Sôi nổi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du
EmailPrintAa
10:14 14/12/2015

Sinh thờ Nguyễn Du từng băn khoăn “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Cái mốc 300 năm mà Nguyễn Du đưa ra chưa đến nhưng tấm lòng của hậu thế đối với Đại thi hào và những giá trị trong tác phẩm ông để lại cho đời, chắc chắn không chỉ 300 năm mà nghìn năm sau nữa, tên tuổi và tác phẩm của ông vẫn luôn toả sáng trong đời sống nhân loại.

Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức trong thời gian tới tại Hà Tĩnh là một sự kiện trọng đại có tầm Quốc gia, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm. Ngoài Hà Tĩnh là nơi diễn ra nhiều hoạt động lớn nhỏ liên quan đến Nguyễn Du và tác phẩm của ông thì tại Hà Nội và một số tỉnh khác cũng diễn ra nhiều hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học quốc tế cũng đã hướng về đại lễ này bằng những công trình nghiên cứu quan trọng. Điều này phản ánh biên độ tỏa sáng rất rộng của những giá trị trong tư tưởng Đại thi hào Nguyễn Du và các tác phẩm của ông, nhất là Truyện Kiều.

Vinh dự là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, ngay từ khi có kế hoạch về lễ kỷ niệm, huyện Nghi Xuân đã từng bước chuẩn bị cho các hoạt động hướng về danh nhân. Có thế nói, Nghi Xuân là đơn vị tổ chức sớm nhất và nhiều nhất các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm.Triển khai kế hoạch của tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân trích ngân sách và huy động nguồn vốn xã hội hoá gần 40 tỷ đồng xây dựng một số hạng mục, công trình như: Quảng trường trung tâm huyện, nâng cấp nhà văn hóa Nguyễn Du, cổng chào tuyên truyền bằng điện tử tại ngã ba Gia Lách, đoạn đường từ Gia Lách đi mộ Nguyễn Du. Ngoài việc phối hợp tổ chức các hoạt động của tỉnh, huyện Nghi Xuân còntổ chức 8 hoạt động nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Những hoạt động này nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng và văn hoá của Nguyễn Du và Truyện Kiều dựa trên các hoạt động biểu diễn các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của miền đất hát Nghi Xuân.

Trong khuôn khổ 8 hoạt động nghệ thuật nói trên, vòng sơ khảo cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều bằng hình thức sân khấu hóa ở Nghi Xuân đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng qua phần thi tài năng. Đây là phần thi thể hiện sinh động nhất tình yêu của học sinh đối với tác phẩm Truyện Kiều. Trong đó, những trích đoạn trò Kiều, hát ca trù bằng các đoạn thơ trong Truyện Kiều… được đầu tư kỹ lưỡng đã cuốn hút đông đảo khán giả. Điều này khẳng định, những giá trị xuyên thời đại trong tư tưởng của Nguyễn Du và sức hấp dẫn của Truyện Kiều đối với thế hệ trẻ trên quê hương của ông. Chị Trần Thị Cảnh -Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân cho biết: “Chỉ qua hoạt động này thôi đã cho thấy sức sống bền sâu của Truyện Kiều trong đời sống văn hoá của người dân Nghi Xuân. Thông qua việc tập luyện, biểu diễn và thưởng thức các trích đoạn trò Kiều, các em học sinh sẽ được tiếp nhận nhiều bài học giá trị để vận dụng vào cuộc sống của mình: đó là bài học về đạo hiếu, về tình yêu, về khát vọng tự do...”.

Trước đó, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du - Di sản và các giá trị xuyên thời đại” được tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp, với hơn 100 tham luận và 500 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới. Hội thảo được đánh giá là đã “mở ra giai đoạn mới trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, dịch thuật về Nguyễn Du không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đưa tình cảm của Nguyễn Du đến gần hơn với nhân loại”. Tại Hà Tĩnh, cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều” do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đã nhận được sự quan tâm, tham gia của hơn 20 vạn người trong và ngoài tỉnh. Điều đó khẳng định sức ảnh hưởng của Nguyễn Du và Truyện Kiều đã vượt lên mọi giới hạn không gian và thời gian, đã đi vào tình yêu của mọi tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền. Cuộc thi cũng đã góp phần nhân rộng phong trào đọc, tìm hiểu về Nguyễn Du và tác phẩm của ông nhất là Truyện Kiều trong giới trẻ.

Càng gần tới lễ kỷ niệm chính thức, các hoạt động càng nhiều và hấp dẫn công chúng. Trong các trường học trên toàn tỉnh, các hoạt động về Nguyễn Du đã và đang diễn ra sôi nổi. Xen giữa những hình thức thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngâm Kiều, bói Kiều, lẫy Kiều, hát dân ca Ví, Giặm nhằm thêm hiểu và yêu mến các giá trị xuyên thời đại qua các tác phẩm của Nguyễn Du, của văn hoá của quê hương. Cô Phan Hà - Chuyên viên phòng Trung học phổ thông, Sở Giáo dục &Đào tạo Hà Tĩnh cho biết: “Theo dòng các sự kiện hưởng ứng lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du của ngành giáo dục, tôi đã trực tiếp theo dõi nhiều hoạt động nghệ thuật của thầy và trò trên toàn tỉnh. Và điều khiến tôi vô cùng xúc động là Truyện Kiều đã thực sự quyện thấm vào tâm hồn các em học sinh bằng những hình thức diễn xướng sinh động trên sân khấu. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong dàn dựng kịch bản, chuẩn bị trang phục và đặc biệt là diễn xuất của các diễn viên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng. Theo tôi, đây là hoạt động rất bổ ích cần phát huy trong thời gian tới, bởi thông qua đó, học sinh sẽ cảm nhận đầy đủ hơn, sinh động hơn các chiều kích của tác phẩm văn học trong nhà trường”.

Vừa qua, Hội thảo khoa học “Nguyễn Du và Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh” được tổ chức tại Hà Tĩnh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài tỉnh. Với 40 tham luận, hội thảo đã mang đến cái nhìn 2 chiều: Nguyễn Du và quê hương Hà Tĩnh và Hà Tĩnh với Nguyễn Du đồng thời đem đến những nhận định với về sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du.

Bên cạnh những hoạt động trên, trong suốt thời gian qua, hoạt động tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện, tạo khí thế sôi nổi hướng về lễ kỷ niệm. Ngoài việc treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tại các tuyến đường chính, các khu trung tâm, nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức các buổi nói chuyện về chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tạp chí, bản tin trong tỉnh, các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện thường xuyên có các tin, bài tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du, các giá trị của tác phẩm Truyện Kiều và những hoạt động hướng tới chào mừng lễ kỷ niệm. Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh đang tiến hành chiếu phim tài liệu về Nguyễn Du và phim truyện “Long thành cầm giả ca” tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu thực tế của đông đảo nhân dân, nhất là ở các huyện miền núi, miền biển. Ngày 28/11/2015, Huyện Nghi Xuân đã khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du” với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: chung kết cuộc thi “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều” bằng hình thức sân khấu hóa; khai trương phòng trưng bày “Di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều”; liên hoan nghệ thuật quần chúng Đàn và hát dân ca khu vực đồng bằng Bắc Trung bộ và châu thổ sông Hồng; biểu diễn Trò Kiều; đêm thơ, nhạc; phát hành bộ tem “Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du”; trưng bày 150 bức tranh sơn dầu tấm lớn minh họa Truyện Kiều và các bản Kiều qua các thời kỳ, bản dịch Truyện Kiều ra nhiều tiếng nước ngoài…

Cũng trong ngày 28/11, Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền và con cháu họ Trần quê ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du ở Từ Sơn, Bắc Ninh, các họ Nguyễn Đại tôn ở TP Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… và con cháu dòng họ Nguyễn đang công tác trên mọi miền Tổ quốc đã làm lễ tế tổ Đại tôn dòng họ Nguyễn Tiên Điền tại nhà thờ cụ Nguyễn Nghiễm (ở xã Tiên Điền - cách Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du khoảng 500m).

Sáng 29/11, tại Khu lưu niệm Nguyễn Du, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi báo tường về “Thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”. Sau hơn 2 tháng triển khai Cuộc thi báo tường về “Thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”, Ban Tổ chức đã nhận được 567 tờ báo tường tham gia dự thi từ 204 đơn vị trong các trường học, trung tâm giáo dục trên địa bàn.Nhiều tờ báo tường được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức như: “Tiếng thơ ai động đất trời” của Trường THCS Đại Nài (TP.Hà Tĩnh), “Bóng thi nhân” của Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân), “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du” của Trường THPT Hàm Nghi... Nhiều đoàn trường còn sử dụng âm nhạc, máy ipad gắn lên tờ báo để minh họa cho tờ báo tường thêm sinh động.Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt văn hóa quan trọng và có ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ đoàn viên, thanh niên và đội viên nhi đồng về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.

Chiều 30/11, tại Khu lưu niệm Nguyễn Du, Sở VH-TT&DL tổ chức khai trương phòng trưng bày “Di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều”.Phòng trưng bày triển lãm gồm tập hợp các tác phẩm tiêu biểu di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều; hình ảnh hiện vật di chỉ khảo cổ Phôi Phối – Bãi Cọi, mộc bản Trường Lưu và các tác phẩm văn phái Hồng Sơn; truyền thống lịch sử văn hóa và thành tựu KT-XH của Hà Tĩnh.

Phòng trưng bày trên 1.000 tác phẩm, tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trong đó có hơn 600 tác phẩm, tài liệu khoa học, luận văn, luận án, hiện vật và sách báo tiêu biểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều; trên 150 đầu sách quý được số hóa, các hiện vật gốc về dòng họ và quê hương Nguyễn Du; trên 150 bức tranh sơn dầu phóng tác minh họa truyện Kiều được trưng bày theo chủ đề nội dung.Đặc biệt, trưng bày 20 bộ tranh minh hoạ Truyện Kiều trên chất liệu giấy dó đã được trưng bày tại Hà Nội nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, 24 tài liệu giấy bản giá trị, 15 đầu sách Truyện Kiều được dịch sang tiếng nước ngoài và nhiều tại liệu quý giá khác.

Với những hoạt động hướng tới vừa sôi nổi, vừa sâu sắc đó, tin tưởng Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) diễn ra vào đầu tháng 12 tới sẽ diễn ra thành công, trọn vẹn. Và linh hồn thi nhân nơi chín suối chắc chắn sẽ ngậm cười mãn nguyện.

 Bài, ảnh: Anh Hoài


    Ý kiến bạn đọc