Công tác thi đua, khen thưởng là mục tiêu và động lực của sự phát triển
EmailPrintAa
15:37 06/06/2016

Ngày 11/6/1948, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Phong trào thi đua yêu nước do Người khởi xướng và lãnh đạo từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã nhanh chóng phát triển thành phong trào sâu rộng, liên tục qua nhiều thập kỷ và từng giai đoạn lịch sử của đất nước. “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.

Thực tiễn trong mấy chục năm qua, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, đặc biệt sau khi Quốc hội ban hành Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2005, năm 2013, hệ thống văn bản hướng dẫn và bộ máy làm công tác công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn chỉnh, kiện toàn. Qua đó, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh từng bước đi vào nền nếp, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh nhà.

 Thời gian qua, nhiều phong trào thi đua được triển khai tích cực, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như phong trào: “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào thi đua “Hai tốt” trong ngành Giáo dục - Đào tạo; phong trào “Thực hiện 12 điều Y đức” trong ngành Y tế; phong trào “Xây dựng đơn vị văn hóa, công sở văn minh”, hay Chiến dịch truyền thông dân số, Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình... Các phong trào thi đua được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp với đặc điểm, điều kiện và nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng thực hiện kịp thời, đã động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mọi cơ quan, đơn vị. Trong 02 năm (2014, 2015), Hà Tĩnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân Chương các loại cho 151 tập thể, cá nhân; tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 1.286 Bà mẹ; danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” cho 11 tập thể, cá nhân và 27 danh hiệu vinh dự nhà nước khác. Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 17 tập thể, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 01 cá nhân; tặng Bằng khen cho 179 tập thể, cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua UBND tỉnh cho 130 tập thể; danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc cho 1.002 tập thể; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 51 cá nhân, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 3.201 tập thể, cá nhân. Đặc biệt năm 2015, Hà Tĩnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”..

Các phong trào thi đua và công tác khen thưởng được phát động, triển khai đã cổ vũ, động viên được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các mặt công tác. Vì vậy, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả toàn diện, đồng đều trên các lĩnh vực và địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tạo đà, thế và lực mới tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tuy vậy, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua chưa đồng đều, một số phong trào thiếu chiều sâu, chưa thực sự đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức. Việc tổ chức kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời. Việc thẩm định hồ sơ khen thưởng ở một số cơ địa phương, đơn vị chưa bám sát các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, việc đề nghị khen thưởng cấp tỉnh, cấp nhà nước cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác… còn hạn chế về số lượng, khen thưởng thông qua việc phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các địa phương, đơn vị…

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”.  Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, trước những thời cơ, thuận lợi mới và những thách thức mới công tác thi đua, khen thưởng càng có vị trí hết sức quan trọng; để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là mục tiêu và động lực của sự phát triển, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường phổ biến Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn về thi đua, khen thưởng; gắn công tác thi đua, khen thưởng với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đẩy mạnh phong trào thi đua chào mừng thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; chào mừng các ngày lễ lớn, thi đua thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng; phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tạo thêm động lực để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực, tự giác tham gia phong trào thi đua yêu nước. Nêu cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; người làm công tác thi đua, khen thưởng ngoài yêu cầu vừa hồng vừa chuyên, cần có lòng nhiệt tình, hăng say, sâu sát trong công việc và phải có năng lực tổ chức thực hiện phong trào. Việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, hình thức và đảm bảo kịp thời, qua đó để động viên, khích lệ phong trào

Thứ ba, phong trào thi đua phải có chủ đề ngắn gọn dễ nhớ; mục đích, ý nghĩa, nội dung, tiêu chí, hình thức, phương pháp và có định hướng thiết thực, cụ thể, rõ ràng; càng thiết thực, cụ thể hiệu quả càng cao; kiên quyết chống bệnh hô hào, hình thức; gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần đi liền với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời. Cách thức tổ chức phong trào thi đua có chiều sâu, có tính sáng tạo, khoa học, linh hoạt, phong trào luôn gắn với cơ sở, xuất phát từ cơ sở. Việc tổ chức, chỉ đạo tốt hơn thông qua việc rút ra bài học từ cơ sở, việc thẩm định thành tích trực tiếp từ cơ sở không chỉ nghe báo cáo thành tích.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết tổng kết phong trào thi đua, nhằm đánh giá đúng hiệu quả của phong trào, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để nhân rộng. Thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét thi đua, tạo mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng, để thi đua thực sự là động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh là cơ sở để thực hiện công tác khen thưởng. Khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu “động viên, giáo dục, nêu gương” trong quần chúng nhân dân.

Thứ năm, quan tâm hoàn thiện bộ máy, bộ phận làm công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng để đảm bảo công tác tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả; tiến hành tốt việc sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng trong nhân dân. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.  

Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ tổ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích. Làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức tôn vinh các danh hiệu và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp; các tập thể, cá nhân được khen thưởng đảm bảo quy định, được dư luận đồng tình, phải có sức lan tỏa; phải giữ vững, đồng thời phát huy để đạt được những thành tích cao hơn, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực trong toàn xã hội.      

Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cơ quan truyền thông phải thường xuyên dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt; các địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể tổ chức bồi dưỡng và tạo điều kiện để các điển hình được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến.

Để thi đua, khen thưởng thật sự “là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới” như Bác Hồ từng căn dặn, công tác thi đua, khen thưởng phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng; trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyễn Văn Tuần

              Phó Giám đốc Sở Nội vụ,

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh


    Ý kiến bạn đọc