BỨC TRANH THẾ GIỚI 2012 ĐA SẮC MÀU
EmailPrintAa
10:27 05/02/2013

*2012- Năm của các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lựctại các nước lớn trên thế giới

Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 8 đến 14/11/2012 đã hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo của nền kinh tế số 2 thế giới, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tại Nga, ông V.Putin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3/2012 và trở lại cương vị người đứng đầu Điện Kremli, trong khi Tổng thống tiền nhiệm D.Medvedev trở thành Thủ tướng. 

Tại Pháp, sau 17 năm, quyền lực lại được chuyển giao từ cánh hữu sang cánh tả với thắng lợi của ứng cử viên đảng Xã hội, ông Francois Hollande.

Tại Mỹ, chiến thắng sít sao trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney, tổng thống B.Obama tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2, bắt đầu từ tháng 1.2013. 

Năm 2012 CHDCND Triều Tiên cũng chứng kiến việc ông Kim Jong ul - con trai út của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong il tiếp quản các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước.

Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 16/12/2012 đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục thuộc về đảng Dân chủ Tự do của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chính thức đưa đảng này trở lại nắm quyền sau 3 năm gián đoạn và đưa ông Abe quay lại cương vị thủ tướng của đất nước Mặt Trời Mọc.

Chiến thắng sít sao nhưng mang ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 19/12/2012 đã đưa Bà Park Geun-hye trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm quyền tại nước này.

* Nóng” chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và Đông Bắc Á

Trên Biển Đông, tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc bao quanh bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, dẫn đến tình trạng tranh chấp căng thẳng với Philippines. Trung Quốc cũng tự ý thành lập thành phố Tam Sa, mời thầu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, phát hành hộ chiếu in bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”. Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc công bố kế hoạch kiểm tra, khống chế tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông từ 1/1/2013… Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo cũng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. 

* Bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi

Năm 2012 là một năm bất ổn tại Trung Đông, cuộc nội chiến kéo dài 21 tháng tại Syria đã làm hơn 40 nghìn người  thiệt mạng đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái tại Ai Cập - nơi mà kết quả trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới sẽ chỉ càng làm bùng phát xung đột giữa tổ chức anh em hồi giáo và phe đối lập phi hồi giáo. Căng thẳng Palesxtin - Isarel leo thang, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vẫn bế tắc. Những vấn đề này có thể kéo dài trong năm 2013 và cả những năm tiếp theo.

* Hội nghị cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị có liên quan diễn ra tại Campuchia năm 2012, việc xây dựng cộng đồng và liên kết ASEAN đã được nâng lên một tầm mới. Đề cập đến vấn đề Biển Đông, các nước ASEAN xác định phải thúc đẩy những quan điểm chung đã có, gần đây nhất là tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông. Một điểm đáng lưu ý là ASEAN - Trung Quốc trong năm qua đã đạt được tuyên bố nhân kỷ niệm 10 năm DOC, trong đó khẳng định các bên phải đảm bảo duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982, cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, không làm phức tạp thêm tình hình và làm xung đột leo thang, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin với nhau.

* Bão, lũ, hạn hán gây thiệt hại lớn về người và của

Năm 2012, thế giới lại phải chứng kiến những mất mát đau thương khi siêu bão Sandy đổ vào các nước Trung Mỹ và các bang miền Đông nước Mỹ vào cuối tháng 10 cướp sinh mạng gần 170 người; Cuối tháng 1, đầu tháng 2, băng giá kỷ lục ở Đông Âu làm hơn 50 người chết. Đầu tháng 7, lũ lớn trên diện rộng tại Ấn Độ khiến 121 người thiệt mạng và khoảng 6 triệu người rời bỏ nhà cửa. Cũng trong Tháng 7, lũ lớn ở Triều Tiên làm cho 16.000 người mất nhà; Tháng 8, bão nhiệt đới Saola quét qua nhiều nước châu Á, 44 người chết. Bão Bopha tàn phá Philippines vào đầu tháng 12 làm hơn 1.000 người thiệt mạng, 80 triệu USD của Philippines trôi theo bão Bopha. Hay trận động đất tại Iran (tháng 8) đã làm 180 người thiệt mạng. Ngoài thiệt hại về người với con số lên tới 90 người, bão Sandy còn khiến kinh tế Mỹ mất khoảng 50 tỷ USD; Hạn hán nghiêm trọng nhất trong gần 60 năm qua ở Mỹ đã diễn ra vào tháng 7/2012, mức độ nghiêm trọng tới mức có 26 bang đã phải ban bố tình trạng thảm họa thiên tai, gây cho Mỹ thiệt hại khoảng 12 tỷ USD. 

* Liên minh châu Âu (EU) bất đồng nội bộ, suy giảm ảnh hưởng, khu vực đồng tiền chung Euro rơi vào suy thoái lần hai

EU bất đồng liên quan đến ngân sách chung và các điều kiện cứu trợ đối với các nước rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. Hơn nữa, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro không những chưa tìm ra được lối thoát, mà còn rơi vào suy thoái lần hai với việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 17 nước thành viên sụt giảm liên tiếp vào những tháng cuối năm và dự báo còn trầm trọng hơn trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng nợ công đang bắt đầu tác động đến những trụ cột chính của khu vực đồng Euro là Đức và Pháp. Chính sách giảm bội chi ngân sách bằng cách “thắt lưng buộc bụng” với hệ quả là trợ cấp xã hội giảm, thuế tăng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khiến người dân bất bình. Tại nhiều nước, người dân không chỉ xuống đường phản đối các chính sách khắc khổ, mà còn bày tỏ chính kiến qua những lá phiếu “trừng phạt” như tại các cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp, tổng tuyển cử ở Hy Lạp, các cuộc bầu cử địa phương tại Đức và Italya.

* LHQ công nhận nhà nước Palestine và Cải cách ở Myanmar

Ngày 30/11/2012 đã trở thành ngày trọng đại đối với toàn dân tộc Palestine sau khi LHQ ra quyết định công nhận Palestine là nhà nước độc lập. Với 138 phiếu thuận trên 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, tương đương hơn 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức nâng quy chế của Palestine lên "nhà nước quan sát phi thành viên".

Myanmar đã trở thành điểm sáng trong bức tranh chính trị khu vực khi quốc gia Đông Nam Á này thực hiện thành công lộ trình cải cách dân chủ toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính trị, kinh tế và xã hội. Đây cũng là năm đầu tiên một loạt nước tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này.

* Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Afghanistan

Đúng một năm sau ngày Bin Laden bị tiêu diệt, Tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm Afghanistan đầy bất ngờ. Trong chuyến thăm, Obama ký một thỏa thuận với Tổng thống Karzai, cam kết Mỹ sẽ cung cấp viện trợ phát triển Afghanistan trong 10 năm sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này vào 2013. Từ Afghanistan, Obama đưa ra tuyên bố, trực tiếp đề cập tới người Mỹ rằng "Mục tiêu tôi đặt ra là đánh bại Al Qaeda và tiêu diệt cơ hội thiết lập lại của mạng lưới này, hiện trong tầm với của chúng ta. Chúng ta đã có một con đường quang quẻ để hoành thành sứ mệnh tại Afghanistan".

* Euro 2012 - đánh dấu trong lịch sử 1 đội bóng lần đầu tiên giành 2 cúp vô địch liên tiếp

Ðến với Euro 2012 trên cương vị một nhà đương kim vô địch, đội tuyển Tây Ban Nha còn là đội bóng đương kim vô địch World Cup. Trong lịch sử, chưa có đội bóng nào từng giành liên tục hai chức vô địch Euro. Tuy nhiên với phong độ chói sáng, đội bóng này đã làm nên lịch sử lần đầu tiên giành hai chiếc cúp Euro liên tiếp, đồng thời cũng là đội bóng đầu tiên giành được liền ba chiếc cúp danh giá nhất của làng bóng đá châu Âu và thế giới.

* Vụ xả súng tàn bạo trong trường học ở Mỹ

Vụ xả súng ở trường học tồi tệ thứ hai trong lịch sử nước Mỹ diễn ra ngày 14/12/2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut khiến 20 trẻ em và 6 giáo viên thiệt mạng. Trước khi vào trường thảm sát, hung thủ Adam Lanza 20 tuổi đã bắn chết mẹ mình ở nhà riêng. Khi cảnh sát tới hiện trường, Adam tự bắn vào đầu mình. Động cơ gây án chưa được làm rõ, nhưng dư luận cho rằng có hai vấn đề nổi cộm là sự tác động của yếu tố gia đình (bố mẹ Adam ly thân rồi ly hôn, mẹ hung thủ tích trữ nhiều súng đạn, từng đưa con tới trường bắn để tập bóp cò…) và chính sách quản lý mua bán, sở hữu súng trong dân. Tuy nhiên, quyền sử hữu súng đạn của người dân được ghi rõ trong Hiến pháp Mỹ nên khó có khả năng nước này cấm sở hữu súng đạn như nhiều nước đã làm. Thay vào đó, Mỹ sẽ siết việc đăng ký sở hữu súng.

* Cơn phẫn nộ của người Hồi giáo

 Đầu tháng 9, cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo đối với nước Mỹ đã lan nhanh trên toàn thế giới sau khi bộ phim “Innocence of Muslims” (Sự ngây thơ của người Hồi giáo) của một đạo diễn người Mỹ được công chiếu, trong đó mô tả đạo Hồi như căn bệnh ung thư và nhạo báng nhà tiên tri Muhammad đã gây ra phản ứng bạo lực ở quy mô quốc tế. Các cuộc biểu tình, bạo loạn chống Mỹ diễn ra từ Libya đến Ai Cập, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Australia dẫn đến vụ tấn công cơ quan lãnh sự Mỹ tại thành phố Benghazi của Libya và giết chết đại sứ Mỹ tại nước này… Trước đó, vụ phát hiện một bản kinh Koran bị đốt cháy vứt trong thùng rác tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Bagram, Afghanistan đã thổi bùng lên làn sóng bạo lực chống Mỹ chưa từng thấy ở Afghanistan, Pakistan và Indonesia.


    Ý kiến bạn đọc