Những nguy cơ từ cuộc đua mới của các mạng xã hội
EmailPrintAa
09:53 27/12/2016

Thời gian gần đây, giữa các mạng xã hội đã hình thành một cuộc chạy đua cung cấp ứng dụng phát sóng trực tiếp (live streaming, live video) với tính năng ngày càng thông minh, tiện lợi,... để thu hút người tham gia. Từ các ứng dụng này, người sử dụng như có nhiều “quyền năng” hơn, nhưng cũng từ đây lại xuất hiện hiểm họa liên quan tội ác, bạo lực, vi phạm bản quyền cùng nhiều vấn đề bất cập khác, và cần được kịp thời cảnh báo.

Vừa qua, sau khi sát hại vợ chồng một viên sĩ quan cảnh sát Pháp tại nhà riêng, một kẻ khủng bố đã phát video (vi-đê-ô) việc sát hại lên Facebook khiến cả thế giới bàng hoàng, kinh sợ. Trong clip hơn 12 phút, kẻ sát nhân không chỉ khoe chiến tích, mà còn ngang nhiên kêu gọi mọi người hãy tiêu diệt cảnh sát, nhân viên nhà tù, phóng viên, các quan chức,… và nhiều mục tiêu khác. Dù sau đó kẻ sát nhân bị bắt, đoạn video kích động bạo lực cũng bị gỡ khỏi Facebook, nhưng chắc chắn rất nhiều người xem video khó có thể gột bỏ được cảm giác ghê sợ trước tội ác dã man vừa diễn ra trước mắt. Hơn nữa video đưa lên mạng cũng không dễ gỡ bỏ, bằng chứng là tổ chức IS đã sử dụng đoạn băng này phát lại trên một số kênh của nó, nhằm kêu gọi các thành phần “tử vì đạo”.

Sự việc khiến nhiều người nhớ lại những câu chuyện tương tự xảy ra trước đó cũng liên quan đến tính năng phát video trực tuyến gây sốt trên một số mạng xã hội. Cụ thể, năm 2015 tại Virginia (Vơ-gi-ni-a, Mỹ), một kẻ giết người đã ghi lại cảnh tượng mình dùng súng giết chết đồng nghiệp cũ để đưa trực tuyến trên mạng xã hội. Cũng tại Mỹ, tháng 5-2015, ba thiếu niên mới 14 tuổi đã “vô tư” phát video ghi lại cảnh quan hệ tình dục lên Facebook. Gần đây, tháng 4-2016 một phụ nữ trẻ ở Pháp đã bị bắt sau khi phát trực tiếp cảnh bạn mình cưỡng bức người khác trên mạng Twitter. Tháng 5-2016, cảnh tượng một phụ nữ tự tử bằng cách lao vào tàu hỏa đã được đăng tải trên mạng Twitter do chính nạn nhân tự đặt máy quay. Vụ tự tử đau lòng khác của một MC nổi tiếng người Đài Loan cũng được đưa lên trên mạng Facebook, mọi chi tiết từ cảnh uống thuốc ngủ đến cảnh cứa dao vào cổ tay khiến người xem không khỏi rùng mình kinh hãi. Rõ ràng khi tính năng phát sóng trực tiếp được các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Youtube được sử dụng như “vũ khí lợi hại” trong cuộc chạy đua nhằm chiếm thị phần, tăng sức cạnh tranh, hút được nhiều quảng cáo thì tính năng này cũng đã và đang bị một số người lạm dụng và thậm chí là nơi để tội phạm hoành hành.

Với sự phát triển của công nghệ, giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng, ai cũng có thể đưa lên in-tơ-nét hình ảnh về hoạt động của bản thân hay những sự việc mà mình đang chứng kiến, như một trận bóng đá, một đám cưới, một cuộc ẩu đả, thậm chí một vụ giết người... Ứng dụng mới này của mạng xã hội dường như đem đến cho người sử dụng nhiều “quyền năng” hơn. Giám đốc phụ trách mảng News Feed của Facebook ông T. Alison (T. A-li-sơn) lý giải: “Thay đổi Facebook đưa ra có xu hướng bắt nguồn từ những gì mà chúng tôi cảm thấy mọi người muốn và cần có. Live video thật sự là tính năng hấp dẫn, hữu ích và cũng là xu thế mới hiện nay. Sẽ rất tuyệt vời nếu trên màn hình xuất hiện thần tượng của bạn đang hát ngay thời điểm đó, hoặc một người bạn đang tâm sự để giảm bớt căng thẳng trước khi lên thuyết trình chẳng hạn”. Trên thực tế, dù vừa đưa vào sử dụng nhưng tính năng mới này đã hút một lượng người tham gia khổng lồ. Một số liệu thống kê mới đây cho biết, cho đến tháng 3-2016, Facebook đang nắm giữ 1,6 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng, mạng xã hội này đang trở thành “đài truyền hình” với một lượng “phóng viên” lẫn người xem đông đảo nhất thế giới. Chỉ trong tháng 1-2016, mỗi ngày có khoảng 100 triệu lượt xem video trên trang web của Facebook. Chấp nhận thua kém hơn, đến nay Twitter mới có hơn 320 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng thông qua ứng dụng phát sóng trực tiếp. Dù chậm chân hơn trong việc sử dụng tính năng phát sóng trực tiếp, song mạng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới YouTube cũng đang có những chiến lược nhằm giành lại người dùng, vì mỗi video phát sóng trực tiếp thường có lượng người xem gấp ba lần một video thông thường, nếu chiếm lĩnh được thị trường này thì cơ hội kinh doanh của các mạng xã hội cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Ở Việt Nam, ứng dụng phát sóng trực tiếp trên Facebook chính thức có hiệu lực từ ngày 30-3-2016, nhưng lập tức đã tạo thành một trào lưu thu hút nhiều người tham gia. Ngày 1-4, tức là chỉ hai ngày sau khi ứng dụng này được kích hoạt, một ca sĩ được giới trẻ mến mộ đã nhanh chóng thử nghiệm bằng việc tổ chức giao lưu trực tuyến trên trang Facebook cá nhân. Video trực tuyến này thu hút hơn 400 nghìn lượt theo dõi và hơn 30 nghìn lượt bình luận. Trước hiệu quả đáng kinh ngạc của việc sử dụng live video trên Facebook, ngay sau đó không ít ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình,… đã nhanh chóng tận dụng ứng dụng phát sóng trực tiếp để giao lưu với người hâm mộ cũng như quảng bá hình ảnh bản thân. Thậm chí có “chiến dịch” quảng bá phim, MV ca nhạc, nhiều sự kiện nghệ thuật cũng đã tận dụng tính năng này để thu hút sự quan tâm của công chúng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, live video không chỉ là “mảnh đất màu mỡ” cho giới showbiz khai thác, mà nhiều người dùng Facebook, Twitter hay Youtube cũng bắt đầu làm quen và sử dụng tính năng này cho nhu cầu cá nhân, như ghi lại hoạt động của bản thân (đám cưới, nhận bằng tốt nghiệp, sinh nhật, biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn làm đẹp, dạy nấu ăn…), thu phát trực tiếp sự kiện mà mình đang chứng kiến (chương trình ca nhạc, tắc đường, tai nạn giao thông, hội chợ thương mại,…) để phát trên mạng xã hội.

Bên mặt tích cực của việc sử dụng tính năng phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội thì rõ ràng hiểm họa của live video nếu bị sử dụng, khai thác vào những mục đích không lương thiện, cũng là điều mà xã hội đang phải đối mặt. Vụ xả súng giết hai vợ chồng viên cảnh sát tại Pháp trung tuần tháng 6 vừa qua thêm một lần nữa gióng lên tiếng chuông cấp báo về nguy cơ hoành hành của tội phạm, bạo lực, khiêu dâm trên mạng xã hội sau khi xuất hiện ứng dụng live video. Phổ biến nhất trên mạng xã hội hiện nay là vi phạm bản quyền. Không ít các video phát trực tuyến trên mạng được thực hiện một cách bất hợp pháp, thí dụ như quay - phát trực tiếp các trận bóng đá đã được mua bản quyền về hình ảnh, các buổi biểu diễn cấm quay phim chụp ảnh dưới mọi hình thức, thậm chí là việc quay cảnh riêng tư đưa lên mạng đã trực tiếp xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác. Tháng 5-2015, mạng xã hội Twitter đã bị kiện về bản quyền trận đấu boxing lịch sử giữa hai võ sĩ Mayweather (May-oe-dơ), Pacquiao (Pac-ki-ao) do nhiều người dùng in-tơ-nét sử dụng tính năng live video để xem miễn phí trên các thiết bị điện tử thay vì việc theo dõi trên các kênh truyền hình chính thức được mua bản quyền của trận đấu khiến đơn vị tổ chức bị thất thu. Đến tháng 4 năm nay, Facebook cũng gặp rắc rối tương tự khi trên mạng này xuất hiện nhiều video quay trộm trận đấu bóng chày của đội Baltimore Orioles (Mỹ).

Ở Việt Nam, Facebook đang chiếm ưu thế trên mạng xã hội với hơn 30 triệu người dùng, trong đó trung bình mỗi ngày khoảng 20 triệu người sử dụng thường xuyên, cao hơn 13% so với mức sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu. Đây chính là môi trường thuận lợi để những mặt ưu việt cũng như những bất cập của mạng xã hội bộc lộ đầy đủ. Video trực tuyến xuất hiện tràn lan để bán hàng, quảng bá hình ảnh của cá nhân tổ chức, kết nối cộng đồng,… và video trực tuyến cũng bị lợi dụng để lừa đảo cũng như thực hiện nhiều mục đích đen tối khác. Dạo qua trên mạng xã hội, không khó bắt gặp những trang Facebook có nội dung thiếu lành mạnh, các video mà chỉ mới thoáng nhìn qua nhiều người phải đỏ mặt. Nhiều Facebook được lập với hình ảnh mát mẻ và dòng trạng thái rất ỡm ờ như: “11 giờ đêm nay, sẽ phát sóng trực tiếp. Càng đông người xem càng cởi nhiều hơn”, “Đêm nay sẽ quẩy hết mình”. Lời mời gọi kiểu này đồng thời xuất hiện trên dòng thời gian của những nhóm có đông thành viên tham gia, vì thế đã thu hút một lượng người xem đông đảo, như có video chỉ sau chín phút đã thu hút tới 5.000 người xem. Rõ ràng chức năng live video của mạng xã hội đang bị một số đối tượng lợi dụng để khoe thân hòng nhanh nổi tiếng, thậm chí có nguy cơ trở thành trang khiêu dâm trá hình. Với lượng người xem lên đến hàng nghìn người kèm những lời bình luận phản cảm, các video đồng thời được chia sẻ trên nhiều trang khác khiến cho sự kiểm soát những nội dung rác từ việc phát sóng trực tuyến của mạng xã hội càng ngày càng khó kiểm soát. Một bạn đọc bày tỏ: “Bạ đâu phát live video nấy thì làm sao kiểm soát được nội dung nhỉ? Có những nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến người xem thì Facebook giải quyết thế nào?”. Cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ video clip vi phạm đang là vấn đề khiến các mạng xã hội như YouTube, Facebook và Twitter phải đau đầu. Mặc dù đại diện Facebook tuyên bố: “Khủng bố và những kẻ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố không có chỗ trên Facebook. Bất cứ nội dung nào liên quan đến khủng bố được báo cáo, chúng tôi sẽ loại bỏ nó càng sớm càng tốt. Nội dung sẽ được xử lý ngay lập tức nếu có yêu cầu cấp bách từ cơ quan thực thi pháp luật”. Song hiện nay, tính chủ động xử lý của các mạng xã hội vẫn chưa thật sự hiệu quả. Việc phát hiện video có nội dung sai phạm vẫn chủ yếu dựa vào người dùng, nhưng vẫn cần quá trình xử lý kỹ thuật và thông thường phải mất 24 giờ khi bộ phận tiếp nhận thông tin nhận báo cáo thì sai phạm mới bị gỡ bỏ. Trong thời gian này, ai dám bảo đảm video này không còn tồn tại ở các trang mạng khác, và tiếp tục lan truyền với tốc độ chóng mặt với lượng người xem tiếp tục tăng? Mạng xã hội không còn là ảo khi mà ảnh hưởng đến cộng đồng ngày một rõ ràng, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân, hoặc có thể trở thành thủ phạm. Do đó, sự tỉnh táo của mỗi người khi gia nhập thế giới mạng sẽ là không đủ, nếu các cơ chế kiểm soát, ngăn chặn và răn đe vẫn còn không ít lỗ hổng như hiện nay.

Thi Phong


    Ý kiến bạn đọc