lổm nhổm”, cơ cấu cùng một trà giống đã góp phần tạo nên sự đồng nhất cho thời vụ. Theo tổng hợp từ ngành chuyên môn, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 54,4 tạ/ha, ngoại trừ những địa phương luôn giữ “phong độ” dẫn đầu như: Đức Thọ (57,1 tạ/ha); Vũ Quang (61,3 tạ/ha), Can Lộc (57,5 tạ/ha) thì năm nay khoảng cách chênh lệch giữa các vùng gần như được xóa bỏ. Số địa phương đạt dưới ngưỡng “trần” của tỉnh chỉ còn lại vài nơi mà thôi.

Cuộc chạy đua dòng giống chất lượng…

Đã diễn ra vài năm nay nhưng phải đến vụ Xuân 2015 thì cuộc chạy đua tạo thương hiệu bằng nhóm giống chất lượng, năng suất cao mới thể hiện rõ ở các địa phương. Tất nhiên, không giống như trước “trăm hoa đua nở”, cánh đồng trở nên “vá chằng vá đụp” bởi các mô hình giống mới mà tất cả đều có sự kiểm soát chặt chẽ đầu vào của cơ quan chuyên môn. Theo đó, các địa phương có phương án quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng những cánh đồng tập trung quy mô lớn, gắn với hợp đồng thu mua. Ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc cho biết: “Vụ Xuân 2015, diện tích sản xuất lúa hàng hóa chiếm 30% diện tích toàn huyện (9130 ha). Trong đó, chúng tôi hướng đến những giống có tiềm năng năng suất như: BTE1, Bắc thơm số 7, Nếp, Thiên ưu 8 và TH3-5. Các loại giống này đều cho năng suất từ 70- 75 tạ/ha, hơn giống đại trà từ 10%- 15%. Điều quan trọng, mỗi giống sẽ gắn với thương hiệu gạo của từng địa phương và tất cả đều được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua lúa gạo lớn nhằm tạo ra thị trường ổn định cho bà con nông dân”.

Trong số tập đoàn giống mới thì cái tên được nhắc nhiều trong vụ Xuân năm nay vẫn là Thiên ưu 8. Bén duyên với Hà Tĩnh từ vài năm nay, vụ Xuân 2015, giống lúa mới này đã mở rộng diện tích sản xuất thử đạt tối đa 500 ha. Nhiều nhất là ở Cẩm Xuyên và Can Lộc, mỗi huyện có đến vài trăm ha. “Người mới đến” đã không phụ lòng kỳ vọng của người nông dân khi thể hiện các tính năng ưu việt: ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao (65- 70 tạ/ha). Hay là giống RVT, một trong loại giống có gạo thương phẩm đứng hàng đầu về chất lượng hiện nay. Vượt khung ra khỏi những địa phương có ưu thế thâm canh (Đức Thọ, Cẩm Xuyên), năm nay giống lúa này phổ rộng ở nhiều địa phương khác với diện tích gần 1.000 ha. Ông Trần Nam Thanh, Kỳ Hưng (Kỳ Anh) cho biết: “Giống RVT thì trung bình lúa bán giá 8000- 9000 đồng/kg và thành phẩm gạo thì 15000- 16000 đồng/kg. Cứ đến kỳ thu hoạch là các đại lý gạo ở TP Hà Tĩnh và Vũng Áng lại đặt hàng, có bao nhiêu người ta lấy bấy nhiêu, chỉ sợ không có mà cung ứng thôi”.

Nhìn trở lại, không phải bức tranh thu hoạch vụ Xuân 2015 không có những khoảng tối màu. Có thể nói, điều kiện thời tiết khắc nghiệt năm nay chính là “cú đòn chí mạng” đối với giống Xi 23. Đạo ôn đầu vụ, giống Xi 23 “lãnh đủ” với hàng trăm ha không thể phục hồi, tiếp đến trận mưa xối xả ngay giữa thời kỳ trổ bông đã khiến cho những diện tích còn sót lại gần như bị quật ngã, gieo lúa gặt rơm, năng suất tụt giảm “tận đáy”. Còn nhớ cách đây ít năm, khi cuộc cách mạng xóa bỏ trà xuân sớm bắt đầu, hàng nghìn ha lúa IR 1820 cũng từng bị “xóa trắng” khi không qua khỏi đợt rét dài ngày. Sự mất mát đó đã được đền đáp đích đáng khi người nông dân rũ bỏ được tập quán cố thủ để đổi mới sản xuất. Cuộc cách tân mới cho vụ Xuân một trà lúa xuân muộn đang rộng cửa…

                                                                                                                     Nguyễn Oanh


    Ý kiến bạn đọc