Những giờ phút không thể nào quên…
EmailPrintAa
09:37 04/09/2015

Nửa đêm 17/8/1945 là những giờ phút gây xúc động bất ngờ mà cho đến bây giờ tôi cũng không thể nào quên. Hôm ấy, mọi người đang yên giấc, gà chưa gáy canh, làng xóm đang chìm trong bóng tối, thì bỗng nhiên tiếng trống ngũ liên vang lên, như xé toang cả màn đêm đen.

Gia đình tôi cũng như mọi gia đình khác trong làng đều giật mình thức dậy. Bố tôi uể oải bước ra sân, vừa đi vừa nói: “Mùa sưu thuế đã qua, sao lại có trống ngũ liên (trống đánh 5 tiếng liên tục trong khi có việc cần báo động hoặc báo thức dân chúng) hay là mấy ông hương lý bắt phu đi làm đê (Hồi đó ở quê tôi đã bắt đầu đắp đoạn kênh Kẻ Gỗ từ đầu mối xuống)”, rồi ông cụ lại tự trả lời: “làm đê thì có chi mà báo động sớm thế, cho dân chúng yên giấc đã chứ ”. Đang lẩm bẩm thì có một người gọi ngoài ngõ: “Cha con ông Thành đâu rồi? (tên thường gọi của bố tôi) cứ gọi dồn dập, ông Thành đâu, ông Thành đâu…”. Bố tôi ngắt lời hỏi: “Cái gì thế?”, “Ai cháy nhà phải không”, người ấy lại bảo: “Mau mau (nhanh nhanh) ông ra ngoài sân đình sẽ biết, nhớ cầm theo cái gậy dài độ sải tay với nhé”. Bố tôi loay hoay rồi lấy cái cuốc tháo lưỡi ra vác cán chạy đi. Tôi cũng lẻo đẻo vào tháo cái ven vác cán chạy theo. Ra đến đình làng thì thấy người đã đứng gần kín sân nhưng nhìn lên thì không thấy mấy cụ lý, cụ hương cầm batong đi dọc làng như mọi hôm mà chỉ thấy mấy ông vừa quen, vừa lạ đứng trước mặt mọi người. Quen là những ông này cũng là người trong làng mình cả. Lạ là thấy họ chững chạc, dõng dạc đứng nói trước đám đông. Một hiện tượng thực sự khác thường! Dân chúng lúc này cũng còn ngơ ngác. Chốc lát thì thấy ông Điều Huệ (Đặng Quốc Huệ) đứng lên tuyên bố: “Thưa tất cả dân chúng, tôi thừa lệnh Việt Minh Nam Hà báo với toàn thể dân chúng làng ta là phải ngay lập tức tập trung lưc lượng, gậy gộc, giáo mác đi biểu tình dành chính quyền ở làng, tổng, huyện… Ngay từ bây giờ ta đến nhà Lý Hiều để bắt ông ta nạp ấn tín cho Việt Minh. Nếu ông ta chống lại thì chúng ta tạm thời trói cổ, rồi sau đó kéo quân lên Đồn Trường (Đồn lính khố xanh bảo vệ huyện đường) cướp súng và cùng với các làng, xã khác kéo quân vào bắt tên tri huyện Hoàng Mộng Kham đầu hàng và nộp ấn tín cho chính quyền cách mạng”. Lời tuyên bố vừa dứt thì cả rừng người, đèn, đuốc, gậy gộc ào ào tiến vào nhà Lý Hiều vây kín ngoài cổng, rồi ba cán bộ Việt Minh đi thẳng vào nhà gõ cửa đánh thức ông ta dậy và đọc lệnh Việt Minh tịch thu ấn tín. Ông ta miệng ngọng lại, run lật bật cả người, vừa dạ, vừa chấp tay vái và khúm núm mở tráp lấy ấn tín ra nạp cho cán bộ Việt Minh. Tiếp đó đoàn người ào ào như thác đổ kéo lên đồn trường. Đoàn chúng tôi đi được khoảng 0,5 km thì gặp đoàn của làng Hưng Lộc cũng vừa lấy xong ấn tín của lý trưởng làng. Hai làng hợp lại kéo lên đồn trường. Lên đến nơi thì đã thấy các làng Trường Nội, Trường Ngoại, Gia Hội, Cẩm Bào vây kín cửa đồn. Khoảng trên vài chục lính khố xanh trong đồn còn cầm súng trên tay song không dám bắn. Một cán bộ Việt Minh Nam Hà Tuyên bố: “Hỡi anh em binh sỹ phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, chính quyền bù nhìn đã đầu hàng Việt Minh, anh em muốn sống thì phải nạp vũ khí cho chúng tôi, nếu chống lại thì tất cả đều bị tiêu diệt!”. Mệnh lệnh Việt Minh như sét đánh ngang tai. Cai, đội, lính tráng nhao nhác thả súng giơ tay đầu hàng. Lực lượng tự vệ đỏ nhanh chóng cướp súng rồi khóa của đồn lại. Tiếp đó, cả đoàn người lại kéo lên huyện đường giành chính quyền ở huyện, bắt tri huyện Hoàng Mộng Kham phải nộp ấn tín và tài sản, tiền bạc của huyện đường cho Việt Minh. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng.

 
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân vào ngày 22.12.1944. Ảnh: T.L  

Thế là chỉ khoảng gần 12 tiếng đồng hồ mà đoàn chúng tôi tham gia giành chính quyền từ làng lên huyện trong nửa đêm ngày 17 và buổi sáng ngày 18/8/1945. Sau đó cả đoàn người chúng tôi lại tiếp tục kéo ra thị xã Hà Tĩnh cùng với các đơn vị bạn giành chính quyền ở tỉnh.

Tính từ ngày đó đến nay đã 70 năm trôi qua. Trong khoảng thời gian ấy, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm lịch sử mà tôi vẫn nhớ như in những gì đã diễn ra trong ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 ở quê mình - Ngày mà cả huyện Cẩm Xuyên chúng tôi dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh đã đồng loạt đứng lên lật đổ bộ máy thống trị của chính quyền phong kiến từ làng xã, huyện, tỉnh để giành chính quyền Cách mạng về tay nhân dân. Sự kiện lịch sử thiêng liêng ấy đã góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất” lật đổ chế độ thực dân gần trăm năm, xóa bỏ chế độ phong kiên hàng nghìn năm, thiết lập nền dân chủ cộng hòa, đưa nước Việt Nam vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, những ai đã từng chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, lầm than đói khổ, nỗi nhục mất nước thì mới thấy hết giá trị cao quý của độc lập, tự do cũng như mới đánh giá được thành quả lớn lao của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Và trong tâm trí của tôi, cũng như của hàng vạn người dân quê nhà sẽ không bao giờ quên được tiếng trống ngũ liên trong đêm 17/8/1945 - tiếng trống thôi thúc tất cả vùng lên giải phóng, giành độc lập, tự do cho quê nhà.

Hồi kỳ Dương Xuân Thâu (TCTTTT số 31)


    Ý kiến bạn đọc