Lấy mô hình các chi hội trưởng làm gương để nhân rộng
EmailPrintAa
09:01 04/10/2016

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Tân có 1.460 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 12 chi hội. Phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong đời sống xã hội, thời gian qua, Hội phụ nữ xã đã tích cực tuyên tuyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vận động hội viên thực hiện tốt phong trào do các cấp hội phụ nữ phát động như phong trào “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “gia đình 5 không, 3 sạch”, đẩy mạnh chỉnh trang khu dân cư, vườn mẫu, xây dựng tuyến đường, cụm dân cư “xanh, sạch, đẹp” trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, hội viên phụ nữ đã chủ động thành lập, phát huy hiệu quả các tổ hợp tác chăn nuôi lợn, bò liên kết, đưa lại thu nhập ổn định, mở ra hướng liên kết phát triển sản xuất bền vững. Nhiều mô hình do chi hội trưởng đứng chủ có sức lan tỏa, được các hội viên nhân rộng.

Chị Trần Thị Yên - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Tân cho biết: “Để tạo đột phá trong phong trào của Hội, từ khâu sinh hoạt, hội họp đến triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các chi hội đã thay đổi nề nếp, quy cũ, đúng trọng tâm hơn. Sinh hoạt hội không sa vào báo cáo thành tích mà đi sâu vào tổng kết những việc chưa làm được để thảo luận, đề ra phương án thực hiện sát với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở nắm nguồn vốn phân bổ xây dựng mô hình nông thôn mới hàng năm của địa phương, hội phụ nữ xã đã kịp thời chỉ đạo các chi hội xây dựng kế hoạch phát triển, đón đầu các chính sách hỗ trợ; bồi dưỡng, phát hiện hội viên mạnh, có ảnh hưởng, uy tín để cơ cấu chi hội trưởng, lấy mô hình chi hội trưởng để làm gương, từ đó nhân rộng trong hội viên… là những cách làm linh hoạt, sáng tạo được Hội Phụ nữ Thạch Tân áp dụng trong thời gian qua”. Hội cũng yêu cầu mỗi năm, mỗi chi hội phải thành lập mới 1 tổ hợp tác chăn nuôi, 1 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Để hoàn thành được chỉ tiêu này, Hội đã phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới cho hàng trăm hội viên, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương trong, ngoài huyện. Ngoài ra, thông qua sinh hoạt hội định kỳ, các chi hội đều tổng kết, trao đổi kỹ thuật sản xuất, cách tiếp cận vốn giữa những người đã biết, đã thành công với những người chưa biết, đang trong quá trình xây dựng, từ đó giúp hội viên có động lực, kiến thức và thông tin mạnh dạn xây dựng mô hình cho gia đình mình. Cùng với kiến thức, kinh nghiệm sản xuất tích lũy được, các chị đã quản lý tốt nguồn vốn phát triển ở 12 tổ tín dụng tại 12 chi hội tạo điều kiện cho 445 hội viên vay với số tiền trên 7 tỷ đồng. Từ quỹ phát triển và nỗ lực của bản thân, đã có hàng chục mô hình kinh tế ra đời cho thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên của hội viên phụ nữ. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã ra mắt 4 mô hình kinh tế cho thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên do các đồng chí chi hội trưởng đứng chủ, đó là mô hình chăn nuôi tổng hợp, lò ấp trứng quy mô 1.000m2, ấp 8.000 trứng/mẻ của chị Nguyễn Thị Thuận chi hội Mỹ Triều; xưởng mộc của gia đình chị Trần Thị Loan, chi hội Nhân Hòa giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên; mô hình thu mua, xay xát lúa gạo của chị Lê Thị Cúc chi hội 17; mô hình chăn nuôi tổng hợp, làm vườn quy mô 2.600m2 của chị Trần Thị Bình, chi hội Trung Hòa. Sự đi đầu, bước trước của các chi hội trưởng trong khai thác tiềm năng, lợi thế để mở rộng phát triển sản xuất là bài học quý để các hội viên chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Từ thành công ban đầu của các chi hội trưởng, các hội viên khác đã thành lập mới 2 mô hình nuôi bò quy mô 5 con/hộ, 2 tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp Tình Chương (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) quy mô 20 con/lứa (3 lứa/năm). Mỗi chi hội đều biết khai thác được mặt mạnh ở chi hội mình để lựa chọn những cách làm thiết thực, giúp đỡ hội viên vươn lên và thúc đẩy phong trào chung của hội. Trong đó, chi hội Trung Hòa có trên 100 hội viên, đời sống kinh tế của hội viên cơ bản ở mức khá nhờ phát triển các dịch vụ, chi hội trưởng Trần Thị Bình đã phát động hội viên đóng góp mỗi người từ 300 - 500 nghìn đồng xây dựng quỹ lên đến 50 triệu đồng. Số tiền này luân phiên cho hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp và số lãi này trích ra để chi hội hoạt động thường xuyên.

Phát huy hiệu quả tổ hợp tác chăn nuôi lợn là điểm đáng ghi nhận trong phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ Thạch Tân. Từ năm 2014, Hội đã đứng ra liên kết với doanh nghiệp Tình Chương và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn đầu tiên. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, con giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi và thu mua lợn thương phẩm cho các hộ tham gia. Chị Trần Thị Minh tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết thôn Đông Tân cho biết chị nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp Tình Chương đã sang năm thứ 2, hiện tại tổ hợp do chị làm tổ trưởng đã có 11 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ nuôi 20 con. Hiện tại, lứa lợn thứ 3 trong năm đã nuôi được hơn 1 tháng, mỗi lứa trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng. Chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học, bể bioga nên xử lý một cách triệt để mùi hôi, nước thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chị cũng chia sẻ, so với các hình thức liên kết trước, đây là liên kết có lợi cho người dân vì các hộ có thể tự cung con giống và được phép bán lợn thương phẩm ngoài thị trường nếu thấy giá cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp. Tính chung, đến nay, dưới sự phụ trách của hội phụ nữ xã đã thành lập được 12 tổ hợp tác chăn nuôi lợn với 132 hộ tham gia. Hình thức liên kết mở này khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều hội viên phụ nữ và người dân tham gia tạo thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững đem lại nguồn cung sản phẩm lớn, thu nhập ổn định (từ 50-70 triệu đồng/năm/hộ), hạn chế rủi ro trong các khâu của quá trình sản xuất.

Không chỉ mạnh dạn trong việc tìm hướng đi bền vững cho các mô hình do mình đứng chủ, các chi hội trưởng còn vận động hội viên tham gia tích cực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như hỗ trợ, giúp nhau “chỉnh trang vườn hộ”, xây dựng “khu dân cư, vườn mẫu”. Chỉ đạo quyết liệt các phần việc của 12 chi hội đã đăng kí đầu năm (trong đó 7 chi hội đăng ký xây dựng tuyến đường cụm dân cư xanh, sạch, đẹp, 3 chi hội xây dựng hội quán xanh, sạch, đẹp, 2 chi hội xây dựng cụm dân cư (9 - 10 hộ/cụm)). Đến nay, các chi hội đã hoàn thành chỉnh trang 7 tuyến đường cụm dân cư xanh, sạch, đẹp. Riêng từ đầu năm đến nay đã huy động được 380 ngày công trồng cây xanh, san lấp mặt bằng, di dời công trình phụ, chỉnh trang vườn cho 32 hộ, nhân rộng thêm mô hình cụm dân cư ở Thắng Hòa, Tân Tiến.

Những kết quả đạt được trong phong trào phụ nữ xã Thạch Tân một lần nữa khẳng định được vai trò, vị thế của người phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống, các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phan Hương


    Ý kiến bạn đọc