Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
EmailPrintAa
09:36 05/02/2013

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”(1), “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”(2). Chi bộ là đơn vị lãnh đạo và chiến đấu của Đảng ở cơ sở, là nơi gắn liền Đảng với quần chúng, nơi vận động và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nơi phản ánh những ý kiến, kinh nghiệm và nguyện vọng của đảng viên và quần chúng kịp thời lên cấp trên. Chi bộ còn là nơi trực tiếp quản lý đảng viên, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực công tác của đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng. Hoạt động của chi bộ địa bàn dân cư chủ yếu là sinh hoạt chi bộ.

Trong những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 09- HD/BTCTW, ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ địa bàn dân cư trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã có những chuyển biến tích cực: Nội dung, phương thức sinh hoạt đã có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng thôn xóm; quy trình tổ chức sinh hoạt cơ bản được đảm bảo; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đã được phát huy; lịch sinh hoạt được duy trì khá đều đặn, đại bộ phận đảng viên đều chấp hành sinh hoạt một cách nghiêm túc; chất lượng sinh hoạt chi bộ dân cư đã được nâng lên rõ rệt; công tác tư tưởng, tổ chức, vận động quần chúng và kiểm tra của Chi bộ đã được tăng cường; hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư chi bộ nông thôn, kết nạp trên 200 quần chúng ưu tú vào Đảng, phân loại chi bộ có trên 40% đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt trên 85%, sinh hoạt chi bộ cơ bản được duy trì đều đặn hàng tháng. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở các địa phương.

Tuy vậy, sinh hoạt chi bộ địa bàn dân cư hiện nay trên địa bàn huyện Nghi Xuân vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm khá phổ biến: Nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, hình thức sinh hoạt còn thiếu đa dạng, phong phú, chủ yếu là sinh hoạt chính trị, các hình thức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt học tập còn rất ít; tính giáo dục trong sinh hoạt chưa đương quan tâm đầy đủ, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đến với đảng viên; thông tin về tình hình thời sự thiếu cập nhật và phổ biến kịp thời; công tác tự phê bình và phê bình còn thiếu thường xuyên, chất lượng thấp, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng chưa được coi trọng đúng mức; công tác chuẩn bị sinh hoạt của chi ủy có nơi còn sơ sài, không họp chi ủy để thống nhất nội dung trước khi chi bộ sinh hoạt. Mặc dầu các Nghị quyết của chi bộ đều được ban hành đầy đủ sau mỗi kỳ sinh hoạt song ở một số chi bộ các nghị quyết đi vào cuộc sống vẫn còn hạn chế, vì thiếu các kế hoạch tổ chức thực hiện một cách bài bản và thiếu sự phân công cho đảng viên thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên. Có chi bộ khi triển khai nghị quyết ở cuộc họp thôn không tạo được sự thống nhất cao của nhân dân vì trưởng thôn không phải là đảng viên nên không nắm bắt được đầy đủ nội dung sinh hoạt của chi bộ và nghị quyết của chi bộ để định hướng cho nhân dân, mặt khác khi sinh hoạt thôn phần nhiều đảng viên không đi dự sinh hoạt mà cử đại diện gia đình đi thay nên thiếu các ý kiến thảo luận có chất lượng. Trong sinh hoạt chi bộ, có những vấn đề đảng viên thắc mắc nhưng không được cấp ủy giải đáp đầy đủ, cụ thể, kịp thời, dẫn đến đảng viên thiếu thống nhất về tư tưởng và hành động, hoài nghi, gửi đơn thư vượt cấp; công tác lãnh đạo của chi bộ đối với các tổ chức đoàn thể còn hạn chế.

Qua tìm hiểu, những hạn chế, khuyết điểm nêu trên không phải chỉ ở Nghi Xuân mà  có ở nhiều đơn vị khác.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đó là: Bí thư chi bộ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, công sức của bí thư chi bộ bỏ ra rất nhiều, áp lực công việc lớn, nhưng chế độ chính sách đối với bí thư chi bộ còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa tạo được động lực để đảng viên phấn đấu làm bí thư chi bộ; bí thư chi bộ ít được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị lại không cập nhật được thông tin một cách kịp thời; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động còn thiếu thốn, việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu để phục vụ cho công việc của nhiều bí thư chi bộ không đầy đủ; một số chi bộ có xu hướng “lão hóa”, tuổi đời trung bình của đảng viên trên 60 tuổi, bí thư 70 tuổi, vì nhiều năm không kết nạp được đảng viên trẻ hoặc quần chúng mới được kết nạp vào Đảng thì đi làm ăn, học tập ở nơi khác; tính xây dựng và kỷ luật trong đảng viên trẻ chưa cao, đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt ít có ý kiến phát biểu; một số đảng viên trình độ hạn chế, thiếu tính tiên phong, gương mẫu.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ địa bàn dân cư, trước hết cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên thông qua việc tổ chức học tập quán triệt có chất lượng các chỉ thị, nghị quyết, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan tâm giáo dục “tính Đảng”, cung cấp các thông tin thời sự trong nước và quốc tế cho đảng viên. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào có đạo, không nên chạy theo số lượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý kịp thời đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm khuyết điểm để giữ vững kỷ luật Đảng; phân loại đảng viên hàng năm đúng thực chất, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên gương mẫu, có thành tích trong hoạt động của chi bộ. 

Hai là, tăng cường sinh hoạt học tập, sinh hoạt chuyên đề, đưa các chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, chuyên đề về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… vào sinh hoạt; cần xây dựng các mô hình sinh hoạt chuyên đề ở từng địa phương để nhân ra diện rộng; phát huy dân chủ, công khai minh bạch các hoạt động của chi bộ, thường xuyên tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chất lượng. Cấp ủy chi bộ cần phải chuẩn bị tốt cho các buổi sinh hoạt của chi bộ, nâng cao chất lượng việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của chi bộ, tránh tình trạng nghị quyết ban hành nhiều nhưng không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc. Cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên nhất là đảng viên trẻ; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của chi bộ đối với các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Ba là, nâng cao năng lực, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của bí thư chi bộ. Cần tổ chức các lớp đào tạo tập trung ngắn hạn (khoảng một tháng), hàng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho bí thư chi bộ, định kỳ tổ chức thi bí thư chi bộ giỏi, vinh danh bí thư chi bộ giỏi; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng những bí thư chi có năng lực, đủ điều kiện làm cán bộ, công chức cấp xã; nâng mức phụ cấp của bí thư chi bộ lên hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung theo tinh thần Nghị định 92/2009/NĐ-CP; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của bí thư chi bộ.

Chi bộ là nền tảng, là gốc rễ của Đảng, chi bộ có mạnh thì tổ chức Đảng các cấp mới vững chắc. Việc xây dựng chi bộ đảng ở địa bàn dân cư ngày càng trong sạch, vững mạnh trong tình hình hiện nay là hết sức bức thiết. Vì vậy, cấp ủy Đảng các cấp trên chi bộ cần có các giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh những hạn chế khuyết điểm trong hoạt động của chi bộ địa bàn dân cư, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, chất lượng hoạt động của chi bộ, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, trang 240

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, trang 243


    Ý kiến bạn đọc