Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở Đảng
EmailPrintAa
10:23 05/02/2013

Từ thực trạng…

Công tác kiểm tra, giám sát là bộ phận quan trọng không thể tách rời trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu là góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực cầm quyền của Đảng; phát hiện, khắc phục cơ bản tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ trong Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

Đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào quần chúng đòi hỏi tổ chức cơ sở đảng phải luôn quan tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo, phát huy vị trí, vai trò vốn có là nền tảng của Đảng và hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng ở cơ sở đã được quán triệt khá đầy đủ, kịp thời Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát nên đã có những bước chuyển biến rõ về nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập vẫn chưa được khắc phục. Không ít cấp ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở hiểu biết đường lối, quan điểm, chủ trương và các hướng dẫn, quy trình nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát nhìn chung còn đơn giản, sơ sài; tổ chức thực hiện nhiệm vụ không đều đặn, không thường xuyên, hầu hết chỉ làm theo từng vụ việc cụ thể. Cá biệt có nơi thiếu khách quan, thiếu chính xác trong kết luận kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nên làm phức tạp thêm tình hình địa phương, đơn vị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên. Lực lượng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, đến nay vẫn chưa có cán bộ chuyên trách và các chế độ chính sách phù hợp, các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động kiểm tra, giám sát. Ở cơ sở, công tác kiểm tra, giám sát gắn liền với mọi hoạt động của nhân dân tại các khu dân cư, ảnh hưởng bởi tình làng, nghĩa xóm, anh em, họ hàng nên thường có tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh trong cán bộ được phân công nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và sự nặng nề, bức xúc, giao động, thiếu hợp tác, không chấp hành trong đối tượng được kiểm tra, giám sát. Điều đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, nhiều cuộc đã rơi vào bế tắc, bỏ dở, có tiến hành kiểm tra, giám sát nhưng không thể kết luận được.

Những hạn chế nói trên của công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn không ít khuyết điểm, yếu kém, nhất là trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi.

Đến giải pháp…

Để góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngay tại cơ sở, cùng với việc tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức, các tổ chức cơ sở đảng cần phải đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng bằng các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở và các chi bộ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Định kỳ tổ chức nghiên cứu, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên để tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nói riêng.

Hai là, đảng ủy, chi ủy cơ sở, từng cấp ủy viên, chi ủy viên cần nắm vững quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng (nhất là về quan điểm, nguyên tắc, thẩm quyền, phương hướng, phương châm, phương pháp, quy trình, thủ tục) và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quan điểm: "thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; "giám sát phải mở rộng", "kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm".

Ba là, đảng ủy, chi ủy cơ sở phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên theo dõi lĩnh vực, địa bàn và tăng cường năng lực, trách nhiệm của các thành viên cấp ủy trong việc chủ động tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Từng cấp ủy viên phải nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân, kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng thuộc phạm vi phụ trách, từ đó, đề xuất cấp ủy có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hoặc kịp thời kiểm tra, giám sát để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm có thể xảy ra.

Bốn là, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc gương mẫu đi đầu trong tu dưỡng, rèn luyện và làm theo, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm trong cán bộ, đảng viên nhằm chủ động phòng ngừa vi phạm từ khi còn manh nha. Chú trọng kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các chương trình, dự án trên địa bàn; quản lý đất đai, tài nguyên; việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; chế độ sinh hoạt Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Kịp thời xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với đảng viên ngay tại cơ sở, tránh để dây dưa, kéo dài, vượt cấp.

Năm là, phát huy vai trò trách nhiệm của ủy ban kiểm tra cơ sở trong tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Những tổ chức cơ sở đảng gặp khó khăn, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thì cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ đảng bộ, chi bộ cơ sở tháo gỡ. Đưa việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thành chỉ tiêu thi đua, phân loại, đánh giá chất lượng tổ chức cở sở đảng hằng năm. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân nơi cán bộ, đảng viên cư trú tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

Sáu là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp ủy viên, chi ủy viên, cán bộ Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở (nhất là những đồng chí mới tham gia cấp ủy, chi ủy, ủy ban kiểm tra lần đầu) để nắm vững và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới (đảng bộ bộ phận, chi bộ trong đảng bộ cơ sở) thực hiện nghiêm việc sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát hằng năm gắn với sơ kết, tổng kết thực hiện công tác xây dựng Đảng. Qua đó, đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở cấp mình.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đầu của Đảng trong tình hình mới.


    Ý kiến bạn đọc