Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động
EmailPrintAa
09:16 14/12/2015

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn nhân đạo sâu sắc. BHXH là loại hình dịch vụ công, hoạt động phi lợi nhuận, lấy hiệu quả xã hội làm mục đích. Quỹ BHXH được tạo lập từ sự đóng góp của các bên tham gia và được sự bảo hộ của Nhà nước để trợ giúp người tham gia khi: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, mất khả năng lao động, già yếu và cả khi chết. Sau gần 8 năm thực hiện Luật BHXH, đến năm 2014 cả nước có trên 4,3 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH một lần, khoảng 29,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, gần 6,9 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản, gần 2,6 triệu lượt người hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Trên 2,5 triệu người được hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng với số tiền được hưởng gần 9 nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Diện bao phủ của BHXH chưa cao; đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 0,5% số người thuộc diện phải tham gia; nhận thức của người dân về BHXH chưa đồng đều; một số cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH…

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Luật BHXH (sửa đổi) có một số điểm mới quan trọng, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH và tính bền vững của quỹ BHXH, cụ thể:

Một là, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến người lao động có hợp đồng lao động từ 01 tháng đến dưới 03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Hai là, luật không quy định giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Quy định mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Ba là, quy định người lao động trong thời gian đang đóng BHXH được quản lý sổ BHXH của mình để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH, được người sử dụng lao động định kỳ cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH.

Bốn là, chế độ thai sản bổ sung quy định lao động nam tham gia BHXH được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con với nhiều mức hưởng khác nhau tùy theo số con được sinh, phương thức sinh và tình trạng sức khỏe của mẹ; được trợ cấp một lần khi sinh con trong trường hợp người vợ không tham gia BHXH. Đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản.

Năm là, về chế độ hưu trí, Luật quy định cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH; điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; mở rộng điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã, phường; mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu đối với người thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Để hạn chế việc nghỉ hưu trước tuổi, Luật BHXH (sửa đổi) quy định tăng tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi lên 2%.

Các nội dung sửa đổi của Luật BHXH lần này đều hướng đến việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo công bằng xã hội, bình đẳng giới và an sinh xã hội lâu dài cho người dân.

T.H


    Ý kiến bạn đọc