Mộc bản Trường học Phúc Giang di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
EmailPrintAa
16:47 03/10/2016

Mộc bản Trường học Phúc Giang được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định truyền thống hiếu học của người dân Hà Tĩnh cũng như những tinh hoa bác học đỉnh cao của dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Mộc bản Trường học Phúc Giang chính là kết tinh tinh hoa bác học đỉnh cao của dòng họ nổi tiếng Nguyễn Huy. Đây cũng là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ ở Việt Nam và được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mộc bản Trường học Phúc Giang có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê, tại Thư viện (ngày nay gọi là Trường học) Phúc Giang do dòng họ Nguyễn Huy chế tác và gìn giữ. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, Mộc bản đã bị thất lạc, hiện chỉ còn 394 bộ được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự - Trường Lưu và Bảo tàng Hà Tĩnh. 

Toàn bộ mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ, thanh thoát với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18 - 20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao nên  lưu giữ được đến ngày nay. 

Bộ Mộc bản Trường Lưu được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Ngoại trừ Nguyễn Huy Tửu thì những người còn lại đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám.

Trên bản khắc in, thời gian được ghi rõ là từ năm 1758 - 1788, tức là cách đây hơn 250 năm. Trải qua 30 năm nghiên cứu, chế tác, mộc bản Trường học Phúc Giang được hình thành dựa trên những cuốn sách kinh điển của Nho giáo, nhưng được chọn lọc, làm mới dựa trên sự kết hợp với vốn hiểu biết của người biên soạn và tinh hoa văn hóa đất nước để truyền dạy cho học trò, thực hiện sự nghiệp “trồng người”.

Một trang mộc bản

394 bộ Mộc bản còn lại là 12 tập sách Nho gia gồm 2 tập “Tính lý toản yếu” (sách rút gọn lại bộ sách do các nhà nho đời Minh biên soạn), 9 quyển “Ngũ Kinh toản yếu” (gồm Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu) và một tập “Thư viện quy lễ” (những lễ nghi, phép tắc trong trường học) do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên soạn…

Ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Xét về góc độ lịch sử ra đời thì mộc bản Trường Lưu có trước cả mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Nhưng cái độc đáo của mộc bản Trường học Phúc Giang thể hiện ở chỗ đây là di sản thuộc sở hữu của một dòng họ duy nhất ở nước ta còn được lưu giữ đến ngày nay. Nhưng giá trị của nó không chỉ mang tầm quốc gia, khu vực mà đã sánh tầm quốc tế”. Ông Sơn cho biết thêm: Mộc bản Trường học Phúc Giang là tài liệu gốc để nghiên cứu, đánh giá về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Đặc biệt về giáo dục Nho học qua việc tiếp thu và phát triển các sách giáo khoa kinh điển của Nho gia cho việc giáo dục ở Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ 18, đồng thời cũng là tư liệu để so sánh với sự tiếp thu Nho giáo của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Mộc bản Trường học Phúc Giang là tàng thư dùng để in tài liệu, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều mặt trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế - xã hội, giao lưu giữa các dòng họ, danh sĩ và quốc tế… Hiện nay, số mộc bản cổ còn lại đang được gia đình GS Nguyễn Huy Mỹ - Hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ cẩn thận và đã được sao chụp, số hóa gần 800 trang. Tuy nhiên, nhiều mộc bản đã hư hỏng, xuống cấp, cong vênh, mối mọt…, nên cần có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ để phát huy tốt những giá trị của “di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Hạnh Nguyên


    Ý kiến bạn đọc