Thời gian qua, cùng với báo chí cả nước, báo chí Hà Tĩnh đã có những bước phát triển nhanh chóng về nhiều mặt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tờ báo địa phương, 01 Đặc san, 41 bản tin của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, 45 trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh có 141 phóng viên, biên tập viên được cấp thẻ nhà báo; có 12 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo Trung ương và tỉnh bạn.
Có thể nói, Báo chí Hà Tĩnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, định hướng tuyên truyền của tỉnh, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhân dân và đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tích cực tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, nhằm thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, báo chí đã tập trung tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh… Nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Báo chí đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển và thực hiện quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Một số phóng viên báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa. Nội dung các chương trình, chuyên đề, bài viết chưa sinh động, phong phú và hấp dẫn, chưa có nhiều bài viết sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; thiếu những bài viết sắc sảo, mang tính định hướng chính trị và có những dự báo, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tình trạng báo chí thông tin thiếu kịp thời, chính xác vẫn còn xảy ra. Một số báo ngành của Trung ương phản ánh một số vấn đề của tỉnh, của các địa phương, đơn vị thiếu cân đối giữa các mặt tích cực và tiêu cực, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số phóng viên còn tập trung khai thác các khía cạnh giật gân, câu khách hơn là định hướng xã hội, do đó đã có những thông tin gây bất lợi cho sự ổn định và phát triển chung của tỉnh. Một số báo mạng đưa nhiều tin vụn vặt, bắt chước hoặc sao chép nhau, nhất là khi có các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa và truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, gây phản cảm trong độc giả, gây tâm lý không tốt trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Hiện tượng một số ít phóng viên, cộng tác viên hoạt động vì lợi ích cá nhân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người làm báo...
Để báo chí hoạt động đúng định hướng, đảm bảo tôn chỉ, mục đích và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí. Cần thống nhất nhận thức: Đảng lãnh đạo báo chí là đề ra chủ trương, chính sách về công tác báo chí, định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí; định hướng chính trị và nội dung thông tin, tuyên truyền của báo chí; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan báo chí. Đồng thời, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí; đề cao vai trò đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo; trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí và nhà báo. Nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hóa, khoa học của các cơ quan báo chí trong tỉnh, để báo chí Hà Tĩnh thật sự là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Mở rộng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo báo chí với tỉnh bạn; Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch bằng nhiều hình thức trong đó chú trọng việc tăng cường đăng tải các bài báo của đội ngũ nhà báo giàu kinh nghiệm và tâm huyết; Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên.
Bước sang năm 2013, Báo chí Hà Tĩnh cần tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp, các tổ chức, tạo phong trào thi đua sôi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Tiếp tục tuyên truyền việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 35, Kết luận số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 33 của UBND tỉnh về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 31 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tuyên truyền việc lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992…; Tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của tỉnh; Đẩy mạnh tuyên truyền công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất của tỉnh; thông tin đối ngoại; Tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; Tăng cường các tin, bài tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các địa phương, đơn vị…
Tin tưởng rằng bước sang năm mới, báo chí Hà Tĩnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, có nhiều đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của tỉnh nhà.
Tin mới cập nhật
- 10 DẤU ẤN CỦA HÀ TĨNH NĂM 2012 ( 18/02)
- BÁC HỒ VỚI VĂN HOÁ TẾT ( 18/02)
- HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ( 18/02)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) ( 07/02)
- Tích cực tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 ( 07/02)
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" ( 07/02)