Quê hương Tiên Điền với Nguyễn Du
EmailPrintAa
10:20 14/12/2015

Chung quanh thân thế, sự nghiệp và tác phẩm Truyện Kiều bất hủ của Nguyễn Du, cho đến nay vẫn còn một đôi điều chưa được giải đáp thuyết phục: có ảnh hưởng gì của quê hương xứ sở, nơi sinh thành nên Đại thi hào đối với thân thế, sự nghiệp và đối với cả Truyện Kiều của ông? Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở đâu? vào thời gian nào?...

Bài viết này chỉ xin góp bàn về quê hương Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đối với Nguyễn Du và mảnh đất "ngàn năm văn vật" được phản chiếu trong Truyện Kiều.

Có người cho rằng: Nguyễn Du có quê hương là Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhưng ông sinh sống, làm quan, làm thơ ở nơi khác, xứ khác, phần lớn thời gian ở Hà Nội hoặc quê mẹ ở Bắc Ninh, quê vợ ở Thái Bình nên chịu ảnh hưởng của văn hóa Kinh Kỳ, văn hóa Kinh Bắc là chủ yếu, còn Tiên Điền, Hà Tĩnh hay văn hóa xứ Nghệ ít có ảnh hưởng gì (!).

Chúng tôi cho rằng, nhận định như vậy là quá cực đoan! Dẫu rằng, thời gian sinh sống ở xứ Bắc là chủ yếu nhưng thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du là sự giao thoa của văn hóa Thăng Long, Kinh Bắc và văn hóa xứ Nghệ. Trong đó, văn hóa Tiên Điền, văn hóa truyền thống của làng quê "địa linh nhân kiệt" này có ảnh hưởng rất lớn.

Theo rất nhiều nguồn tư liệu sử học và theo ý kiến của GS Sử học - Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn - cũng quê ở Tiên Điền - thì làng Tiên Điền là một làng cổ, ít nhất cũng lập làng từ thời nhà Lý với nhiều dấu tích khảo cổ học và đặc biệt ở đây xưa kia Phật giáo đã phát triển sầm uất(1).

Nơi làng quê này vốn có nhiều câu ca theo kiểu "sấm" truyền:

"Tiên Điền văn vật thiên thu tại.

Dục tú chung anh vạn cổ truyền"

(các cụ họ Nguyễn Tiên Điền dịch là: "Nghìn năm văn vật Tiên Điền/ Tinh hoa chung đúc lưu truyền vạn năm" hoặc: "Tiên Điền, Tiên Bào xuất anh hào thông thái/ Đan Trường, Đan Hải đa khảng khái chi nhân" (các cụ dịch nghĩa là: Tiên Điền, Tiên Bào là nơi sản sinh ra những vị thông thái, tài năng/ Đan Trường, Đan Hải lại có nhiều người có chí khí, cương trực).

Xin nói thêm: Theo sách "Nghi Xuân địa chí" của Lê Văn Diện (Nhâm Dần - Thiệu Trị 1842) viết: "Xã Tiên Bào xưa gọi là xã Tân Bào (sau đổi là Tiên Bào) cùng với Uy Viễn đều là một thôn của xã Tiên Điền, sau mới chia thành xã riêng. Hai xã kia đều có đền mà không có đình. Năm Minh Mạng..., xã Uy Viễn mới lập đình, còn xã Tiên Bào thì chưa có. Nay ở cánh đồng Mụ Đế thôn Bảo Vệ, xã Tiên Điền còn có đất công điền của Tiên Bào"(2).

Kết cấu xưa "nhất xã tam thôn" (Tiên Điền = Tiên Điền + Tiên Bào + Uy Viễn) thể hiện trong làng xã Tiên Điền. Tiên Bào là quê hương của Hoàng hậu Lê Chiêu Nghi - đời vua Lê Thuận Tông (1732 - 1735), còn Uy Viễn thì mọi người đều biết đó là quê hương của một nhà thơ lớn, một đại thần dưới thời nhà Nguyễn: Nguyễn Công Trứ.

Chính mảnh đất nơi sinh ra "lưỡng triều tể tướng" (thân sinh của Nguyễn Du và anh cả của cụ đều là tể tướng triều đình) đã nuôi lớn Nguyễn Du và cả những dấu ấn khắc tạc vào tâm trí ông khi thế sự đổi thay mà ông chưa kịp đương đầu, đối phó vì lòng trung quân vốn có: ông không theo Quang Trung Nguyễn Huệ vì đã trót tôn thờ vua Lê. Cái tai họa "Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán" biến ông thành kẻ không nhà, ông từng nhập cuộc cùng Hồng Sơn liệp hộ (kẻ theo phường săn Hồng Lĩnh) hay "Nam Hải điếu đồ" (người thợ chài ở cửa biển Nam) đã phản ánh mối quan hệ thăng trầm của ông, gia tộc và quê hương ông đương thời. Đây cũng là thời kỳ mà con của một quan đại thần đã sống cuộc đời thôn giã như một cư dân bình thường của làng Tiên Điền vậy.

Về quan hệ giữa văn hóa Tiên Điền với các tác phẩm của Nguyễn Du cũng dễ dàng minh chứng:

Nguyễn Du từng viết "Thác lời trai phường nón" bày tỏ tâm tư của những người con trai phường nón Tiên Điền, Nghi Xuân với các cô gái phường vải Trường Lưu, Can Lộc nhờ ông am hiểu tường tận nghề làm nón ở Tiên Điền quê hương, hiểu được kỹ nghệ dệt vải của xứ Trường Lưu cách quê ông chừng 20 cây số. Ông gần gũi và nhập cuộc vào quan hệ kết giao giữa phường nón Tiên Điền với phường vải Trường Lưu (quê hương của Nguyễn Huy Tự). Nguyễn Du đã viết văn tế Trường Lưu nhị nữ (văn tế hai cô gái Trường Lưu), nhờ am hiểu sâu sắc cuộc đời, sinh hoạt của các cô gái nơi mảnh đất Trường Lưu thôn quê…

Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền thì mặc dù Nguyễn Du sinh ra tại dinh thự của tể tướng Nguyễn Nghiễm ở Hà Nội. Nhưng chỉ 10 năm sau thì Nguyễn Nghiễm mất, anh em lại phân tán theo nhiều hướng (một bộ phận ra cộng tác với Tây Sơn, Nguyễn Huệ, phần còn lại thì ẩn mình bất cộng tác, thậm chí có bộ phận theo Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn... Đây cũng là lý do mà dinh cơ của 2 tể tướng Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản ở Tiên Điền bị quân Tây Sơn phá tan hoang. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cũng cho biết rất rõ vào những năm 1792 - 1793 Nguyễn Du về ở lại Tiên Điền. Lúc này anh của ông là Nguyễn Nễ đã làm quan tại Viện cơ mật của nhà Tây Sơn ở Phú Xuân. Đây cũng là thời gian mà Nguyễn Du viết bài Ức gia huynh (nhớ anh) tặng Nguyễn Nễ, do các cụ dòng họ Nguyễn Tiên Điền lưu giữ và dịch nghĩa, dịch thơ, trong đó có mấy câu kết:

Chia tay chẳng biết về đâu nữa

Gặp mặt âu đành hẹn kiếp sau

Trời bể mịt mùng nghìn dặm thẳm

Trong mơ, hồn cũng khó tìm nhau

Về mảnh đất Tiên Điền, Nghi Xuân, theo cả Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền và Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diện thì Tiên Điền là trung tâm của Nghi Xuân bát cảnh (tám cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân) gồm: Hồng Sơn liệt trướng (bức màn lớn dãy Hồng Sơn); Đan Nhai quy phàm (cảnh thuyền về trên cửa bể Đan Nhai - cửa Hội, cửa Sông Lam bây giờ); Giang Đình cổ độ (bến đò Giang Đình xưa cạnh làng Tiên Điền); Song ngư hỷ thuỷ (hai hòn Song Ngư đùa vui với nước); Cồn Mộc bình sa (bãi cát phẳng, Cồn Mộc bên bờ Sông Lam thuộc đất xã Tiên Điền); Quả Phẩm thắng triền (chợ Quả Phẩm bên núi, ven sông); Uuyên Trường danh tự (chùa Uyên Trường nổi tiếng) và Cô Độc lâm bưu (ngọn núi Cô Độc hình con nghé).

Tám cảnh đẹp của Nghi Xuân đã được dân gian lưu truyền bằng 8 câu thơ:

Non Hồng tựa ngàn mây dài rộng,

Cửa Đan nhai buồm lộng, gió chầu,

Chùa Uyên non nước xinh yêu,

Làng xưa Cồn Mộc đất nhiều phù sa.

Chợ Quả Phẩm vào ra thuỷ bộ,

Bến Giang Đình vui thú ngược xuôi

Sông Ngư vùng vẫy bể khơi

Núi Cô Độc tựa nghê bơi giữa dòng

Tiên Điền là trung tâm của huyện Nghi Xuân. Trong 8 cảnh đẹp của huyện thì Cồn Mộc bình sa là bãi cát phẳng thuộc xã Tiên Điền. Bến Giang Đình là bến sông giáp ranh giữa Tiên Điền và Uy Viễn. Chùa Uyên Trường, chợ Quả Phẩm đều là những thắng cảnh cận kề làng quê Tiên Điền.

Chính quê hương bát cảnh đẹp này đã giúp Nguyễn Du có những câu Kiều tuyệt tác: Buồn trong cửa bề chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa… (từ cửa bể là phát âm của theo kiểu Nghi Xuân, Hà Tĩnh thay cho cửa biển theo kiểu Bắc; cửa bể chính là cửa Hội theo cách gọi của dân Tiên Điền, Nghi Xuân). Giữa Đan nhai quy phàm - cảnh thuyền về trên cửa bể Đan Nhai với thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa… phải chăng có sự trùng lặp lý thú của một cảnh đẹp của đất Nghi Xuân.

Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền còn ghi lại bài thơ Giang Đình biểu cảm ông viết khi về ở Tiên Điền để nhớ về người cha tể tướng của mình cùng với nhiều tâm sự được gửi gắm. Các cụ trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền dịch thơ như sau:

Cảm xúc ở bến Giang Đình

Nhớ thuở cha ta cáo lão về

Bến sông rộn rịp ngựa liền xe

Khúc sông cuộn sóng thuyền tiên lướt

Cánh hạc vờn mây lọng gấm che

Từ nếp xiêm y chìm khuất bến

Để sầu cây cỏ, ngập tràn đê

Trường An cùng trải nhiều dâu bể

Ngẫm cuộc trăm năm lắm não nề3

Đọc Truyện Kiều, ai cũng nhận thấy Nguyễn Du đã thấm nhuần triết lý đạo Phật. Quan niệm về cuộc đời của ông chịu ảnh hưởng rất lớn của nhân sinh quan Phật giáo. Ông từng quan niệm "đời là bể khổ", "tu là cõi phúc". Cuộc đời dâu bể chỉ là vô thường… Điều này cũng có ảnh hưởng từ tín ngưỡng đạo Phật của quê hương ông. Theo Nghi Xuân địa chí cũng như Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, thì mảnh đất Tiên Điền là nơi có rất nhiều chùa Phật nổi tiếng (mặc dù bây giờ bị tàn phá do quá nhiều binh hỏa): chùa Chân Trí, chùa Trường Ninh, chùa Hàn, am Bà Sư... Ngay cả cái tên thôn Bảo Kệ (bài kệ quý giá) thôn gốc của làng Tiên Điền, cũng đã phản ánh tín ngưỡng đạo Phật từng có rất sớm và phát triển ở Tiên Điền, Nghi Xuân... Gần đây, ở Nghi Xuân đã lập Thiền viện Trúc lâm Hồng Lĩnh (trụ sở đóng tại xã Xuân Viên - cách Tiên Điền chừng dăm km). Thiền Viện vừa được Chủ trì Đạo Tràng Bồ Đề - Hòa thượng Ma Nô - xứ Ấn Độ tặng Xá lợi Phật và 1 cây bồ đề chiết từ cây bồ đề gốc tại Đạo Tràng nhân dịp đoàn cán bộ huyện Nghi Xuân sang thăm Ấn Độ.

*

Trên đây là những điều thâu thái từ kiến thức hãy còn nông cạn của tôi, một con dân của Tiên Điền, nhằm minh chứng cho mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn hóa truyền thống làng Tiên Điền, dòng họ Nguyễn Tiên Điền đối với thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và đối với Truyện Kiều bất hủ của ông.

PGS.TS Nguyễn Quốc Phẩm - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

________

(1) Xem thêm Nguyễn Quốc Phẩm, Văn hóa làng Tiên Điền, truyền thống và hiện đại, Nxb CTQG, H.1998.

(2) Nguyễn Quốc Phẩm, Văn hóa làng Tiên Điền, truyền thống và hiện đại, Sđd, tr 19.

(3) Xem thêm Xuân Tiên Nguyễn tộc thế phổ, Bản mới lưu tại khu lưu niệm Nguyễn Du.


    Ý kiến bạn đọc