"Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi".
Dù hiểu theo cách nào thì tham nhũng được xem là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như nước ta, làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của nhân dân, thiệt hại ngân sách, gây rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn nữa, nó làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, làm cho chế độ chính trị dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tấn công, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù nguy hiểm. Người viết: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta"(1).
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã chỉ ra bốn nguy cơ, trong đó có tệ quan liêu, tham nhũng. Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước"(2). Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng nếu không sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, trong đó có tình trạng tham nhũng: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc".
Tham nhũng phát sinh trên nhiều lĩnh vực, mà chủ yếu là lĩnh vực quản lí, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản: tác động đến khâu quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất nông nghiệp, xây dựng khu kinh tế, khu đô thị, định giá, đền bù, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cụ thể là một bộ phận cán bộ trong ngành tiếp tay móc nối với người bên ngoài thông qua hoạt động cho vay, bão lãnh, cho thuê tài chính, ủy thác cho vay, đầu tư để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát lớn; lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản xảy ra ở hầu hết các khâu, từ khâu lập dự án, thiết kế dự toán, phê duyệt kế hoạch, cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình với thủ đoạn không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu, khai khống vật liệu, giá cả...; trong quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp có hiện tượng giấu bớt, định giá tài sản thấp khi cổ phần hóa, lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt tài sản nhà nước... Tham nhũng còn diễn ra trong công tác cán bộ với biểu hiện chạy chức, chạy quyền.
Biểu hiện, tác động của tham nhũng trên mọi mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội, để lại ảnh hưởng nặng nề, làm cho đạo đức xã hội xuống cấp và tổ chức đảng, bộ máy nhà nước suy yếu. Khi một bộ phận cán bộ, đảng viên giàu có một cách bất thường, không kê khai, giải thích rõ được nguồn gốc tài sản sẽ gây tâm lý hoài nghi, tâm lý thích hưởng thụ, lười lao động, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận dân cư, trong đó có giới trẻ. Cùng với đó là sự suy thoái đạo đức trên nhiều phương diện, trong đó có cả những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như giáo dục, y tế, len lỏi cả vào những mối quan hệ gần gũi, thiêng liêng nhất. Tham nhũng khiến cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống lười học tập, nghiên cứu, rèn luyện đạo đức, thích hưởng thụ, lệch lạc về lối sống, suy nghĩ, coi thường tổ chức, vi phạm chế độ sinh hoạt Đảng, chế độ công tác. Việc đánh giá, nhận xét cán bộ, quy hoạch và thực hiện quy hoạch cán bộ có nơi, có lúc thực hiện chưa nghiêm túc; Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, phẩm chất đạo đức, lối sống thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm... Những biểu hiện này là nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm hiệu lực điều hành của chính quyền, tác động xấu đến tâm lý, niềm tin của toàn xã hội đối với bộ máy công quyền.
Gần đây, xuất hiện cụm từ "lợi ích nhóm" và sự chi phối của nhóm lợi ích này được xem như là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. Khái niệm "lợi ích nhóm" lần đầu tiên được nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XI) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và được Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" xác định là nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh phòng, chống. Sự biến tướng, thoái hóa của "nhóm lợi ích" tạo ra "chủ nghĩa tư bản thân hữu" còn gọi là chủ nghĩa tư bản lợi ích, "chủ nghĩa tư bản bè phái", "chủ nghĩa tư bản lũng đoạn"... Chủ nghĩa tư bản thân hữu đẻ ra quan hệ nhóm thân hữu.
Mối quan hệ này dựa trên nguyên tắc cả hai bên cùng có lợi, thâm nhập lẫn nhau, thâu tóm các nguồn tài chính, của cải, quyền lực chính trị, biến nhà nước thành công cụ của một nhóm người thực hiện độc quyền về kinh tế kết hợp độc quyền chính trị. Trong bối cảnh đất nước ta mới vận hành nền kinh tế thị trường, năng lực quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu để "nhóm lợi ích" biến tướng thành "chủ nghĩa tư bản thân hữu" chi phối, thao túng sẽ kìm hãm sự phát triển, làm cho đất nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy cần phải có những giải pháp hữu hiệu, đấu tranh chống lại một cách triệt để.
Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng Đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hành và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí"(3). Tham nhũng ảnh hưởng, tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó dẫn đến mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, mỗi tổ chức Đảng, mà trước tiên phải phát huy vai trò của người cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên muốn đóng góp vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trước tiên phải đóng góp xây dựng tổ chức mình, tích cực phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí, thiếu minh bạch trong chi tiêu, quản lí hành chính, quản lý tài sản công, công tác bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, sử dụng thời gian hành chính trong cơ quan, đơn vị mình công tác. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, tự phê bình và phê bình, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, đứng đầu trong cơ quan, tổ chức. Tự phê bình và phê bình đúng nguyên tắc, "thấu tình đạt lí", có tình đồng chí, có sức thuyết phục sẽ giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng từ bỏ những thói hư tật xấu, nhất là những cám dỗ về vật chất, không tham nhũng, đồng thời đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong tổ chức mình.
Ngoài tự học hỏi, rèn luyện thuần thục các kỹ năng mềm, kỹ năng cơ bản trong công tác, tùy vào từng vị trí công tác, người cán bộ, đảng viên cập nhật những thông tin, kiến thức mới... nâng cao hiệu quả tham mưu, mạnh dạn tham gia nghiên cứu xây dựng các sáng kiến đề tài khoa học phục vụ công tác chuyên môn. Muốn làm được điều này, các cơ quan, tổ chức phải có chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập, khen thưởng, biểu dương kịp thời, đánh giá khách quan, bổ nhiệm sử dụng hợp lý để cán bộ, đảng viên có động lực rèn luyện, phấn đấu. Cùng với đó, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên, cung cấp thông tin hoạt động điều hành trên các lĩnh vực công tác, thông tin thời sự, nhân sự... một cách công khai để cán bộ, đảng viên nắm rõ, vững vàng về nhận thức, đồng thuận, thống nhất cùng tổ chức mình trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thiên Nhẫn
___________
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, t.7, tr.357.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.173.
(3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.172.
Tin mới cập nhật
- “Hà Tĩnh phải nỗ lực hơn nữa để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”(*) ( 14/12)
- Tập trung đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khóa XVIII sớm đi vào cuộc sống ( 14/12)
- Rèn luyện phẩm chất đạo đức là nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng ( 14/12)
- Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp ( 14/12)
- Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Tuyên giáo năm 2015 ( 14/12)
- Tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp lần thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI ( 14/12)