MÙA XUÂN CHO EM
EmailPrintAa
16:33 06/02/2013

Giờ đây, trên mỗi con đường, góc phố dường như đều mang hơi thở của mùa xuân, những dòng người, dòng xe tấp nập qua lại. Khắp các khu chợ và hai bên đường đã bày bán nhiều mặt hàng để phục vụ cho ngày tết cổ truyền của dân tộc.“Thật vui sướng khi được cùng người thân đi mua sắm, thật ấm áp và hạnh phúc khi được cùng gia đình quây quần bên nồi bánh chưng và đón giao thừa... Nhưng… Trong cuộc đời này còn biết bao con người, biết bao cảnh đời thiếu maymắn đã không có được những niềm vui giản đơn, bình dị mà rất đỗi thiêng liêng ấy...”. Suy nghĩ về điềuđó, vào một buổi chiều ngày cuối năm, trong tiết trời se lạnh, lất phất mưa phùn, tôiđến thăm Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh để đượctìm hiểu, sẻ chia với những trẻ em bất hạnh nơi đây, mong sao các em sẽ có một mùa xuân thật ấm áp.

Ngôi nhà chung của những mảnh đời thương cảm

Bước chân vào ngôi nhà chung của Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, người đầu tiên tôi gặp là ông Dương Quỹ Đạo - Giám đốc Làng trẻ, người được trẻ em nơi đây gọi với cái tiếng thân thương: “Bố”. Những ngày cuối năm, công việc rất bận rộn, nhưng “Bố” đã dành thời gian để kể cho tôi nghe về Làng trẻ. Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1992, đến nay đã nuôi dưỡng gần 400 em khôn lớn, trưởng thành. Hiện Làng trẻ đang nuôi dưỡng 65 em. Hoàn cảnh của các em khi vào đây đa số là mồ côi cả cha lẫn mẹ; có em hoàn cảnh nghiệt ngã bởi sinh ra từ người mẹ tâm thần; có em ra đời trong cảnh gia đình sa cơ lỡ vận, nghèo khổ cùng kiệt không đảm bảo cuộc sống; Có em là trẻ bị bỏ rơi… Tất cả những mảnh đời cay đắng, nghiệt ngã đã quy tụ về đây, tạo thành một ngôi nhà chung đầy thương cảm.

Người dẫn tôi đi thăm những căn phòng từ thiện xã hội và khuôn viên của Làng trẻ đó là “mẹ” Vương Thị Liễu. “Mẹ” gắn bó với ngôi làng này đã 14 năm, giờ đây trong ký ức của “Mẹ” đã đầy ắp những kỷ niệm buồn, vui lẫn lộn mà mẹ không thể nào quên được. Theo con đường lát gạch, “Mẹ” dẫn tôi đến 4 khu nhà của Làng trẻ. “Mẹ” Liễu giới thiệu: "Làng trẻ căn cứ vào độ tuổi, giới tính và bệnh tật của các cháu để sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Làng gồm một khu nhà dành cho các cháu nam, một nhà dành cho các cháu nữ, một nhà cho người khuyết tật và một nhà cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, còn có một khu nhà hành chính và một khu nhà ăn". Theo sự chỉ dẫn của “Mẹ”, tôi lần lượt đến thăm các khu nhà. Vừa thấy tôi, từ những đứa trẻ mới bốn, năm tuổi đến các em đang học phổ thông đều ùa ra chào đón rất lễ phép. Khu nhà ở của các em tuy không rộng, không được trang bị đầy đủ nhưng được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Các em bảo rằng, so với các bạn cùng trang lứa thì còn thiếu thốn rất nhiều, nhưng được sống trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương của bố mẹ nuôi, các em đã cảm thấy mình may mắn lắm. Em Bùi Thị Huyền - học sinh lớp 11A13, trường Phan Đình Phùng, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hiện nay, Huyền và hai em trai đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong ngôi làng này. Thấu hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ nuôi, ba chị em Huyền cùng với các bạn nhỏ đã thường xuyên nhắc nhở nhau phải luôn chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng dưỡng dục của bố mẹ nuôi. Em bảo: “Dù thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ đẻ, nhưng ở đây, chúng con được các bố mẹ nuôi quan tâm, cưu mang, vỗ về, xem chúng con như con đẻ của mình, nên chúng con không còn thấy thiếu thốn tình cảm nữa”. Lời nói của em thốt lên tự đáy lòng như thay cho lời cảm tạ sâu sắc của tất cả trẻ em ở đây dành cho những người bảo mẫu đã ngày đêm tận tụy chăm sóc, dạy bảo chúng nên người.

Đặt chân đến khu nhà của trẻ sơ sinh, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ thơ ngây, non nớt bị bố mẹ bỏ rơi đang cố gắng dựa vào bờ vai của cô bảo mẫu để tìm một chỗ dựa tin cậy mà lòng tôi quặn thắt. Dường như các em đang thèm lắm mùi sữa ngọt ngào của mẹ, đang cần lắm hơi ấm của người cha. Càng thương cảm những mảnh đời bất hạnh tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả và tấm lòng nhân ái của những bố mẹ nuôi ở đây. Các bố, các mẹ đã sẵn sang hi sinh, chia sẻ hạnh phúc của bản thân, dang rộng vòng tay để ngày đêm nâng giấc con trẻ. Đáng khâm phục hơn là họ còn phải chăm sóc những em bé khuyết tật - những đứa trẻ không thể tự mình sinh hoạt, không biết trời nắng hay mưa, lạnh hay nóng, chúng thường xuyên phải cần đến bàn tay của các mẹ…

Mỗi em một hoàn cảnh nhưng các em đều là những đứa trẻ cô đơn, bất hạnh, được sống, nuôi dưỡng trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương này. Chia sẻ nỗi mất mát lớn lao của các em, bố mẹ nuôi - những con người bình dị mà cao quý đã ngày đêm trăn trở tìm ra nhiều giải pháp để giúp các em hòa nhập cộng đồng, hướng các em tới một tương lai tươi sáng.

Trăn trở tìm tương lai cho con trẻ

Xuất phát từ trái tim nhân hậu, lòng yêu thương con người, các bố mẹ nuôi đã mang hơi ấm đến cho những trẻ em kém may mắn, để các em có thêm niềm vui, niềm tin trong cuộc sống. Theo ông Dương Quỹ Đạo: “do mồ côi cha, mẹ từ sớm, các cháu thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường nên khi vào Làng nhiều cháu có biểu hiện không tốt về nhân cách như trộm cắp, vô lễ, gây gỗ đánh nhau, hay có cháu bị trầm cảm, tự ti… Cùng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cán bộ và nhân viên ở đây nỗ lực, thường xuyên trao đổi, đưa ra những biện pháp giáo dục thích hợp để dạy dỗ các cháu khôn lớn, nên người”. Bằng tình cảm chân thành, trách nhiệm và với nhiều biện pháp giáo dục, các bố mẹ nuôi đã cảm hóa, giúp các em bỏ những thói hư tật xấu, tự tin trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Trước hết bố mẹ nuôi đã giáo dục quản lý các em thông qua lao động sản xuất, hướng dẫn các em làm chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, làm vườn. Trong những năm qua, bố mẹ cùng các em Làng trẻ đã nuôi được 7 con bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gà, thu hoạch được hàng trăm kg cá và cơ bản đã tự túc được rau xanh. Với hình thức này, các em vừa rèn luyện được sức khỏe, vừa có thực phẩm để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và quan trọng hơn là qua lao động các em biết quý công sức của những người đã nuôi dưỡng, chăm sóc mình. Bên cạnh đó, Làng cũng quan tâm đến công tác giáo dục văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ. Hầu hết trẻ em ở đây đều được gửi vào học tại các trường tiểu học, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Các em được mua sắm sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ, được hướng dẫn lên thời gian biểu hàng ngày học ở nhà một cách khoa học, những em lớn học giỏi đều có trách nhiệm kèm cặp các em yếu hơn… Làng trẻ cũng chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước thông qua việc tổ chức đưa các em đi tham quan dã ngoại, thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cho các em tham gia vào các chương trình giao lưu, gặp mặt… Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành chức năng tuyên truyền, kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, ủng hộ để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, vui chơi. Nhờ những biện pháp giáo dục nghiêm khắc nhưng đầy tình thương và trách nhiệm, các em sống trong ngôi nhà chung đã không còn tự ti, mặc cảm, luôn có ý thức vươn lên. Mẹ Liễu tâm sự: "Những người bố mẹ nuôi như chúng tôi rất đỗi tự hào và cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy lũ trẻ khôn lớn, trưởng thành từng ngày. Những năm qua, Làng trẻ đã 01 cháu tốt nghiệp thạc sĩ, 10 cháu tốt nghiệp đại học, 50 cháu tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề; hàng trăm cháu giờ đã có việc làm sống trên mọi miền đất nước, nhiều cháu đã trở thành cán bộ cốt cán của một số cơ quan, doanh nghiệp, có cháu tốt nghiệp đại học được cử làm chuyên gia tại nước Mỹ. Ngoài ra, Làng có 37 cháu đã xây dựng gia đình riêng". Đây quả thực là một thành công lớn của các bố mẹ nuôi ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, ở họ luôn chứa đựng tình yêu thương bao la dành cho con trẻ. Mẹ Liễu đã từng chia sẻ với những đứa con thân yêu của mình rằng: “Người ta thường nói: “tình mẹ bao la như biển Thái Bình”  nhưng có lẽ tình mẹ đối với các con còn rộng lớn hơn thế!”. Thật vậy, nếu không giàu lòng nhân ái, sự sẻ chia, những người bố, người mẹ ở đây sẽ không thể nào có nhiệt huyết để ngày đêm trăn trở tìm hướng đi cho con trẻ, dạy chúng biết vượt lên số phận, cùng cộng đồng xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Để các em có một mùa xuân thật ấm áp và hạnh phúc

Say sưa với những câu chuyện kể về cuộc sống của các em mồ côi, “mẹ” Liễu chợt nhắc đến những kỷ niệm của Làng trẻ mỗi khi Tết đến xuân về.

Với những đứa trẻ bình thường, Tết là ngày hạnh phúc nhất bởi chúng được sum họp, quây quần bên những người thân yêu. Còn các em mồ côi ở ngôi làng này lại không có được niềm hạnh phúc giản đơn mà bình dị ấy. Hiểu được tâm trạng cô đơn của con trẻ, trong những ngày Tết, các bố, các mẹ ở đây đã lo lắng, tất bật chuẩn bị cho các em đón Tết. Theo “mẹ” Liễu “ngày thường các mẹ đã lo, ngày Tết các mẹ còn phải lo hơn”. Hàng năm, vào những ngày trước Tết, các bố mẹ ở đây đã phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, kêu gọi, vận động các nhà từ thiện quan tâm, giúp đỡ để Làng có thêm phần kinh phí tổ chức vui Tết, đón xuân cho các em. Bởi vậy, trong ngày Tết, em nào cũng có quần áo mới, cũng được thưởng thức hương vị của bánh chưng xanh, được giao lưu văn nghệ với các anh chị tình nguyện, được quây quần bên các bố mẹ nuôi cùng đón giao thừa, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới… Chính điều đó đã phần nào sưởi ấm tâm hồn những trẻ em bất hạnh đang sống ở ngôi làng này.

Khi được hỏi về Tết Quý Tỵ 2013, “Bố” Đạo cho biết: “Những ngày này, Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội; đã có nhiều tổ chức, cá nhân đến đăng ký hỗ trợ về vật chất và tinh thần để Làng chuẩn bị Tết cho các cháu. Có thể kể đến như nhóm sinh viên Trường Đại học Seoul (Hàn Quốc) đăng ký tặng chăn ấm và thực phẩm; đội sinh viên tình nguyện đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương và học sinh Trường Chuyên tỉnh Hà Tĩnh đăng ký tặng quà, biểu diễn chương trình văn nghệ “Xuân ấm tình người”;… Tất cả những việc làm tình nguyện ấy đều xuất phát từ tình yêu thương con người, từ sự ước mong làm sao để các trẻ em Làng SOS Hà Tĩnh sẽ đón Tết sung túc hơn… Mặc dù Làng trẻ còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức cho các cháu đón một cái Tết đảm bảo chu đáo, vui vẻ, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm”. 

Tết đã đến rất gần, cũng giống như bao đứa trẻ khác, những em bé mồ côi tội nghiệp đang sống ở Làng trẻ này cũng có những ước muốn của riêng mình. Em Bùi Thị Huyền “mong mọi người ở đây đều vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc”. Hầu hết các em đều mong muốn “ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân để chúng em có một mùa xuân thật sự ấm áp và hạnh phúc”…

Chia tay Làng trẻ, nhưng hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên với những ước mơ giản dị, mộc mạc cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Để những điều ước của các em được trở thành hiện thực, còn cần lắm những tấm lòng nhân ái, sự chung tay của cả cộng đồng. Mong rằng, với sự sẻ chia, đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, những em nhỏ Làng trẻ mô côi Hà Tĩnh sẽ có một mùa xuân thật ấm áp.


    Ý kiến bạn đọc