Văn hóa cẩm quyền của Đảng
EmailPrintAa
10:58 07/06/2016

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền…; các nguy cơ cần lưu ý phòng ngừa đối với Đảng cầm quyền”. Có thể nói hiện nay với vị thế là Đảng cầm quyền trong điều kiện mới, nhiều vấn đề từ quan điểm, nhận thức tới chủ trương, giải pháp để phòng ngừa, đẩy lùi sự tha hóa trong Đảng đang rất cấp bách, cần được giải quyết theo một tư duy mới. Cách đây 47 năm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vấn đề Đảng cầm quyền đã được Người căn dặn: “Trước hết nói về Đảng… Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Rõ ràng vấn đề Đảng cầm quyền lúc này là vấn đề “trước hết”, là vấn đề “sống còn” cần được hết sức “lưu ý”. Bởi vậy, hơn lúc nào hết cần có quyết tâm cao, sự đột phá đủ mạnh để giải quyết tình hình đặt ra thật phù hợp và có hiệu quả.

1. Chung quanh vị thế cầm quyền của Đảng có mấy vấn đề có tính quy luật cần lưu ý. Đó là, tính tất yếu và cơ sở cầm quyền; nguyên tắc, nội dung, phương thức cầm quyền; cơ chế cầm quyền; điều kiện và môi trường cầm quyền; nguy cơ đối với việc cầm quyền. Đây là những vấn đề then chốt mang tính thực tiễn đối với vị thế, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm cầm quyền của Đảng hiện nay. Xuyên suốt và là linh hồn các vấn đề mang tính quy luật như đã nêu, đòi hỏi cần thiết xây dựng kỳ được văn hóa cầm quyền của Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có thể nói sức mạnh văn hóa cầm quyền của Đảng là xây cho được lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sức chiến đấu thống nhất trên cơ sở nguyên tắc dân chủ tập trung; cán bộ, đảng viên một lòng vì dân, vì Đảng, ra sức rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng. Tẩy trừ cho được chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức, mà cấp bách là tệ nạn tham ô, hối lộ, chạy chọt và xa rời nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng XII đã nhấn mạnh cần đề cao đạo đức và nhân cách đảng viên của Đảng, mỗi đảng viên phải là một nhân cách văn hóa, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, của hệ thống chính trị phải là một tấm gương văn hóa. Rường cột tổ chức và trọng trách thực thi công việc trước hết thuộc về đội ngũ đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; các tổ chức Đảng từ cơ sở đến Trung ương.

2. Hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ cùng với việc hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng là nội dung quan trọng then chốt đối với Đảng và đối với văn hóa cầm quyền của Đảng hiện nay. Thu hút vào bộ máy Đảng những nhân tố ưu tú nhất, tinh hoa nhất. Rà soát cắt bỏ những khâu trung gian, sáp nhập những bộ phận trùng chéo trong bộ máy, tinh giản bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước theo hướng phù hợp chức năng nhiệm vụ một cách khoa học và thận trọng. Nên chăng tiến hành nhất thể hóa một số chức danh đứng đầu cơ quan Đảng và Nhà nước theo hướng trao quyền và minh bạch hóa quyền, có sự kiểm soát quyền theo trách nhiệm, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và thông suốt đối với hệ thống chính trị, trước hết là giữa các tổ chức trong hệ thống Đảng.

Tập trung chỉnh đốn và đổi mới đội ngũ cán bộ, nòng cốt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sao cho thật đồng bộ, tinh hoa, gọn nhẹ và trong sạch. Thực sự chọn được nhân tài, từ bỏ những rào cản vướng mắc, máy móc thiếu linh hoạt lâu nay thường mắc phải như cơ cấu, độ tuổi, học vị, học hàm, vùng miền… Hướng tới kiện toàn kì được đội ngũ cán bộ gồm ba thế hệ thực sự tinh nhuệ, đồng bộ và hết lòng vì dân, tiêu biểu cho sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Trong việc đổi mới phương thức cầm quyền hết sức quan tâm đến phong cách cầm quyền thực sự dân chủ từ Trung ương đến cơ sở, từ cấp ủy cao nhất tới từng chi ủy trên cơ sở dân chủ tập trung. Đảm bảo sự liên thông từ trong Đảng ra ngoài xã hội, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân theo mục tiêu vì độc lập dân tộc và lợi ích của Nhân dân. Phương châm xuyên suốt là tất cả hướng về cơ sở và phụng sự Nhân dân, làm “công bộc” của dân lấy đó làm thước đo về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và sự cống hiến, lấy đó làm bổn phận đề cao danh dự và lương tâm của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, là cơ sở xã hội - chính trị của văn hóa Đảng cầm quyền.

3. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, gắn với cơ chế kiểm tra giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc thực thi kỷ luật của Đảng trước hết là Điều lệ Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm và pháp luật Nhà nước cần phải được thống nhất, tập trung và kiên quyết đối với mọi tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng, có thế thì mới tạo được sức mạnh thống nhất và tính chiến đấu của Đảng. Cần kỷ luật nghiêm khắc và kịp thời những ai gây mất đoàn kết nội bộ, kéo bè kéo cánh trong Đảng, xử lý nghiêm những kẻ tham nhũng, lợi dụng chức quyền bao che, vụ lợi gây tổn hại cho Đảng. Cấp ủy viên càng cao, cán bộ giữ trọng trách càng lớn cần phải gương mẫu, nghiêm cẩn, càng phải đề cao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhân cách văn hóa trước Đảng và trước Nhân dân.

Bất kể tổ chức nào, cán bộ, đảng viên nào của Đảng cũng phải chịu sự kiểm tra giám sát của tổ chức của đội ngũ cán bộ đảng viên và của Nhân dân ở bất cứ đâu, trên bất cứ phương diện hoạt động, lĩnh vực công tác và địa bàn sinh sống nào. Thiết lập chế tài xử lý kịp thời cho công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, của bộ máy Đảng, của cơ quan pháp luật Nhà nước, của Nhân dân đối với mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên. Cần dựa hẳn vào Nhân dân để xây dựng Đảng, chú trọng tiếp thu ý kiến của Nhân dân, sự phát hiện của công luận về cán bộ, đảng viên theo hướng kịp thời, chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả. Chỉnh đốn đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, thanh tra các cấp theo hướng tinh hoa, trong sạch, trung thành, thanh liêm và thạo việc.

Hết sức quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát, việc tự phê bình và phê bình từ chi bộ, từ cơ sở. Gắn chặt sinh hoạt của tổ chức Đảng với sinh hoạt các đoàn thể nhằm không để lọt sự giám sát đảng viên với tư cách là công dân của Nhân dân ngay ở nơi cư trú. Vì tai mắt của Nhân dân là tinh tường và thâu suốt nhất. Có làm nghiêm túc và làm thực chất được như vậy thì mới giữ vững được sự ổn định từ trong nội bộ Đảng ra ngoài xã hội, mới tạo được niềm tin thực sự từ nội bộ ra Nhân dân. Vì mất niềm tin trong nội bộ là hết sức nguy hiểm, còn mất niềm tin trong Nhân dân có nguy cơ mất tất cả.

4. Cần rà soát, phận loại, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức Đảng, trước hết là tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên một cách thực chất hơn. Cho đến nay ở cấp nào, ở lần Đại hội nào cũng nói đến chuyện nâng cao vai trò lãnh đạo và ra sức chiến đấu của Đảng nhưng xem ra vẫn chung chung, còn thực chất của gần 4 triệu đảng viên sinh hoạt trong hơn 53.300 tổ chức cơ sở Đảng đang ra sao thì mới nằm ở sự phân loại định kỳ hàng năm. Mà sự đánh giá phân loại định kỳ như hiện nay thì chưa có thể lấy đó làm thước đo để đánh giá đúng thực chất được. Vấn đề chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta đặt ra thường xuyên và cứ mỗi lần như vậy đều có sự đánh giá, phân loại tổ chức và cán bộ, đảng viên. Sự phát triển và diễn biến của tình hình luôn luôn động, nên thiết nghĩ để thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, một trong những biện pháp về xây dựng Đảng là cần tiến hành cuộc tổng kiểm kê rà soát, phân loại một cách hệ thống, toàn diện, đúng thực chất đội ngũ đảng viên và hệ thống tổ chức Đảng ở tất cả các cấp trong toàn Đảng. Trên cơ sở đó có giải pháp hữu hiệu để làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng, củng cố, kiện toàn mô hình các tổ chức Đảng một cách đồng bộ và phù hợp làm cho Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh.

Kinh nghiệm 86 năm lãnh đạo, trong đó có hơn 70 năm cầm quyền của Đảng ta đã khẳng định, một trong những bài học thành công là luôn luôn chủ động, dự báo và kiên quyết khắc phục có hiệu quả những thách thức, nguy cơ đối với cách mạng và trước hết từ trong nội bộ Đảng. Để tiếp tục lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới của đất nước, với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng cần luôn nhận thức, cần tự đổi mới, tự chỉnh đốn mình để đáp ứng với yêu cầu cách mạng. Trong quá trình đó, hết sức lưu ý xây dựng Đảng về mặt đạo đức như Văn kiện Đại hội Đảng XII đã nêu, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, mà trước hết và thường xuyên là chăm lo đến việc phát huy những chuẩn mực văn hóa cầm quyền của Đảng.

Đặng Duy Báu


    Ý kiến bạn đọc