“Nhãn tự - Thần cú” trong Truyện kiều của Nguyễn Du
EmailPrintAa
09:12 14/12/2015

1. Có thể nói Truyện Kiều, Nguyễn Du đã góp phần to lớn đưa trình độ khả năng diễn tả của Tiếng Việt lên một tầng cao mới. Có người coi Nguyễn Du là một ông thầy phù thủy của ngôn từ. Nhiều chữ như có mắt, nhiều câu như có thần (mà người xưa vẫn gọi là Nhãn tự - Thần cú ). Cái tài của Nguyễn Du là thơ trong Truyện Kiều không chỉ diễn đạt bằng cảm hứng sáng tạo mà còn phải hệ lụy vào cốt truyện. Thơ Kiều phải kể chuyện vì thế người ta mới gọi là Truyện Kiều. Kể chuyện thông qua các tình huống, chi tiết, miêu tả xung đột, xây dựng các tính cách… Đó là chưa kể cái khó của thơ Kiều là cần phải có những câu chuyển ý, chuyển đoạn… Nguyễn Du đã vượt qua những trở ngại ấy để làm cho 3.254 câu thơ Kiều không có câu nào vụng về, gượng gạo. Ngược lại có rất nhiều câu hay, đặc biệt hay.

2. Người ta nói nhiều đến những câu thơ tả cảnh, tả tình tuyệt vời như:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng (Câu 1603, 1604).

Cảnh không chỉ có cảnh được tả sắc nét mà còn nhuốm đầy tâm trạng: Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng (Câu 1268). Cảnh đầy chất gợi, đầy chất tạo hình. Đúng là "Thi trung hữu họa":

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời.(Câu 2754, 2746)

Cũng là miêu tả vườn hoang nhưng vườn hoang khi người đi vắng lại khác với vườn hoang khi người bị ly tán:

Đến nơicửa đóng cài then

Rêu trùm kẻ gạch cỏ len mái nhà (Câu 3229, 3230).

Và rất nhiều câu thơ hay khác. Nếu Tố Hữu cho là thật tuyệt khi Nguyễn Du viết Trông lên mặt sắt đen sì khi miêu tả quan xử kiện, thì cụ Đặng Thai Mai lại cho câu:Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên(Câu 1311, 1312)”giống như một bức họa khỏa thân của văn hóa Phục Hưng. Xuân Diệu cho vần Oa trong chữ Hoa ở câu: Tiểu thư vội thét Con Hoa; Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn (Câu1843, 1844 ) đã chỉ ra sự nanh nọc, cay nghiệt, đanh đá, quyền uy của mụ Hoạn. Oa (Hoa) miệng mụ Hoạn như rộng ra, toét ra chẳng khác gì như một cái loa. Thời đi học, tôi còn rất nhớ thầy Trần Quốc Nghệ bình rất hay về hiệu quả nghệ thuật của nhịp thơ (Như ta đã biết thơ lục bát rất khó tả cho những nhịp đặc biệt) trong các câu Kiều như:

Giữa giường thất bảo ­­- Ngồi trên - Một bà (Câu 1724). Có cảm giác như Hoạn bà chồm hổm ngồi lên trong một tư thế đầy quyền uy. Ở câu: Đoạn trường thay! Lúc phân kỳ/ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (Câu 869, 870) làm cho người đọc hình dung chặng đường sắp tới đầy trắc trở hiểm nguy trên hành trình số phận tiếp theo của nàng Kiều. Hay để diễn tả một khoảng cách vời vợi nhớ thương sắp diễn ra Nguyễn Du đã rất tài trong việc tạo nhịp cho câu thơ: Đầu cành quyên nhặt -Cuối trời nhạn thưa… (Câu 568) đây và đó tựa như một khoảng cách đến nghìn trùng, khó gặp lại.

Lại có những câu thơ tả thực tinh tế, sắc sảo: Tú bàtốc thẳng tới nơi/ Hằm hằm áp điệu một hơi về nhà(Câu 1133, 1134).

Biết Kiều đã mắc bẫy do mình giăng ra, Tú bà hí hửng, hả hê… và muốn trừng trị Kiều ngay: Tốc thẳng tới nơi nhanh mạnh, liền một mạch… như một mũi tên để rồi “Hằm hằm áp điệu”. Từ láy“hằm hằm” không chỉ là tức giận mà là nộ khí của kẻ chiến thắng. Nộ khí tạo ra sức mạnh cho “áp điệu” khẩn trương “một hơi về nhà”. Nếu câu thơ:Thoắt trông nhờn nhợt màu da; Ăn chi to lớn đẩy đà làm sao (Câu 923, 924) đã nói được hết tính cách của mụ trùm nhà chứa thì câu thơ “Hằm hằm áp điệu một hơi về nhà” đã làm trọn vẹn thêm, nổi bật thêm tính cách độc ác, tàn nhẫn của một kẻ buôn thịt bán người Tú bà. Khi miêu tả Từ Hải chết đứng Nguyễn Du viết Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng (Câu2520). Có bao nhiêu điều muốn nói về một anh hùng khi thất thế bằng hai tiếng“chôn chân”…Cũng là tiếng đàn từ tay Thúy Kiều thì khi miêu tả tình yêu lại “trong như tiếng hạc”, khi đau đớn ê chề là:Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm (Câu 1856). Khi tận cùng xót xa đau đớn:Bốn giây rõ máu năm đầu ngón tay. Còn khi tái hợp trong cảnh:Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy (Câu 3226) là: Lọt tai nghe suốt năm cung - Tiếng nào mà chẳng não nùng xôn xao…(Câu 3205, 3206).

Trong Truyện Kiều còn rất nhiều câu thơ khác thể hiện cách dùng ngôn từ đặc sắc của Đại thi hào Nguyễn Du… Tuy nhiên, ở bài viết này chỉ gợi lại những âm hưởng thơ Kiều luôn sống mãi trong ký ức của mỗi người.

Lê Đình Tuấn - Nguyên Giáo viên Văn - Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc