Một số vấn đề cần quan tâm về phát triển đảng viên ở xóm, tổ dân phố
EmailPrintAa
09:25 14/12/2015

Phát triển đảng viên mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng các cấp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng ta. Công tác phát triển đảng viên, nhất là ở thôn xóm, tổ dân phố lâu nay đã được cấp ủy các cấp quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng đội ngũ đảng viên ở chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu, đảng viên cao tuổi, đảng viên hưu trí chiếm số lượng lớn,  trong khi đó lực lượng trẻ làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở chi bộ cơ sở ít, mỏng. Từ thực trạng đó, cần chú trọng đến công tác phát triển đảng viên tại thôn, xóm, tổ dân phố để từng bước khắc phục tình hình.

Ưu tiên phát triển đảng viên trẻ là định hướng đúng song chưa đủ đối với thôn, xóm, tổ dân phố, bởi lực lượng này chủ yếu chưa lập gia đình, việc làm thiếu ổn định, sống phụ thuộc, tay nghề thấp, chưa chuyên tâm công tác…, đó là chưa kể đến mặt trái của nền kinh tế thị trường rất dễ tác động tiêu cực đến tư tưởng, lối sống của họ. Thực tiễn cũng cho thấy, nhiều trường hợp (chủ yếu là học sinh, sinh viên tốt nghiệp) trong thời gian chờ việc, xin việc được kết nạp Đảng ngay tại nơi cư trú, nhưng chỉ sau một thời gian lại chuyển sinh hoạt Đảng đến các cơ quan, đơn vị công tác… Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho công tác phát triển đảng viên ở thôn, xóm, tổ dân phố.

Do vậy, đối tượng cần tập trung bổ sung để phát triển nguồn đảng viên ở chi bộ cơ sở trong tình hình hiện nay, theo tôi là đối tượng “trung niên” ở thôn xóm, tổ dân phố (số này có xu hướng ngày càng nhiều theo phong trào xây dựng nông thôn mới). Thực tế đã có một số chi ủy, chi bộ quan tâm đến đối tượng này nhưng hiệu quả thấp và gặp nhiều khó khăn, bởi khác đối tượng thanh niên, đa số họ đã có gia đình, con cái, công ăn việc làm tương đối ổn định ở địa phương. Rất nhiều người có đời sống khá giả, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, có người còn làm chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất dịch vụ… Ngoài đặc thù công việc bận rộn còn vô vàn lý do để họ chưa và không có ý định phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong đó phải kể đến tâm lý “ngại” việc xã hội, mặc cảm, tự ti (như tự ti về tuổi tác, về gia đình, con cái, thấy mình chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện hoặc nhiều lần giới thiệu kết nạp Đảng không thành…); bị cản trở bởi tư tưởng hẹp hòi, phong kiến…; hiểu chưa tường tận về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, sợ vào Đảng sẽ bị ràng buộc, mất tự do… Thậm chí, một bộ phận không nhỏ đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, còn có tư tưởng phân bì vào Đảng để làm gì, được gì?… Do đó, việc tuyên truyền, vận động, giác ngộ, giúp đỡ lực lượng “trung niên” ở thôn, xóm, tổ dân phố vào Đảng là không đơn giản. Các chi ủy, chi bộ căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị để xây dựng chuyên đề riêng, bổ sung những giải pháp thích hợp, thiết thực nhằm phát triển đảng viên mới từ nguồn đối tượng này. Đồng thời, phải kiên trì, dày công đi sâu từng đối tượng, phân loại theo nhóm đối tượng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, bởi một khi đã nhận thức đúng, đầy đủ, biện chứng về Đảng và vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như hiện nay thì việc hình thành động cơ đúng đắn, chủ động, tự nguyện phấn đấu, rèn luyện để được vào Đảng là điều tất yếu.

Để công tác phát triển đảng viên ở thôn, xóm, tổ dân phố ngày càng thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là bổ sung được nguồn đảng viên từ đối tượng “trung niên” (như đã đề cập ở trên), góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ cơ sở, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chú trọng đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động để đối tượng thường xuyên được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, tích cực, được giáo dục lý tưởng cách mạng, tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hiểu sâu về nhiệm vụ và quyền lợi của người đảng viên, những điều đảng viên không được làm… Khảo sát, nắm bắt tâm lý, phân nhóm đối tượng, phân công trách nhiệm trong chi ủy, đảng viên (nhất là người có uy tín, cao tuổi), đồng thời tranh thủ sự phối hợp của Đảng bộ, đảng uỷ cấp trên, các cơ quan, đoàn thể đóng trên địa bàn để thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giúp đỡ cho đối tượng. Mặt khác, phải tôn trọng và gần gũi, gắn bó với đối tượng, tránh khắt khe, cứng nhắc, yêu cầu cao đối tượng; quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, động viên, khích lệ nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy vai trò của các đối tượng trong các hoạt động của thôn, xóm, khối phố, từng bước tạo cho họ niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng. Chi bộ, chi ủy, đảng viên phải luôn mẫu mực, là tấm gương để quần chúng, đối tượng nghe theo, làm theo.

Với những giải pháp trên, tin tưởng trong thời gian tới, công tác phát triển đảng viên tại thôn xóm, tổ dân phố sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập, bổ sung thêm nguồn lực chủ công để thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở chi bộ cơ sở, góp phần trẻ hoá đội ngũ, bảo đảm tính chuyển tiếp và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ cho thời kỳ tiếp theo.

Nguyễn Đức Hảo


    Ý kiến bạn đọc