Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh: Giữ vững lá cờ đầu
EmailPrintAa
09:57 14/12/2015

Năm học 2014 - 2015, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp; ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh nỗ lực cố gắng, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 05 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) "về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo" và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giáo dục Hà Tĩnh hoàn thành tốt 16 tiêu chí thi đua, trong đó có 13/16 tiêu chí dẫn đầu cả nước, là một trong 5 tỉnh có số tiêu chí dẫn đầu cao nhất toàn quốc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua "Xuất sắc tiêu biểu"
 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện trao chứng nhận tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ngành giáo dục. Ảnh: P.V.

 

Hệ thống trường lớp được sắp xếp, quy hoạch với quy mô phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở được củng cố vững chắc. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, kể cả đại trà và mũi nhọn; số học sinh giỏi quốc gia tăng cả về số lượng, chất lượng giải và trên các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, văn nghệ, khoa học kỹ thuật,… đặc biệt, tỷ lệ học sinh giỏi Quốc gia đạt gần 91%, cao nhất toàn quốc, em Nguyễn Thị Việt Hà giành được Huy chương Đồng tại cuộc thi OLIMPIC Toán quốc tế; nhiều sản phẩm của học sinh Hà Tĩnh giành huy chương tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế và khu vực. Nhiều chủ trương đổi mới giáo dục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả như: “Mô hình trường học mới Việt Nam”, “Mô hình trường học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá”, dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ,… Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong tất cả các cơ sở giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiếp tục được củng cố; cơ sở ỵât chất, trang thiết bị trường học tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học. Công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả quản lý; các biểu hiện tiêu cực trong ngành từng bước được chấn chỉnh. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy tác dụng.

Năm học 2014 - 2015, Giáo dục mầm non đạt kết quả tốt trong việc nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đạt 66,7% (tăng 9,5% so với năm học 2013-2014), trong đó, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 30,5%, tăng 7,9%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo là 98,2%, tăng 2%, 100% trường mầm non tổ chức bán trú, 97% số nhóm, lớp thực hiện bán trú với số trẻ tham gia bán trú là 75.994 cháu, chiếm tỷ lệ 97,6%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng các thể đều giảm.

Các trường tiểu học tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh các hoạt động vui chơi cho học sinh với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, tăng cường giáo dục kỹ năng sống thông qua hoạt động. Công tác tổ chức bán trú tiếp tục được triển khai, có 228/260 trường (tỷ lệ 85,4%) với 27,2% học sinh tham gia, tăng 15,7% so với năm học trước. Mô hình trường học mới tiếp tục được nhận rộng và đạt hiệu quả tốt, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Thực hiện thành công chương trình Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục.

Giáo dục trung học tiếp tục có nhiều chuyển biến, việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Bộ bước đầu có hiệu quả; tích cực triển khai "Trường học kết nối", phương pháp "Bàn tay nặn bột" và các nội dung mới. Các kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc; Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác tổ chức và kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Công tác phân luồng, hướng nghiệp tiếp tục được quan tâm với cách làm mới, các trường trung học phổ thông triển khai thí điểm mô hình dạy học THPT kết hợp đào tạo nghề, bước đầu có kết quả tốt, toàn tỉnh hiện có hơn 1.100 học sinh ở 11 trường vừa học THPT vừa học trung cấp nghề.

Công tác xây dựng đội ngũ được chú trọng; triển khai việc đánh giá, phân loại theo chuẩn của Bộ; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho gần 7.800 giáo viên, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục cho gần 400 lượt cán bộ quản lý; triển khai việc thi tuyển để bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ quản lý ở các đơn vị trực thuộc đạt mục tiêu đề ra, được dư luận trong và ngoài ngành đánh giá cao. Trong năm học, có 08 nhà giáo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT, nâng tổng số NGƯT toàn tỉnh lên 76 người; có 198 nhà giáo được vinh danh điển hình tiên tiến toàn Ngành giai đoạn 2010 - 2015.

Công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được triển khai quyết liệt, gắn chặt với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết thúc năm học, có 471 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 50 trường với năm 2014 và đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung của cả nước. Ngành đã phối hợp chỉ đạo xây dựng tiêu chí trường học, tiêu chí giáo dục trong phong trào xây dựng nông thôn mới có kết quả tốt, toàn tỉnh đã có 92/230 xã đạt tiêu chí số 5; có 230/230 xã đạt tiêu chí số 14.1 và 226/230 xã đạt tiêu chí 14.2.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong sinh hoạt chuyên môn và bồi dưỡng giáo viên; công tác nghiên cứu khoa học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm tiếp tục có nhiều chuyển biến; công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục được đổi mới với nhiều cách làm phù hợp.

Để giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới; đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế tỉnh nhà phát triển với tốc độ nhanh, kết quả cao, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, phát triển công nghiệp, đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục. Tuyên truyền và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với việc đổi mới, phát triển giáo dục.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo. Đổi mới cách thức công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh theo hướng hiệu quả, thiết thực gắn chặt với tình hình thực tế ngành, nghề và nhu cầu lao động của địa phương; thực hiện việc đào tạo nghề cho một bộ phận học sinh ngay từ trung học phổ thông. Đổi mới và nâng cao chất lượng của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

Thứ ba, chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tập trung rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên một cách chính xác, nghiêm túc, khách quan; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII; sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ trong toàn tỉnh và thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời tiếp tục tham mưu thực hiện chính sách thu hút sinh viên giỏi của các trường Sư phạm có uy tín về công tác giảng dạy trong ngành, tạo ra sự tiếp nối liên tục, vững chắc của đội ngũ nhà giáo.

Thứ tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng các trường trọng điểm, các điển hình tiên tiến về nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ, tổ chức các hoạt động giáo dục để nhân ra diện rộng.

Thứ năm, đi đầu trong thực hiện các chủ trương đổi mới giáo dục, triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng hiện đại; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhằm chuyển nhanh quá trình giáo dục từ chủ yếu cung cấp kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Thứ sáu, đổi mới, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu từ Sở đến các cơ sở giáo dục đảm bảo tính chiến lược, dài hạn, kịp thời, sát đúng. Đẩy mạnh việc phân cấp, tăng tính chủ động, tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh việc huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Khuyến khích phát triển loại hình cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học tập chính quy, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giáo dục chất lượng cao… góp phần xây dựng xã hội học tập. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động hỗ trợ hoạt động đào tạo. Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia giảng dạy, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ giáo dục trong các cơ sở giáo dục.

Nhà giáo ưu tú Trần Trung Dũng - TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc