Công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc nhóm yếu thế ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:38 06/02/2013

Trong quá trình phát triển, bất kỳ địa phương nào cũng đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như nghèo đói, phân hóa xã hội,... Và trong cộng đồng dân cư nào cũng  luôn tồn tại nhiều nhóm người, trong đó có những phụ nữ nghèo, hộ nghèo, người tàn tật, thiểu năng,… Những con người đó được gọi là lao động thuộc nhóm yếu thế. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, nhóm lao động yếu thế chủ yếu sống ở nông thôn, chiếm hơn 10% dân số cả tỉnh. Trước những khó khăn chung của xã hội về kinh tế, việc làm và thu nhập, nhóm lao động yếu thế rất cần có những chính sách ưu đãi để giúp họ hòa nhập cuộc sống, có cơ hội chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Một trong những chính sách, giải pháp hữu hiệu và có hiệu quả để giúp đỡ nhóm lao động yếu thế vượt lên chính mình đó là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung và đào tạo nghề cho lao động thuộc nhóm yếu thế nói riêng ở Hà Tĩnh luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và bước đầu đạt hiệu quả thiết thực. Theo kết quả điều tra, khảo sát và dự báo ban đầu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 127.251 người có nhu cầu được đào tạo nghề, chiếm 22% tổng số lao động ở khu vực nông thôn, trong đó nhóm lao động yếu thế chiếm 38%. Từ năm 2010 đến nay, Hà Tĩnh đã đào tạo nghề cho 14.276 lao động nông thôn, với 476 lớp dạy nghề. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các chương trình dự án khác để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg với số lượng 3.284 học viên. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đào tạo nghề cho 4.707 lao động  thuộc nhóm yếu thế là những phụ nữ nghèo, hộ nghèo, người bị thu hồi đất sản xuất, người tàn tật (chiếm tỷ lệ 32,97%). Lao động thuộc nhóm này được hỗ trợ toàn bộ học phí đào tạo, tiền ăn, tiền tàu, xe đi lại (nếu tính từ nhà ở đến nơi học cách 15 km trở lên). Trong đó, Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu - Giải quyết việc làm người tàn tật Hà Tĩnh đã đào tạo 14 lớp học nghề, với 410 học viên; Trung tâm Dạy chữ - Dạy nghề Hội người mù Hà Tĩnh đào tạo 8 lớp học nghề cho 206 học viên, đào tạo các nghề: xoa bóp, bấm huyệt; làm tăm bện chổi; tin học; nuôi ong lấy mật; cắt may công nghiệp và dân dụng; điện dân dụng; mây tre đan…

Việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc nhóm yếu thế đã thu được những kết quả nhất định. Trước hết là đã góp phần thay đổi nhận thức về công tác đào tạo nghề; sau khi được đào tạo, trên 65% học viên được giải quyết việc làm và có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, bước đầu đã giúp người dân thực hiện việc chuyển đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa; vận dụng vốn kiến thức, hiểu biết qua các lớp đào tạo để mạnh dạn đầu tư làm ăn. Trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước, qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm hiệu quả như: mô hình chăn nuôi gà, lợn ở huyện Thạch Hà; mô hình trồng nấm; mô hình sản xuất mây tre đan xuất khẩu; tổ hợp chế biến đậu phụ cho các đối tượng là lao động nữ. Xây dựng mô hình chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời tại xã Cương Gián (Nghi Xuân) với 6 mô hình gồm 30 hộ tham gia. Mô hình dạy nghề nuôi ong tại xã Mỹ  Lộc (Can Lộc) đã hình thành câu lạc bộ nuôi ong với 20 thành viên tham gia, đã xây dựng được thương hiệu, đăng ký chất lượng và bao bì sản phẩm. Mô hình dạy nghề mây tre xuất khẩu đã thành lập được 2 tổ hợp sản xuất tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) và xã Mỹ Lộc (Can Lộc), sản xuất cung ứng hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản và các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh. Mô hình sản xuất rau sạch ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cũng mang liệu hiệu quả cao... Các mô hình sản xuất đó đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các lao động thuộc nhóm yếu thế của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ nhóm lao động yếu thế có việc làm, nâng cao thu nhập và chủ động tham gia thị trường lao động, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề, tạo việc làm cho người lao động. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dịch vụ công tác xã hội nhằm phát triển các hình thức hỗ trợ giao dịch trên thị trường lao động, cụ thể là: tư vấn chính sách pháp luật lao động, hướng nghiệp, tìm việc làm cho nhóm yếu thế; tăng cường các giải pháp tạo cơ hội cho người sử dụng lao động, người lao động thuộc nhóm yếu thế tham gia như: tổ chức các hội chợ việc làm dành riêng cho nhóm lao động yếu thế; dạy nghề cho nhóm yếu thế với đa cấp trình độ, chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng cung cấp lao động cho thị trường; đào tạo nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đào tạo phải gắn với xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh của địa phương,…

Bước sang năm mới, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong nước, trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nếu chúng ta biết thực hiện linh hoạt các giải pháp trên sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động thuộc nhóm yếu thế có cơ hội được học nghề, được tham gia lao động sản xuất, từ đó làm tăng thêm niềm tin yêu cuộc sống, giúp họ vươn lên hoà nhập với cộng đồng,  sống có ích cho gia đình, xã hội và góp sức mình vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.


    Ý kiến bạn đọc