Truyện Kiều với giá trị không gian diễn xướng
EmailPrintAa
10:10 14/12/2015

Từ giữa thế kỷ XIX đến nay nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, các nhà văn nhà thơ, các nho sĩ trí thức, nghệ nhân, nghệ sĩ trong nước và cả nước ngoài đã đánh giá, ca ngợi tài lực văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du và giá trị Truyện Kiều trong văn đàn thi ca Việt Nam.

Minh Mệnh, một nhà vua hào hoa yêu thích mến mộ văn chương, năm 1830 cũng đã mở văn đàn ngâm vịnh, phẩm bình truyện Kiều và sai các quan ở Hàn Lâm viện chép lại bài phẩm bình có giá trị lưu lại cho đời sau.

Người dân quê tôi trước đây, quê hương của cụ Nguyễn Du lại ghi nhớ ca ngợi công lao và giá trị văn chương của cụ một cách tưởng chừng như đơn giản, ngắn gọn, nhưng thực là sâu sắc tinh tế, hết sức trân trọng mà lại gần gũi, tình cảm. Đó là dân làng cũng như các cụ cao niên và con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền không gọi Đại thi hào Nguyễn Du là: cậu Chiêu Bảy, ông Tố Như, quan Cần Chánh Đại học sĩ, hoặc là quan Hầu Tham tri Bộ lễ, mà gọi cụ là: “Quan Thúy Kiều”. Thúy Kiều là truyện Kiều, họ nâng tầm truyện Kiều lên hàng quan và gắn cho cụ cái tên đó để vừa trân trọng cụ, trân trọng truyện Kiều, thật là thân thiện và khó quên. Từ đường nơi thờ cụ trước đây cũng gọi là đền thờ quan Thúy Kiều. Người đời sau còn phát hiện thêm chính Thúy Kiều là một nhân vật cũng đáng được tôn thờ. Vâng! Quan Thúy Kiều là cụ Nguyễn Du, cũng như cụ Nguyễn Công Trứ, dân làng con cháu không gọi cụ là cụ Trứ, là tướng công Uy Viễn, hoặc là quan Tổng đốc, quan Dinh điền sứ, hoặc là Dinh bình hầu Uy Viễn tướng công mà họ trân trọng gọi cụ là: “Cố lớn Uy Viễn”. Đó là những nét mộc mạc đơn giản không phô trương chức tước nhưng lại có ý nghĩa trân trọng sâu sắc đậm đà bản sắc của văn hóa làng xã quê tôi trước đây.

Nhân kỷ niệm 250 năm sinh của Người, thân thế sự nghiệp và giá trị Truyện Kiều lại được các tổ chức, các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, văn học nghệ thuật nhớ đến để tiếp tục phát hiện phẩm bình những giá trị mới của Truyện Kiều và di sản văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du. Là một người gần gũi với sân khấu quần chúng và sân khấu chuyên nghiệp, tôi thấy truyện Kiều vẫn có một giá trị rất thiết thực với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đó là: “Truyện Kiều với giá trị không gian diễn xướng”

Trong kho tàng văn học nước nhà có nhiều truyện thơ (lục bát, song thất lục bát) được chuyển thể sang nhiều những loại hình diễn ca, diễn xướng như truyện Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Cúc Hoa,Thoại Khanh Châu Tuấn, Tấm Cám, Nhị Đỗ Mai, Quan Âm Thị Kính, Thạch Sanh, Lưu Bình  Dương Lễ, Lục Vân Tiên, Trầu cau… Nhưng một tác phẩm được chuyển thể sang nhiều loại hình diễn ca diễn xướng của nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng, thì đó là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.

Theo nhà sưu tầm biên soạn Phạm Đan Quế thì các bản đờn tranh và các bài ca của Phụng Hoàng Sang chuyển thể từ Truyện Kiều đã xuất bản tại Sài Gòn từ trước những năm 1909. Các bài ca tài tử, tứ tài tử của Đặng Nhiều Hơn và Đinh Thái Sơn, các bài ca lục tài tử của Đặng Tiền Thân cũng đã xuất bản ở Sài Gòn từ những năm 1915 thế kỷ XX. Trên tờ báo Gia Định số 52 ngày 29 tháng 12 năm 1896, có bài quảng cáo cho sách xuất bản đầu năm 1897, nguyên văn như sau:

Nhà in bán sách mới lập của ông Claude và Công ty đường Catinat số 99. Tuồng - Kim Vân - Kiều - Lãm Túy Hiên truyện, thế tải Trương Minh Ký, kỉnh lục ra Quốc Ngữ rõ ràng theo y bổn của quan Ngụy Công (thám ba)”, tức là Hoàng giáp tiến sĩ Ngụy Khắc Đản. Ông người xã Xuân Viên cùng huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với cụ Nguyễn Du; sinh năm 1817 và mất năm 1872; thi đỗ hạng thứ 3 Đệ nhất giáp. Ông chuyển thể truyện Kiều sang tuồng Kiều khi đang làm án sát sứ Quảng Nam. Năm Tự Đức 16 (1863), ông được cử sang Pháp với ông Phan Thanh Giản và Phan Phú Thứ. Sau khi về nước được lãnh chức: “Hữu Tham tri Bộ hộ, rồi Thượng thư Bộ binh”. Nhờ lời văn đối sách có nhiều thiết thực được nhà vua khen ngợi và trao chức Tham biện ở Cơ mật viện. Các đoàn tuồng ở xứ Quảng ngày trước thường sử dụng kịch bản chuyển thể của ông.

Dựa vào thông tin trên có thể rút ra kết luận: Truyện Kiều đã được chuyển thể sang kịch bản sân khấu tuồng vào giữa thế kỷ thứ XIX. Nghĩa là sau khi cụ Nguyễn Du mất khoảng 30 năm. Tiếp đến các bản tuồng, cải lương Kim Vân Kiều cũng được in, giàn dựng biểu diễn tại Hà Nội, Hải Phòng đầu những năm 1930.

Theo kể lại của đạo diễn sân khấu nghệ sĩ Hoàng Em, thì rạp tuồng ông Ba Dịu tại thành phố Vinh, Nghệ An trước những năm 1930 cũng đã diễn tuồng Kim Vân Kiều. Ông Ba Dịu là cụ thân sinh đạo diễn Hoàng Em, nguyên là Hiệu phó Trường VHNT Việt Bắc, sau là Hiệu phó Trường múa Việt Nam. Anh ông là ông Hoàng Anh, nguyên Trưởng đoàn cải lương Hải Phòng

Như vậy, không gian diễn xướng Truyện Kiều với bộ môn đờn ca tài tử cải lương và tuồng đã xuất hiện trên sân khấu Bắc Trung Nam từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Hòa bình lập lại (1954), các đoàn nghệ thuật Trung ương như Chuông Vàng, Kim Phụng đều diễn tích truyện Kiều. Đoàn cải lương Nghệ Tĩnh sau những năm 1980 mới dàn dựng và biểu diễn trong nhiều năm liền.

Theo tài liệu sưu tầm của ông Trần Việt Ngữ, nhà hát chèo Trung ương trong đợt đi sưu tầm: “Chèo Cố Chiếng - Thanh Nghệ” năm 1969. Ông Viết: Ông và ông Nguyễn Trung Phong, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh đã cùng đi sưu tầm và đã gặp lão nghệ nhân Nguyễn Đình Chiêm - người thôn Trung Phường, xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An. Ông Chiêm đọc và viết được Hán Nôm. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã từng theo phường hát cụ Nhì Am trong vùng từ những năm 1915 - 1927 và tiếp theo 1934 - 1942, đã từng đóng vai Kim Trọng, Thúc Sinh được dân đương thời khen là có tinh thần. Ông đã hai lần cung cấp kịch bản trò Kiều cho nhà hát chèo Trung ương. Nội dung kịch bản 2 lần không có gì khác nhau, nhưng việc phân chia lớp lang, màn hồi thì có khác nhau. Kịch bản cụ cung cấp năm 1964 toàn tấn trò chỉ có 3 hồi và diễn trong 3 đêm là kết tấn. Kịch bản cung cấp cho ông Trần Việt Ngữ (1969) lại phân chia làm 4 hồi diễn 4 đêm mới hết tích trò.

Theo cố đạo diễn Cao Danh Giá, người Diễn Hoa - Diễn Châu, nguyên Trưởng đoàn chèo Nghệ An thì các huyện Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa đã có nhiều đội trò. Trước những năm 1920, huyện Diễn Châu, qua các cuộc thi có nhiều đội xuất sắc như đội trò Diễn Minh, Diễn Hoa, Diễn Yên, Diễn Hồng… Hầu hết, các đội trò hàng năm đến các dịp lễ tết hội làng lại dựng rạp lên diễn trò nhiều đêm liền. Lên 16, 17 tuổi, ông đã tham gia đội trò của làng. Ông nói vui: “Trò vè ngày trước may ra được dăm ba miếng lúc diễn, còn thôi diễn là khô môi. Thế mà làng kêu là đi suốt không tính toan gì đến việc nhà…”. So với dân quê tôi, khi làng có đội trò thì điều ông nói trở nên rất thật. Với diễn viên đội trò ngày đó, vì may không có phụ nữ tham gia hát xướng nên các bà mà có máu “chị Hoạn” cũng rất vô tư cho chồng con đi theo phường bạn, chẳng tính toan gì đến đoạn cơm gạo và so kè hơn thiệt. Ca ngợi phong trào văn hóa của quê hương, cố đạo diễn nói: “Diễn - Yên - Quỳnh không chỉ là vùng lúa, vùng màu của Nghệ An, mà còn là vùng diễn xướng trò Kiều của xứ Nghệ trước cách mạng tháng 8 - 1945.”

Như vậy, không gian diễn xướng trò Kiều của phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng xuất hiện đầu tiên thuộc vùng Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa. Một điều giống nhau giữa các vùng miền là các vai diễn: Vân, Kiều, Tú Bà, Hoạn Thư đều do phái “mày râu” xâu lỗ tai để sắm vai. Về sau vai Hoạn Thư lác đác có đội trò là nữ sắm vai. Nhận định sự xuất phát đầu tiên của không gian diễn xướng trò Kiều ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân - Hà Tĩnh đều thừa nhận: Trò Kiều, chèo Kiều là do người Đằng ngoài vào làm ăn rồi lập phường hát. Người Hà Tĩnh gọi người Đằng ngoài là cư dân từ vùng Nghi Lộc - Nghệ An đến các huyện phía Nam Thanh Hóa, xa hơn nữa là người Bắc Kỳ.

Theo tư liệu nhạc sĩ Lê Hàm, nguyên Trưởng đoàn Kịch thơ Hà Tĩnh sưu tầm cung cấp, tại Kỳ Anh trước những năm 1930 đã có người đàng ngoài vào buôn bán, rồi lập phường hát chèo Kiều. Đọc các tư liệu Kim Vân Kiều diễn ca thì thấy ở Kỳ Anh là nơi trò Kiều gọi là chèo Kiều. Ở Diễn Châu sau này các cụ lại cho Kim Vân Kiều diễn ca là tuồng pha chèo nên gọi là Trò. Ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh cũng gọi là Trò. Hát trò nghĩa là có hát, có diễn và có làm trò vui. Còn các huyện Bắc Quảng Bình lại gọi là hát Kiều. Nhạc sĩ Lê Hàm còn cho biết ở Kỳ Anh, nhiều xã có đội chèo như Kỳ Văn, Kỳ Bắc, Kỳ Châu, Kỳ Long, Kỳ Tân, Kỳ Thư, Kỳ Ninh… Riêng đội chèo xã Kỳ Châu thành lập muộn hơn (năm 1954) đến năm 1962 rời rạc rồi tan rã vì chiến tranh. Theo cụ Hòa đội trưởng: Đội chèo Kiều xã Kỳ Châu không phải do người Bắc thành lập mà do Cố Cháu Mính, người Nhà Chàng tức là làng rèn Trung Lương, huyện Đức Thọ vào Kỳ Anh làm ăn rồi thành lập đội chèo của làng. Điều này chứng tỏ, trò Kiều xuất hiện ở Đức Thọ - Hà Tĩnh khá sớm, có thể cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Xin trích câu viết của nhạc sĩ Lê Hàm: “Theo cụ Cương, khi cụ 10 tuổi, năm nay (1964) cụ đã 72 tuổi ở Kỳ Anh đã có chèo Kiều” . Như vậy,  khoảng 1902 chèo Kiều đã vào đất Đức Thọ, sau đó mới đến đất Kỳ Anh - Hà Tĩnh.

Trò Kiều về với quê hương tác giả Truyện Kiều, điều chắc chắn trò Kiều về làng Tiên Điền chậm muộn hơn so với nhiều vùng của 6 tỉnh Bắc Miền Trung (Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên), nghĩa là về thời gian, phải đến gần 100 năm sau khi cụ Nguyễn Du qua đời (1820). Người đón thầy trò về làng là 4 anh em người họ Trần, xóm làng Tiền, xã Tiên Điền (nay là thôn An Mỹ). Đó là các ông Trần Văn Thiều, Trần Văn Ân, Trần Văn Lan và Trần Văn Nguyệt. Nếu các cụ còn sống thì năm nay đã khoảng 120 tuổi. Khác với các  hoạt động văn nghệ khác, đội trò của làng hễ nổi trống lên, bất phân ngày đêm, tập hay diễn dân làng đều tụ tập đến xem. Dân mê trò Kiều đến nỗi hầu như khán giả nhiều người thuộc lòng nhiều vai diễn hơn cả diễn viên. Cũng nhờ thế mà kịch bản trò Kiều lưu truyền tồn tại lâu trong dân gian. Khi Nghi Xuân khôi phục trò Kiều năm 2000, Phòng Văn hóa  - Thông tin huyện đi sưu tầm kịch bản gốc và phong trào xây dựng đội trò trước đây của các vùng miền, mới thấy được nhiều điều lý thú về tình cảm của nhân dân mến mộ trò Kiều trong một thời gian dài và trên nhiều vùng miền rộng lớn. Hồi đó huyện Nghi Xuân chỉ có 6 xã: Tiên Điền, Xuân Mĩ, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Liên, sau này có Xuân Lĩnh là những xã có đội trò Kiều. Còn các huyện Diễn Châu ,Yên Thành - Nghệ An; Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc - Hà Tĩnh, mỗi huyện ít nhất cũng phải có từ 10 đến 15 xã có đội hát diễn trò Kim Vân Kiều. Phong trào hát trò Kiều  đến thời gian chống Pháp, chống Mỹ mới rời rạc rồi tan rã dần. Gần đây, chỉ còn khôi phục được 2 đội trò Tiên Điền, Xuân Liên huyện Nghi Xuân và đội hát Kiều của huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Nhưng lại xuất hiện kịch nói, kịch Opera, kịch dân ca, kịch hình thể, diễn tích Truyện Kiều, tất nhiên phần lớn chỉ là diễn trích đoạn.

Khi đi tìm hiểu phong trào diễn xướng trò Kiều ở Diễn Châu và một số địa phương thuộc 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh, các cụ cho biết tình cảm mến mộ trò Kiều của nhân dân thời đó thật đáng trân trọng. Các cụ nói: “Ý thức dân ta hồi đó hay lắm, lạ lắm và cũng quý lắm. Có người thuộc làu cả tấn trò, thậm chí hát còn rất hay. Thế mà khi làng tập trò, diễn trò họ vẫn đi xem. Theo các cụ, họ đi  là để xem các vai mới thay và đội trò năm sau diễn, hát có hay hơn những năm trước không? Nếu hay hơn thì họ khen, họ thưởng, nếu dở thì họ góp ý chân tình. Thậm chí có người sau đêm diễn đến tận nhà các vai diễn để động viên, góp ý, chỉ vẽ chỗ đúng, chỗ sai cho các vai diễn. Như vậy, không gian mến mộ trò Kiều không chỉ làng Tiên Điền quê hương cụ Nguyễn mà còn nhiều vùng miền yêu mến truyện Kiều và chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật diễn ca, diễn xướng trên phạm vi cả nước.

Năm 2000, phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân nhận được một băng ghi hình của đội hát Kiều huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Người xem quê tôi thật sự xúc động vì đội ngũ diễn viên diễn xướng đều đã tuổi ngoài 70 - 80. Nghe nói xã Thạch Đồng, huyện Thạch Hà gần đây cũng có đội trò diễn tích Truyện Kiều. Tôi viết bài này khi chưa có dịp đi tìm hiểu kỹ và giới thiệu không gian đờn ca tài tử Truyện Kiều của các tỉnh miền Nam. Phải nói không gian diễn xướng Truyện Kiều có một phạm vi rộng trên cả 3 miền đất nước. Đó là chưa đề cập đến hoạt động của các nhà hát, các đoàn tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch hát chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Lý do không gian diễn xướng Truyện Kiều rộng khắp như vậy là vì Truyện Kiều, một kiệt tác văn chương trong bầu trời thi ca Việt Nam được nhân dân mọi miền yêu mến trân trọng.

Ngày nay phong trào diễn ca, diễn xướng trò Kim Vân Kiều lắng xuống và không gian thu hẹp lại, phải chăng tình cảm với Truyện Kiều của dân ta phai nhạt dần hoặc vì lý do chúng ta nhập vào quá nhiều phim ảnh hải ngoại? Là một người một thời làm công tác văn hóa nghệ thuật quần chúng, tôi nghĩ không hoàn toàn hẳn như thế. Không thể đổ lỗi cho phim ảnh nước ngoài. Bởi lẽ nhân dân ta rất tự hào, mến mộ và coi trọng những sản phẩm tinh thần của chính mình, của cộng đồng mình tạo nên. Ngày nay, nhà nào cũng có tivi, radio, nhưng hễ đội văn nghệ của thôn, xóm, phường, xã tổ chức diễn văn nghệ là Nhân dân vẫn kéo về xem đông nghịt. Cụm từ dân gian: “cây nhà, lá vườn” vẫn là sở thích về những hoạt động văn hóa, thể thao của Nhân dân ta. Năm 2000, khi khôi phục trò Kiều cho 2 xã Tiên Điền và Xuân Liên huyện Nghi Xuân, chúng tôi thấy đêm tập nào cũng có dân đến xem và ủng hộ tiền cho đội trò của làng. Có điều công tác tổ chức chỉ đạo của những người có trách nhiệm đâu đó vẫn còn trì trệ chưa quan tâm thường xuyên.

Kỳ vọng trong tương lai Truyện Kiều sẽ được các cấp, các ngành, các hiệp hội, các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng thành một bộ phim dài nhiều tập. Kỳ vọng đó cũng là ước mơ tôn vinh, quảng bá giá trị Truyện Kiều được tồn tại trên một loại hình nghệ thuật tổng hợp hiện đại nhất, để chứng tỏ Truyện Kiều có giá trị bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của đất nước, của dân tộc, của Nhân dân Việt Nam.

Nghệ nhân dân gian, soạn giả Nguyễn Ban


    Ý kiến bạn đọc