Bức tranh Nông thôn mới ở Hà Tĩnh hôm nay
EmailPrintAa
16:45 06/02/2013

Hà Tĩnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện khó khăn về nguồn ngân sách, xuất phát điểm thấp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Ban Chỉ đạo NTM tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng lòng, chung sức của người dân. Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Việc triển khai thực hiện Chương trình đã tạo chuyển biến cơ bản trong tư duy, nhận thức của đại đa số người dân và cán bộ về xây dựng NTM. Đến nay tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, có chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện bài bản, cụ thể; nhân dân đã nhận thức được mình là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ; tư tưởng ỉ lại đã dần được đẩy lùi; sự tự giác trong thực hiện được thể hiện rõ nhất là trong việc hiến đất, dời dọn công trình làm đường giao thông thôn xóm không còn là trở ngại như trước đây, người dân không còn xem việc xây dựng hạ tầng nông thôn mới là dự án đầu tư của Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 52 ngàn hộ hiến đất với trên 2,76 triệu m2 với giá trị hơn 345 tỷ đồng, tiêu biểu ở các huyện Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên.

Nhận thức vai trò quan trọng của công tác Quy hoạch xây dựng NTM là phải đi trước một bước nên ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn, đôn đốc công tác lập Đồ án quy hoạch ở các địa phương, đồng thời triển khai xây dựng 2 Đề án (Đề án xây dựng NTM và Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn). Đến nay, 235/235 xã đã hoàn thành việc lập Đồ án quy hoạch và 2 Đề án; 80% số xã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch theo Thông tư 13 của liên Bộ.

Xác định sản xuất nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn là yếu tố then chốt, là điều kiện cần để xây dựng NTM bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương ưu tiên mọi nguồn lực cho phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh, các chương trình, đề án, quy hoạch, phát triển nông nghiệp nông thôn; đi kèm với đó là hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó phát triển sản xuất đã có sự chuyển hướng khá rõ về sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đặc biệt là các mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, toàn tỉnh có 552 mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng NTM có quy mô vừa và lớn, lợi nhuận cao, trong đó trồng trọt 91 mô hình, chăn nuôi 210 mô hình, thủy sản 97 mô hình, lâm nghiệp, chế biến, thương mại, dịch vụ 154 mô hình; đặc biệt trong đó có 33 mô hình cấp tỉnh. Điển hình như mô hình sản xuất lúa hàng hóa liên kết với diện tích 426 ha giống VTNT2 tại Cẩm Bình; có 86 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp quy mô từ 500 – 1.200 con/cơ sở; các mô hình nuôi tôm trên cát, nuôi cá lồng bè ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về thực hiện tiêu chí, mức độ tăng lên các tiêu chí của các xã đạt khá, toàn tỉnh có 06 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí; 44 xã đạt 10 - 15 tiêu chí; 155 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; 30 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Các tiêu chí hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ sẩn xuất thiết yếu dân sinh được cải thiện đáng kể, trong 02 năm, đã nhựa hóa và bê tông hóa 2.062 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, nâng tỷ lệ km đường giao thông nông thôn được nhựa và bê tông hóa đạt chuẩn lên 53,4%; cứng hóa 389 km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn. Kiên cố hóa 196 km kênh mương do xã quản lý. Xây dựng 832 km đường điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ngành điện. Cải tạo, nâng cấp được 143 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng 39 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 237 nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn. Xây dựng 21 chợ đạt chuẩn; xóa bỏ 7.403 nhà tạm. Các tiêu chí phi vật chất như giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự… được quan tâm đầu tư, chất lượng được nâng cao, giáo dục toàn diện được giữ vững và phát triển, công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, công tác y tế và chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến; vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện; chăn nuôi hợp vệ sinh tăng cao, đẩy mạnh phong trào di dời chuồng trại; một số địa phương đẩy mạnh phong trào chỉnh trang dân cư, từng bước xây dựng mô hình khu dân cư kiển mẫu…

Chương trình được triển khai trong khi nguồn lực Trung ương và tỉnh còn hạn chế, tỉnh đã tổ chức phát động “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh gửi thư kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, con em Hà Tĩnh sinh sống và công tác trên mọi miền Tổ quốc chung sức xây dựng NTM; đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, tổ chức chức chính trị và doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm tài trợ, đã đầu cho các xã, kể cả tư vấn về phương pháp, cách làm. Trong 2 năm toàn tỉnh đã huy động được 15.628 tỷ đồng; 115 tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu, tài trợ cho 126 xã; ngoài ra các địa phương kêu gọi sự hỗ trợ của con em xa quê và các tổ chức cá nhân khác, tiêu biểu như Can Lộc 61,7 tỷ đồng, Đức Thọ 34 tỷ đồng, Thạch Hà 26,7 tỷ đồng…

Đạt được những kết quả trên, một mặt Ban Chỉ đạo tỉnh xác định rõ lộ trình, bước đi thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM, sự chỉ đạo kiên quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao từ tỉnh đến cơ sở. Mặt khác, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách sát đúng, phát huy vai trò chủ thể, tỉnh chủ động, sáng tạo của người dân, nguồn lực được huy động, sử dụng có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những sắc màu tươi của bức tranh nông thôn mới Hà Tĩnh, chúng ta vẫn còn thấy những sắc màu mờ nhạt như: Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, đặc biệt là vùng phát triển sản xuất, việc điều chỉnh quy hoạch theo Thông tư 13 của Liên bộ còn chậm; Nguồn vốn để thực hiện Chương trình còn hết sức hạn chế, không đáp ứng nhu cầu vốn theo Đề án và lộ trình đặt ra, các xã ngoài nhóm về đích 2015 ngân sách các cấp Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ ít, khó tạo được phong trào rộng khắp. Khả năng huy động nguồn lực tại chổ, năng lực triển khai xây dựng NTM của đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình ở một số địa phương còn hạn chế. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng các địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện nhất là sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết 4 nhà, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa sản xuất – chế biến – thị trường…

Từ thực tiển triển khai trong thời gian qua, tỉnh đã rút ra những kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình như sau:

Một là, phải coi công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân; cần làm rõ được quan điểm “dựa vào nội lực là chính, nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ”, từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng thời kỳ, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệm hay,  điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới, biết tuyên truyền để nhân rộng điển   hình tốt.

Hai là, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để cả toàn dân và xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới và quan trọng nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; có cơ chế, chính sách kích cầu, khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân, xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, đồng thời biết phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch các nguồn đầu tư; dành tỷ lệ thích đáng kinh phí trực tiếp của Chương trình để hỗ trợ lãi vay nhằm đưa được lượng vốn lớn vào sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết với doanh nghiệp.

Ba là, phải lấy tinh thần thi đua, cạnh tranh làm phương châm chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng; tổ chức hội thảo để rút kinh nghiệm.

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhỡ đến tận cơ sở, thôn, xóm để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gở và đưa ra định hướng cho cơ sở triển khai thực hiện.

Bài học lớn nhất là biết khơi dậy sức dân, trí tuệ và sự chủ động, sáng tạo của người dân; lấy dân làm trung tâm, tuyên truyền cho toàn dân hiểu mục đích xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng quê hương đẹp giàu. Đảng và Nhà nước dựa vào dân và cộng đồng để chăm lo cuộc sống cho dân. Trong quá trình thực hiện phải luôn thực thi Dân là chủ thể, xác định rõ, xã là quyết định - huyện vai trò lớn - tỉnh định hướng và hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách kích hoạt thực hiện Chương trình và kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở sâu sát. Phát huy tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong các hoạt động như lời dạy của của Bác Hồ "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; người nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, để cả tỉnh có phong trào thi đua sôi nổi, nhân rộng mô hình điển hình điển hình để thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM ở mỗi thôn, mỗi xã, mỗi huyện và trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã giành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để thực hiện Chương trình NTM đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và làm khởi sắc bộ mặt nông thôn mới Hà Tĩnh.


    Ý kiến bạn đọc