Nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ dân số cơ sở
EmailPrintAa
09:39 14/12/2015

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) trong thời gian qua chính là sự góp sức và hoạt động hiệu quả của 262 cán bộ dân số cấp xã và  3.197 cộng tác viên dân số thôn, xóm. Để phát huy vai trò của đội ngũ này, Chi cục DS - KHHGĐ luôn chú trọng đào tạo, tập huấn, trang bị và nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để họ đóng góp có hiệu quả vào công tác dân số của từng địa phương và trong toàn tỉnh.
 

Cán bộ dân số xã Thạch Bàn tuyên truyền cho người dân về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: N.T

 

Từ khó khăn…

Năm 2008, khi hệ thống Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em bị giải thể, cơ cấu tổ chức bộ máy, con người làm công tác dân số, đặc biệt là ở cấp cơ sơ đầy biến động, xáo trộn, Hà Tĩnh đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp. Tuy vậy, sau gần 5 năm thực hiện (2008 - 2012), tỉnh ta vẫn chưa bố trí đội ngũ cán bộ DS - KHHGĐ cấp xã là viên chức y tế cấp xã như hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực tế này đã tạo tâm lý băn khoăn, lo lắng, thiếu an tâm trong đội ngũ cán bộ dân số cấp xã, cộng tác viên thôn, xóm, một số cán bộ xuất hiện tư tưởng chán nản, thiếu tập trung trong công việc. Vì thế, trong 5 năm, toàn tỉnh đã có 299 cán bộ dân số cấp xã và 2.407 cộng tác viên dân số xin nghỉ việc, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện công tác dân số của tỉnh.

Cũng vì thế, mức phụ cấp mà đội ngũ cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số thôn, xóm được hưởng rất thấp. Từ năm 2008 đến năm 2012, mỗi cán bộ dân số cấp xã chỉ được hưởng phụ cấp 300.000 đồng/tháng, cộng tác viên dân số thôn, xóm được 30.000 đến 50.000 đồng/tháng. Với mức phụ cấp này, nhiều người thậm chí không đủ trang trải chi phí đi lại, chi phí điện thoại liên lạc công việc, nên mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng hạn chế. Đây chính là những nguyên nhân khiến mạng lưới cộng tác viên dân số hoạt động không ổn định, thay đổi thường xuyên, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động DS – KHHGĐ.

Việc truyền thông DS - KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở ở cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kiến thức cơ bản cần thiết cho người dân. Lợi thế của đội ngũ dân số cơ sở là người sống ở ngay trong cộng đồng, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng để lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt các nội dung về DS - KHHGĐ như thế nào cho phù hợp. Tuy nhiên, bình quân độ tuổi của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở lại quá cao, trong khi đi truyền thông, vận động tại địa bàn đòi hỏi phải có sức khỏe, nhanh nhạy để truyền đạt thông tin chính xác nhất, năm 2012, toàn tỉnh có 937 cán bộ dân số, cộng tác viên dân số từ 40 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cộng tác viên dân số thấp và không đồng đều ảnh hưởng đến quá trình tuyên truyền công tác DS - KHHGĐ, chăm sóc SKSS trên địa bàn, có 1.502 người có trình độ từ Trung học phổ thông trở xuống. Trước những khó khăn đó, để công tác DS - KHHGĐ đạt kết quả cao thì việc tăng chế độ phụ cấp cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức về DS - KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho đội ngũ này là việc làm hết sức cần thiết, cấp bách.

Đến kết quả đạt được

Để phát huy vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở trong công tác DS - KHHGĐ, Chi cục DS - KHHGĐ đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế, UBND, HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, tăng phụ cấp cho đội ngũ này nhằm ổn định tư tưởng, giúp họ yên tâm công tác. Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05 về việc “tiếp tục đẩy mạnh công tác DS - KHHGĐ trong tình hình mới”. Có thể nói, sau khi Chỉ thị được ban hành, công tác dân số của Hà Tĩnh bắt đầu có sự thay đổi về tư tưởng, nhận thức và sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chỉ tiêu dân số. Và ngày 20/5/2013, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 1588 về phương án bố trí phụ trách công tác DS - KHHGĐ tại các xã, phường, thị trấn. Từ chủ trương này, vị trí, vai trò của đội ngũ những người làm công tác DS - KHHGĐ ở cấp xã chính thức được xác lập trong tổ chức bộ máy UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để có giải pháp mạnh và đồng bộ, ngày 18/12/2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 78 về việc “tiếp tục đẩy mạnh công tác DS -KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2014 - 2020”, gồm 3 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp chủ yếu.

Nghị quyết số 78 như một làn gió mới thổi vào công tác DS- KHHGĐ Hà Tĩnh, Nghị quyết đã hết sức sát, đúng, bao quát và đưa ra được những nhóm giải pháp để giải quyết, tháo gỡ tổng thể những khó khăn, vướng mắc lâu nay trong công tác DS - KHHGĐ. Đặc biệt, công tác kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy đã thực hiện khá tốt ở cấp tỉnh và huyện. Ở cấp xã, 100% xã, phường, thị trấn có quyết định thành lập Ban Dân số xã, 97% xã, phường, thị trấn đã bố trí cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác DS - KHHGĐ, trong đó trên 90% cán bộ đạt chuẩn theo quy định. Đội ngũ cán bộ dân số cơ sở được hưởng phụ cấp cao hơn, đối với cán bộ dân số cấp xã được hưởng phụ cấp 1.150.000 đồng/người/tháng từ ngân sách xã và thêm 0.3% hệ số lương cơ bản từ ngân sách tỉnh. Đối với cộng tác viên thôn, xóm thì mỗi cộng tác viên được hưởng 215.000 đồng/người/tháng từ ngân sách Trung ương và tỉnh. Để tăng thêm thu nhập cho đội ngũ này, tỉnh đã có chủ trương cho kiêm nhiệm thêm vai trò, vị trí khác, hiện nay, toàn tỉnh có 1.904 người kiêm nhiệm chi hội trưởng (phó) phụ nữ; 325 người kiêm bí thư (phó bí thư) chi bộ, 968 người kiêm y tế thôn bản. Việc tỉnh bố trí ngân sách tăng phụ cấp cho cán bộ dân số, cộng tác viên dân số Việc tỉnh bố trí ngân sách, tăng phụ cấp cho đội ngũ này đã thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành và là nguồn động viên đối với những người làm công tác dân số ở cơ sở.         

Để tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, tỉnh đã có chính sách khuyến khích cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, xóm, đó là: Hỗ trợ thêm cho cộng tác viên 200.000 đồng nếu vận động được 01 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện triệt sản; 30.000 đồng nếu vận động được 01 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có từ một đến hai con trở lên đặt vòng tránh thai. Ngoài ra, nếu vận động được người thực hiện đặt vòng tại trạm y tế xã thì sẽ được hỗ trợ 8.000 đồng/ca từ nguồn của MSI Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ ở cơ sở, Chi cục DS- KHHGĐ thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đội ngũ này. Từ năm 2008 đến năm 2013, Chi cục DS - KHHGĐ đều tổ chức đào tạo ít nhất 02 lớp/năm (mỗi lớp 07 ngày theo quy định của Bộ Y tế) cho cán bộ dân số cấp xã và 20% cộng tác viên mới nhận nhiệm vụ hoặc yếu về chuyên môn nghiệp vụ công tác (gần 3000 cộng tác viên đã tham dự các khóa đào tạo này). Riêng năm 2014, 2015, Chi cục DS - KHHGĐ đã phối hợp với Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ DS - KHHGĐ đạt chuẩn viên chức dân số năm 2015 cho 81 học viên là cán bộ dân số cấp xã thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho 106 cán bộ thuộc trung tâm dân số 12 huyện, thị; y, bác sỹ khoa sản bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trạm y tế xã; tổ chức 41 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho gần 4.000 lượt cộng tác viên dân số thôn, xóm, trong đó, số cộng tác viên bố trí theo quy định của Bộ Y tế và số mới nhận nhiệm vụ. Với những đóng góp cho sự thành công của công tác DS - KHHGĐ trong thời gian qua, 6.000 cộng tác viên dân số tỉnh nhà đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số.

Trong thời gian tới, việc xây dựng một mạng lưới cán bộ dân số ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là hết sức quan trọng, cần thiết. Để làm được điều này, trước hết cần có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền; tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động như Nghị quyết số 78 quy định, đặc biệt là thực hiện chuẩn hóa đội ngũ này theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi bản thân cán bộ dân số xã, cộng tác viên cần phải học hỏi, trau dồi kiến thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chính sách về DS - KHHGĐ. Từ đó góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.

TS.BS Đường Công Lự - PGĐ Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ


    Ý kiến bạn đọc