Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống
EmailPrintAa
11:01 07/06/2016

Trích bài phát biểu kết luận của đồng chí Lê Đình Sơn - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị cán bộ cốt cán học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng dành cho cán bộ cốt cán toàn tỉnh đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Đây là hội nghị có ý nghĩa mở đầu cho đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Tại hội nghị, các đồng chí đã được nghe 3 chuyên đề do các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ phụ trách trên các lĩnh vực trực tiếp báo cáo những nội dung cốt lõi và những vấn đề mới của Nghị quyết Đại  hội XII của Đảng; nghe Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kế hoạch triển khai Nghị quyết.

Sau hội nghị tại tỉnh, đề nghị các đảng bộ tổ chức tốt nội dung thảo luận ở các đảng bộ, hội nghị thảo luận phải do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách và đồng chí Bí thư cấp ủy chủ trì. Quá trình thảo luận Nghị quyết phải gắn với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Sau thảo luận, phải viết bài thu hoạch theo câu hỏi đã gửi, yêu cầu các bài thu hoạch phải đề cập sâu tới lĩnh vực, địa bàn của từng đồng chí được phân công phụ trách, có nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tránh chung chung hay sao chép tài liệu.

Các đồng chí Bí thư cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đầy đủ, nghiêm túc. Không vì các công việc khác mà tổ chức thảo luận, viết bài thu hoạch không đạt yêu cầu. Quá trình tổ chức Hội nghị học tập cần phải sắp xếp thời gian hợp lý để các đồng chí giảng viên truyền đạt, đi sâu phân tích các vấn đề mới, cốt lõi và liên hệ thực tiễn của địa phương, đơn vị. Đồng chí Bí thư cấp ủy phải là người trực tiếp quán triệt Nghị quyết. Đây là một việc rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Khi truyền giảng, đồng chí Bí thư cấp ủy có điều kiện nghiền ngẫm, nghiên cứu kỹ Nghị quyết và vận dụng nghị quyết phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị mình, từ đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được các nội dung được nêu trong Nghị quyết.

Theo kế hoạch, thời gian quán triệt Nghị quyết ở cấp huyện và tương đương hoàn thành trước 25/6/2016; ở các đảng bộ, chi bộ cơ sở là trước 30/7/2016, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể hoàn thành trước 10/8/2016. Tài liệu phục vụ học tập gồm 5 quyển. Ở mỗi cấp, các địa phương, đơn vị đều triển khai 3 chuyên đề, 1 chỉ thị, 1 chương trình hành động và kế hoạch triển khai.

Có thể khái quát một số nội dung cơ bản trong từng chuyên đề như sau:

 Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công rất tốt đẹp. Công tác nhân sự và nội dung Báo cáo chính trị được chuẩn bị rất công phu. Trong Báo cáo chính trị thể hiện cô đọng những nội dung về đánh giá tình hình, xác định tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp lớn trong 5 năm tới trên tất cả các lĩnh vực. Nội dung Báo cáo chính trị là sự kết tinh trí tuệ, đúc kết từ 5 năm thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ và 30 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới. Nhiều bài học có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống thực tiễn. Như: bài học kiên trì và sáng tạo, bài học “dân là gốc”. Chúng ta khẳng định sức mạnh của nhân dân là vô cùng quan trọng. Khi dân đồng thuận thì việc gì cũng có thể làm được, trở thành sức mạnh vô biên. Hoặc một nội dung rất quan trọng từ Đại hội XI đã xác định đó là xem kinh tế là trung tâm, đến Đại hội XII xác định kinh tế - xã hội là trung tâm. Trong xã hội gồm có: an sinh xã hội, môi trường, văn hóa... Kỳ Đại hội trước kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, quốc phòng - an ninh tách rời, nhưng nhiệm kỳ qua đã thể hiện có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Để thể hiện rõ quan điểm, mọi việc làm, mọi chủ trương, mọi đề án phải gắn với quốc phòng - an ninh, như vậy mới gắn với nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh trật tự...

Về “Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đây là cốt lõi của công tác xây dựng Đảng. Muốn Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thì phải trong sạch vững mạnh và muốn trong sạch vững mạnh thì phải kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Trong xây dựng Đảng hiện nay, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế là một nội dung hết sức quan trọng trong chương trình toàn khóa của Trung ương Đảng. Vì vậy, trong quá trình học tập, quán triệt cần phải có liên hệ, so sánh, đối chiếu; chỉ ra những việc chúng ta đã làm được, những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục và quan trọng nhất là đề xuất phương án, giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm  2016 - 2020 đã phân tích đầy đủ, chi tiết về những thành quả về kinh tế - xã hội mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phấn đấu đạt được trong 5 năm qua. Trên cơ sở học tập, nghiên cứu, cần phân tích, làm rõ mối tương quan các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với của tỉnh và của từng địa phương, từ đó soi vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thật cụ thể.

Ở nội dung này, cần lưu ý đến khái niệm kinh tế thị trường và thực tiễn giai đoạn hiện nay. Kinh tế thị trường chúng ta đi đúng định hướng nhưng tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, tình hình cụ thể của đất nước để vận hành. Kinh tế tư nhân là một động lực, kinh tế thị trường là yếu tố giải phóng sức sản xuất. Đây là những vấn đề rất căn cơ, căn bản. Nguồn lực của Nhà nước thì càng ngày càng ít, nên phải cơ cấu lại để huy động tối đa các nguồn lực xã hội.

Theo thông báo 5 năm 2016 - 2020, đầu tư trung hạn của tỉnh 19,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 10% so với nhu cầu đề xuất ban đầu là 150 nghìn tỷ. Toàn bộ nguồn đầu tư trung hạn của cả tỉnh phải ưu tiên trả nợ, khối lượng hoàn thành, xem xét trong công trình chuyển tiếp. Đối với các công trình làm mới phải chú trọng xã hội hóa, kêu gọi đầu tư của các tập đoàn kinh tế tư nhân... Ngoài ra, cần lưu ý đến Kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải cạnh tranh bình đẳng với nhau, đó là sự cần thiết để bản thân doanh nghiệp đổi mới, Nhà nước chỉ hoạch định, ban hành cơ chế, chính sách. Thời gian qua, chỉ số CPI của tỉnh đạt thấp so với cả nước. Để khắc phục được vấn đề này, chúng ta phải hành động, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân. Đây là động lực, là tiềm năng rất lớn mà chúng ta phải ưu tiên…

Đối với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, nghiền ngẫm, triển khai thực hiện để đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo triển khai. Chỉ thị 05 đặc biệt chú trọng đến việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, theo phương châm: “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể...”, đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước để thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp... Các địa phương, đơn vị phải tổ chức quán triệt Chỉ thị nghiêm túc, sâu sắc trong toàn Đảng bộ. Đây là một trong những nội dung quan trọng để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Đối với Chương trình hành động là việc làm cụ thể để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Việc xây dựng chương trình hành động phải sát với từng địa phương, đơn vị, địa bàn. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động cá nhân thực hiện Nghị quyết Đại hội XII phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện chương trình hành động của tập thể, kế hoạch hành động của cá nhân là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, đánh giá tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu hằng năm và cả nhiệm kỳ. Hạn chế lớn nhất hiện nay, Đảng ta ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhưng có nhiều nội dung chưa thấm sâu vào cuộc sống, hoặc vào còn chậm. Trong quá trình triển khai các nghị quyết vừa qua, có thể thấy Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nghị quyết đi vào cuộc sống khá nhanh, vì có các chương trình hành động thực hiện cụ thể. Vì vậy, để Nghị quyết XII của Đảng sớm đi vào cuộc sống cần phải có chương trình hành động cụ thể.

Về những nhiệm vụ trước mắt. Có rất nhiều nội dung phải tập trung trong thời gian tới, nhưng chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung khắc phục sự cố môi trường, sớm ổn định đời sống sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất cho ngư dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong thời gian qua. Đây là vấn đề cấp thiết. Sự cố môi trường diễn ra trên diện rộng, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, để có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cần phải có thời gian, Hà Tĩnh sẽ hết sức bổ trợ, giúp đỡ, cung cấp thông tin minh bạch, khách quan cho các bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học căn cứ để công bố kết quả.

Trong năm năm tới, để đưa Nghị quyết của trung ương đi vào cuộc sống, có những chỉ tiêu Hà Tĩnh đặt ra rất cao nay lại gặp sự cố nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống, môi trường đầu tư... Để vượt qua khó khăn, thách thức rất cần sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của Đảng và nhân dân. Phải thực hiện cho kỳ được những lời hứa đối với nhân dân về ổn định cuộc sống, hỗ trợ lãi suất, động viên ngư dân ra khơi bám biển, có chính sách hỗ trợ diêm dân, tạo điều kiện để người dân có thu nhập ổn định… Bên cạnh đó, phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh…

Thứ hai, cần tập trung cao để đẩy nhanh các dự án sản xuất, các chương trình, kế hoạch sản xuất, giải phóng mặt bằng, thực hiện thu hút các dự án đầu tư. Trong đó, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là một việc làm thường xuyên, liên tục và phải chú trọng chiều sâu…

Thứ ba, cả hệ thống chính trị cần thực hiện các giải pháp để tăng thu ngân sách. Thực tế hiện nay, thu ngân sách các cấp còn đạt thấp do những tác động bất khả kháng, trong khi kế hoạch đặt ra là rất cao…

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, phải tập trung thực hiện xây dựng Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp lại bộ máy, thường xuyên quan tâm công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế…

Thứ năm, tiếp tục bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tạo môi trường để phát triển…

Thứ sáu, sau bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các cấp ủy đảng giao Ủy ban kiểm tra tiếp tục xử lý tốt các đơn thư khiếu nại tố cáo; chuẩn bị sắp xếp lại bộ máy cho Nhà nước, cho Hội đồng với tinh thần nhìn từ tổng thể để sắp xếp cụ thể và đánh giá cán bộ khách quan, bằng sản phẩm cụ thể.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà phải tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.


    Ý kiến bạn đọc