SỨC MẠNH CỦA LÁ PHIẾU TÍN NHIỆM - CƠ HỘI CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
EmailPrintAa
09:30 05/02/2013

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra những giải pháp giúp mỗi tổ chức đảng, đảng viên, nhất là những người đứng đầu khắc phục những tồn tại, hạn chế. Gần đây, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu. Cả hai vấn đề trên tưởng chừng thuộc hai lĩnh vực khác nhau song thực chất lại có mối liên hệ, bổ sung hết sức chặt chẽ. Tìm ra những yếu kém, khuyết điểm để sửa chữa và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp là hai nhiệm vụ song hành nhằm chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, làm cho Đảng ta đủ sức lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn với 95,18% ý kiến tán thành trong tổng số đại biểu có mặt.

Theo tinh thần của Nghị quyết về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành phần quan trọng được quy định cụ thể trong nghị quyết. Nghị quyết quy định 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Nghị quyết cũng quy định về điều kiện để bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2 mức độ là "tín nhiệm", "không tín nhiệm". Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm. Quy trình đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đại biểu nhân dân là khá chặt chẽ, xác định căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm. Qua đó, góp phần tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân với đại biểu và sự giám sát lẫn nhau giữa các đại biểu, nâng cao vai trò của người đại biểu trước Đảng, trước nhân dân. Người có tín nhiệm thấp hoặc không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì có thể xin từ chức hoặc được xem xét để miễn nhiệm, cách chức là những quy định thể hiện rõ nét trách nhiệm chính trị lớn lao thôi thúc mỗi đại biểu phải hoàn thành. Thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 và chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ là công cụ hữu hiệu giúp từng tổ chức Đảng “phanh phui”, xử lí nghiêm những hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, loại ra khỏi bộ máy quyền lực những thành phần thoái hóa, biến chất, thiếu tinh thần, trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân…

Bỏ phiếu tín nhiệm cho nhân sự cao cấp Nhà nước, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương là chủ trương đúng, hợp lòng dân song hiệu quả đến đâu và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với việc khắc phục những khuyết điểm trong Đảng như thế nào là vấn đề mà dư luận còn băn khoăn. Do đó, chỉ khi nào việc bỏ phiếu xuất phát từ động cơ trong sáng, trung thực, công tâm của chủ thể chứ không phải vì cái ghế hay phục vụ cho một nhóm người hoặc một nhóm lợi ích thì sức mạnh của lá phiếu tín nhiệm mới thực sự được phát huy và đóng góp hiệu quả vào việc chỉnh Đảng. 


    Ý kiến bạn đọc