SỨC XUÂN VŨNG ÁNG
EmailPrintAa
17:04 06/02/2013

Vũng Áng được đánh thức sau hàng triệu năm ngủ yên. Nhưng giờ đây, Vũng Áng đang dang rộng vòng tay “đón muôn tàu bè nối trùng khơi”. Những ngày cuối năm 2012, Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng nhộn nhịp đón xuân về trong âm thanh rộn rã của một đại công trường.

 

Điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư

Trong bối cảnh trầm lắng của suy thoái kinh tế, KKT Vũng Áng vẫn nhộn nhịp người, xe, rộn ràng tiếng máy, tiếng còi trên đất liền và mặt biển. Điều gì làm cho vùng đất phía nam Hà Tĩnh tràn đầy sức sống trong bối cảnh chung ấy?

Năm 2012, KKT Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 5 KKT ven biển trong toàn quốc được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015. Và Vũng Áng đã và trở thành một trung tâm công nghiệp với các ngành như: luyện kim, điện năng, hoá dầu…; các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Tham gia trong chuỗi hình thành ấy là nhiều nhà đầu tư có uy tín trong nước và quốc tế như Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn Human (Hàn Quốc), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... Sự tham gia của những “tên tuổi” ấy đã biến KKT Vũng Áng thành một thỏi nam châm thu hút nhiều nhà đầu tư khác. Điều đó đã góp phần gia tăng tính hấp dẫn của Vũng Áng trong bức tranh kinh tế hiện nay. Đến nay, KKT Vũng Áng có 200 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trong đó có 70 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư) với tổng số vốn đầu tư gần 16 tỷ USD.

Trong số các dự án đã và đang triển khai, nổi trội là dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh gồm các hạng mục lớn như: nhà máy thép, nhà máy điện và cảng biển. Sau hơn 4 năm được cấp giấy phép đầu tư và hơn 2 năm nhận bàn giao mặt bằng, vừa qua Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã tổ chức lễ thi công nhà máy luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Lễ khởi công là dấu mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp luyện thép tại Hà Tĩnh, góp phần vào sự phát triển chung của ngành thép Việt Nam. Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn quan tâm, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho Tập đoàn Formosa và các nhà đầu tư nước ngoài khác hợp tác đầu tư thuận lợi, hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam’’. Đồng thời Thủ tướng biểu dương cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và chỉ đạo có hiệu quả trong việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào KKT.

Bên cạnh đó, sau hơn một thập kỷ đi vào hoạt động, cảng Vũng Áng đã góp đóng phần quan trọng là đòn bẩy cho sự phát triển của KKT Vũng Áng nói riêng và kinh tế hàng hải Hà Tĩnh nói chung. Cảng Vũng Áng hiện diện trên bản đồ hàng hải thế giới với những ưu thế về độ sâu, kín gió vào loại bậc nhất của Việt Nam và khu vực, lại nằm ở vị trí “đắc địa” thuận lợi cho mạng lưới giao thông nội địa, quốc tế. Đặc biệt, từ tháng 6/2010 Cảng đã đưa bến số 2 vào khai thác để đón nhiều tàu có tải trọng 30 - 45 vạn tấn. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch “một cửa” đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tàu thông thương nhanh chóng. Thêm vào đó là sự phối hợp đồng bộ của Chi cục Hải quan Vũng Áng bằng việc thông quan điện tử nên lượng hàng hoá, nhất là từ nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan đã chảy về Vũng Áng ngày càng tăng. Hôm nay, Cảng Vũng Áng đang rộn rã tiếng còi tàu đón xuân về để tích cực quảng bá “Thương hiệu Khu Kinh tế Vũng Áng” trong nước và ra thế giới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và chăm lo cho nhân dân

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, để thu hút đầu tư có hiệu quả, Hà Tĩnh luôn tạo cơ chế thông thoáng, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, cấp uỷ và chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp nhằm giải quyết nhanh gọn, dứt điểm các vấn đề liên quan và chia sẻ những khó khăn với nhà đầu tư.

Trong đợt kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm tại KKT Vũng Áng vào cuối năm vừa qua, đồng chí Võ Kim Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực các nhà đầu tư đã tích cực triển khai quyết liệt các dự án, đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Đồng chí nói: “Cùng với việc GPMB, tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để phục vụ các nhà đầu tư như: xây dựng hệ thống kênh tách nước phân lũ phòng chống ngập úng, hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng, cung cấp các dịch vụ điện nước, thông tin liên lạc... Chính quyền cũng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp đồng bộ các bên đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả”.

Xác định công tác GPMB là khâu then chốt, trọng yếu trong thực hiện các dự án, Hà Tĩnh đã thực hiện một quyết định có tính lịch sử là huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện và cơ sở thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư. Để các dự án triển khai đúng tiến độ, nhân dân Kỳ Anh sẵn sàng dời nhà, nhường đất và mặt biển cho dự án. Cùng với đó, Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phục vụ công tác GPMB và xây dựng các khu tái định cư (TĐC). Đồng chí Lê Trọng Bính - TUV, Bí thư Huyện uỷ Kỳ Anh cho biết: Sau khi bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, tỉnh, huyện luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng. Kỳ Anh tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh để giải quyết các chế độ, chính sách theo hướng có lợi cho dân nhất. Trong đó vấn đề giải quyết việc làm, an ninh xã hội được ưu tiên hàng đầu.

Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp, người lao động và trường đào tạo, Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực KKT Vũng Áng thường xuyên cập nhật thông tin về lao động và việc làm để hỗ trợ các bên có nhu cầu. Từng bước triển khai nhân rộng mô hình sàn giao dịch việc làm tại KKT Vũng Áng. Năm 2012 đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.200 hồ sơ xin việc, trong đó có 338 hồ sơ của lao động của 5 xã tái định cư được tuyển dụng. Trung tâm đã phối hợp tích cực với Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Trường Đại học Hà Tĩnh… mở các lớp đào tạo nhân lực phục vụ KKT. Đồng thời theo dõi sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc ưu tiên tuyển dụng sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Kỳ Anh tiến hành mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về các mô hình kinh tế cho người dân vùng tái định cư như: chăn nuôi an toàn sinh học, trồng nấm, làm hàng mây tre đan xuất khẩu, chế biến suất ăn công nghiệp... Kết quả đã góp phần đảm bảo an sinh đời sống cho đại đa số nhân dân.

Trong cái lạnh cuối đông, chúng tôi đã cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân trên các khu tái định cư khi đời sống các hộ dân đã đi vào ổn định, từng bước được đảm bảo các chế độ, chính sách của Nhà nước. Nhiều hộ bắt tay vào kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ thương mại, chăn nuôi… Bà Trương Thị Nguyệt ở khu TĐC xã Kỳ Liên vui vẻ tâm sự: “Dời nhà, bàn giao đất là việc quan trọng của làng, của huyện để phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chẳng để dân thiệt đâu, mình phải hy sinh để con cái có thêm cơ hội học hành, nghề nghiệp. Nhận tiền đền bù, gia đình tôi xây nhà, ổn định nơi ở mới, số tiền còn lại mở dịch vụ hàng hoá. Chúng tôi vừa kinh doanh, vừa chăn nuôi lợn theo dự án của Hội Phụ nữ huyện, thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, đảm bảo cuộc sống và lo cho 3 con đang học trường THPT và cao đẳng nghề ở Hà Tĩnh. Sắp tới ra trường sẽ xin vào làm việc ở KKT Vũng Áng”. Còn ở  thôn Nhân Thắng xã Kỳ Phương, anh Nguyễn Văn Sơn phấn khởi nói: “Từ số tiền đền bù sau khi xây lại nhà mới, gia đình tôi vay thêm ở ngân hàng chính sách mua chiếc xe tải hơn 750 triệu đồng để chở hàng và buôn bán vật liệu xây dựng, trừ các khoản chi phí mỗi tháng mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng”. Không dấu niềm vui, anh cho biết dự định năm tới sẽ mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trên con đường phát triển, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân Hà Tĩnh đều chung sức, đồng lòng, vươn lên, vượt khó, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng KKT Vũng Áng trở thành một trung tâm công nghiệp của cả nước.


    Ý kiến bạn đọc