Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa
EmailPrintAa
16:25 06/02/2013

Là cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Đảng bộ huyện Hương Sơn nên tôi đến nhiều nơi và được gặp gỡ nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là, chàng trai Võ Trọng Hiếu, xã Sơn Giang vượt lên số phận, gần 10 năm dù bị bệnh tật vẫn kèm cặp các em nhỏ học tập; là giáo dân Phạm Xuân Tình, xã Sơn Lâm hơn 15 năm vận động bà con xây dựng Hũ gạo tiết kiệm; là chị Nguyễn Thị Loan, xã Sơn Trà vừa giỏi công tác hội phụ nữ vừa giỏi về phát triển mô hình chăn nuôi. Những tấm gương điển hình ấy đã và đang tô thắm thêm vườn hoa người tốt, việc tốt của tỉnh nhà. Trong muôn vàn câu chuyện kể về những tấm gương điển hình đó, tôi nhớ nhất là câu chuyện về cụ Nguyễn Đức Cúc (sinh ngày 01/3/1922), là cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn 4, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ vừa vinh dự được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và cũng tròn 65 năm miệt mài sưu tầm tranh ảnh về Bác Hồ đã thôi thúc tôi cầm bút viết về một con người bình dị mà cao quý, một tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nâng trên tay Bộ tranh ảnh về Bác Hồ của cụ Nguyễn Đức Cúc, người đã có công lao cho cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Nghệ An Xô viết anh hùng, Huy hiệu An Ngãi quật khởi, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ và một số huân chương, kỷ niệm chương khác nay đang lâm bệnh nặng, lòng tôi trào dâng niềm thán phục, kính trọng, biết ơn và thầm nhủ lòng học tập đức tính kiên trì và tình yêu Đảng, yêu Bác vô bờ bến của cụ. Bộ tranh ảnh về Bác Hồ được cụ hoàn thành và ghi lời tựa vào ngày 20/4/2012 và đặt tên là “BÁC HỒ KÍNH YÊU CỦA CHÚNG TA”. “Tác phẩm” được đóng bìa cứng, có khổ 20 x 40 cm, dày 2 cm. Trang bìa đầu là ảnh chân dung Bác Hồ và bức hình toàn cảnh nhà quê nội, quê ngoại của Bác. Trang bìa cuối là ảnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và ảnh Lễ Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của toàn quốc. Bộ tranh ảnh có hơn 330 bức ảnh, bức họa về Bác của các nhà báo, nhà nhiếp ảnh và các câu nói nổi tiếng của Bác ghi lại trên sách báo, tạp chí, bìa lịch,… được cụ sưu tầm, cất giữ và sắp xếp một cách tỷ mẩn, kỹ lưỡng, công phu theo trình tự thời gian và sự kiện: Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, với bộ đội, với phụ nữ, với đồng bào các dân tộc, với thương binh Liệt sĩ, với Báo chí cách mạng,… Quả là một công trình thể hiện sự dày công, vốn hiểu biết và trí tuệ uyên thâm, tính khoa học và tình yêu Bác Hồ vô hạn của cụ Nguyễn Đức Cúc. Đồng thời, là một tài liệu có giá trị góp phần biểu hiện đời sống và sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bộ sưu tầm có một tấm ảnh về Bác Hồ là kỷ niệm sâu sắc của cụ với một người cán bộ từ miền Nam ra tập kết ngoài Bắc đã tặng cụ vào năm 1948, lúc đơn vị đóng quân ở chiến khu Bang - Rơn thuộc vùng núi phía Tây huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tấm ảnh cỡ 4 x 6 cm, có Bác Hồ chụp chung cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã được cụ luôn mang theo trong người suốt từ năm 1948 khi chiến đấu từ mặt trận tỉnh Quảng Bình, rồi đến chiến dịch Lê Lợi ở Hòa Bình 1949 - 1950, chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Hà Nam Ninh cuối năm 1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Vĩnh Yên - Phúc Yên đầu năm 1951, tiếp đó đi học ở Trường Lục quân tại Trung Quốc 1951 - 1952 cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng tháng 5/1954 và đến năm 2003, lần vào Lăng viếng Bác, cụ đã tặng lại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và được Giám đốc Viện Bảo tàng đón nhận, ký biên bản bàn giao ngày 10/11/2003. Tâm sự với chúng tôi - lớp cán bộ trẻ, cụ nói: “Tôi rất lấy làm vinh dự đã 55 năm được giữ tấm ảnh Bác Hồ muôn vàn kính yêu trong người và nay lại được đưa vào làm tư liệu quý lưu giữ trong Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, người cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Đức Cúc của quê hương Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh luôn ấp ủ và cố gắng miệt mài thực hiện việc sưu tầm tranh ảnh về Bác Hồ với niềm tin “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Điều tâm niệm của cụ là: luôn khắc sâu trong trái tim mình tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nghĩ tới hình ảnh Bác, bản thân cụ như được tiếp thêm sức mạnh to lớn vượt qua gian khổ, ác liệt trong chiến đấu, học tập và công tác là niềm say mê tuổi già "sống vui, sống khỏe, sống có ích" nơi quê nhà. Không chỉ bền bỉ, thầm lặng cất giữ sưu tầm tranh ảnh về Người hơn nửa thế kỷ qua, cụ Cúc còn là người rất may mắn và hạnh phúc hai lần được trực tiếp gặp Bác và nghe Bác nói chuyện. Lần đầu, khi cụ đang công tác tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, vào một buổi sáng tháng 1/1959, Bác và đồng chí Trường Chinh cùng đoàn cán bộ đến thăm Viện trong lúc đang xây dựng. Cụ còn nhớ hình ảnh Bác đứng ở gần góc tường đang ngổn ngang gạch đá, nói chuyện thân mật và động viên cán bộ công nhân viên đang công tác tại Viện. Sáng hôm sau, đồng chí Trường Chinh lại đến tiếp và có buổi nói chuyện về “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Lần thứ hai vào ngày 8/12/1961, khi cụ đang công tác tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Người về thăm quê lần thứ hai (lần thứ nhất Người về thăm quê vào tháng 6/1957). Lần này, cụ được dự thính buổi Bác nói chuyện với các cụ lão thành cách mạng và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Hội trường Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ An, cụ còn nhớ hình ảnh Bác mặc bộ quần áo kaki bốn túi màu vàng, chân đi đôi dép cao su thật giản dị. Nay Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác qua những lần được gặp mãi in sâu trong tâm trí người cán bộ cách mạng.

Bộ tranh ảnh về "BÁC HỒ KÍNH YÊU CỦA CHÚNG TA" và tấm lòng trung kiên của cụ Nguyễn Đức Cúc đối với Đảng và Bác Hồ đã để lại cho chúng tôi bài học và ý nghĩa sâu sắc. Xuân mới đang về, chúng tôi mong cụ Nguyễn Đức Cúc - tuổi cao chí càng cao, bệnh tình thuyên giảm và bình an. Tấm gương sáng của cụ đã tô thắm thêm vườn hoa người tốt việc tốt của quê hương.


    Ý kiến bạn đọc