Nâng cao chất lượng đảng viên – vấn đề cốt lõi để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình hiện nay
EmailPrintAa
09:15 04/10/2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều do đảng viên nêu gương thực hiện và tuyên truyền vận động mà thấu đến quần chúng; các chương trình, kế hoạch của Đảng đều do đảng viên thực thi. Nâng cao chất lượng đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mà còn tác động đến uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ đảng viên tốt thì uy tín, năng lực lãnh đạo được nâng lên, đội ngũ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; yếu kém về năng lực chuyên môn thì đảng bộ, chi bộ giảm sút khả năng lãnh đạo và sức chiến đấu…
 
Ảnh: P.V  

Những năm qua cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp thiết thực, nhất là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có những chủ trương, tập trung dồn sức để đổi mới hoạt động của các đảng bộ, chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên như: Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên; phân công cấp uỷ, thành viên đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về dự sinh hoạt các chi bộ thôn, xóm, khối phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; đánh giá cán bộ, đảng viên chặt chẽ, đúng thực chất... Tập trung chỉ đạo ở những cơ sở đảng yếu kém, khó khăn, những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; thu hẹp tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép và xóa thôn (xóm) chưa có đảng viên. Năm 2015, Hà Tĩnh kết nạp được 3.352 đảng viên. Số có trình độ đại học 1.481 đồng chí, chiếm 44,18% (tăng 4,54%); thạc sĩ là 50 đồng chí, chiếm 1,49% (tăng 0,25%); số đảng viên được phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2015 là 58.838 đồng chí, bằng 72,0% tổng số đảng viên được đánh giá (tăng 2% so với năm 2014)… Đến ngày 31/12/2015, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh có 94.590 đảng viên, sinh hoạt ở 755 tổ chức cơ sở đảng (468 đảng bộ cơ sở, 287 chi bộ cơ sở), thuộc 20 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Trong đó, số đảng viên sinh hoạt ở xã, phường, thị trấn là 73.382 đồng chí (77,57%); ở các doanh nghiệp nhà nước là 3.075 đồng chí (3,25%); ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 1.544 (1,63%); ở các đơn vị sự nghiệp là 4.888 (5,16%), ở các cơ quan hành chính là 7.005 (7,4%), ở các đơn vị trong quân đội, công an là 4.696 (4,9%). Sáu tháng đầu năm 2016, kết nạp được 1.416 đồng chí, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 96.086 đồng chí, chiếm khoảng 7,5% dân số.

Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Hà Tĩnh vẫn còn những bất cập, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ: Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu, có biểu hiện “dĩ hòa vi quý”, không dám đấu tranh, nể nang, né tránh, ngại va chạm; chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, cả trong đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và cán bộ trực tiếp thực thi; thiếu gương mẫu, thờ ơ, vô cảm, thậm chí có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng… Những hạn chế, yếu kém đó là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chạy theo nhu cầu vật chất, tự thỏa mãn, không chịu khó học tập, rèn luyện, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, năng lực thực tiễn; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị; một số tổ chức cơ sở đảng yếu kém, …

Để xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh vấn đề là phải nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đây là yêu cầu bức thiết và là vấn đề cốt lõi trong tình hình hiện nay, nhất là đối với các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài việc tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã được xác định trong các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, cần tập trung chủ yếu vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thự sự trong sạch, vững mạnh, nhất là đối với tổ chức cơ sở Đảng. Vì đây là môi trường trực tiếp việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên

Thứ hai, phải tăng cường giáo dục ý thức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ đảng viên. Thực hiện tốt điều này thì bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của mỗi cán bộ, đảng viên sẽ không dao động trong bất cứ tình huống nào. Quá trình hoạt động, người đảng viên thường xuyên được giáo dục thì bản lĩnh chính trị sẽ được củng cố, khi đối mặt với khó khăn, thách thức sẽ vững vàng vượt qua. Phát huy tính tự giác rèn luyện của mỗi đảng viên, coi đây là việc làm thường xuyên để mỗi đảng viên tự hoàn thiện bản thân, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, nâng cao ý thức cách mạng. Thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ ba, phải không ngừng nâng cao trình độ cả chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ đảng viên. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên toàn diện về mọi mặt; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho đảng viên tham gia học tập. Đồng thời, chú trọng chất lượng đào tạo, hướng về giải quyết những công việc thực tế, thiết thực, hiệu quả. Lấy phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc là tiêu chí để đánh giá năng lực, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên - coi đây là thước đo quan trọng nhất. Thực hiện nề nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thứ tư, tăng cường công tác phát triển đảng viên, giao chỉ tiêu cụ thể và có kế hoạch tạo nguồn vững chắc. Phân công cấp ủy chỉ đạo, cử cán bộ phụ trách theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ tổ đảng và các chi bộ trực thuộc. Với phương châm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, tránh định kiến hẹp hòi, đảm bảo tiêu chuẩn nhưng không cứng nhắc. Tùy tình hình cụ thể của từng trường hợp để có sự vận dụng linh hoạt. Coi công tác phát triển đảng viên là một tiêu chí để đánh giá đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Thực hiện quy định phân công nhiệm vụ cho đảng viên, theo dõi giúp đỡ để đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và làm cơ sở để đánh giá đảng viên hàng năm. Chú trọng công tác quản lý hồ sơ đảng viên theo chế độ bảo mật cũng là góp phần để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại đội ngũ đảng viên đúng thực chất và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.Việc đánh giá, xếp loại đảng viên cần được đổi mới theo hướng lượng hóa cụ thể các tiêu chí rõ ràng để làm cơ sở đánh giá; lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính. Khắc phục cách đánh giá chỉ thiên về mặt tích cực, ưu điểm, né tránh các hạn chế, khuyết điểm, hoặc đánh giá chung chung, mang tính hình thức.Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát từ cơ sở, tránh tình trạng nhiều nơi không tự kiểm tra, chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra khi bị kiểm tra. Xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách đảng viên, vi phạm Điều lệ Đảng.

Thứ sáu,thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với đảng viên. Bản chất và bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của mỗi đảng viên đều được thể hiện trong mối quan hệ hằng ngày với công việc, với mọi người ở nơi cư trú. Do vậy, phải thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Quy định số 76-QĐ/TW, ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị về đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Sự giám sát của nhân dân sẽ làm cho mỗi đảng viên có ý thức tự mình tu dưỡng, rèn luyện tác phong, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc, sống lành mạnh, có văn hóa.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sẽ nâng cao chất lượng đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phạm Quang Phú - Ban Tổ chức Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc