Những cánh chim đầu đàn đưa Hà Tĩnh vươn xa
EmailPrintAa
15:12 19/03/2013

Cách đây 529 năm (1484-2013), trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442 có khắc ghi những dòng chữ :"... Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...". Cho đến hôm nay, lời vàng ngọc ấy luôn vẹn nguyên giá trị.

Với Hà Tĩnh, một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài cho quê hương và đất nước không nằm ngoài lời răn đó của bậc tiền nhân. Mảnh đất này từ bao đời đã hun đúc, nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài, trở thành “nguyên khí quốc gia”. Cho đến hôm nay, các bậc hiền tài là trí thức Hà Tĩnh đã, đang sinh sống, lao động, học tập chiến đấu trên quê hương cũng như khắp mọi miền Tổ quốc luôn cống hiến trí tuệ, tâm sức của mình hướng về đất Mẹ Hà Tĩnh thân yêu với tâm nguyện để Hà Tĩnh vươn xa, vươn cao xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và niềm mong mỏi, khát vọng vươn lên của bao thế hệ người dân nơi đây.

Các nghiên cứu lịch sử đều cho thấy: Trí thức Hà Tĩnh xuất hiện muộn hơn 200 năm so với trí thức Thăng Long. Năm 1075, Vua Lý mở khoa thi đầu tiên, nhưng mãi đến 1275, khu vực Nam sông Lam trở vào mới có Đào Tiêu đậu tiến sỹ. Tuy sinh sau đẻ muộn, song trí thức Hà Tĩnh đã phát triển nhanh chóng. Hà Tĩnh trở thành một trong những chiếc nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông Đồ Nghệ là một hình ảnh đẹp từ xưa đã được cả nước biết đến. Sau cách mạng, truyền thống hiếu học, khổ học của Hà Tĩnh càng phát huy cao độ (1). Số người đỗ đạt ở Hà Tĩnh không thua kém các tỉnh khác với nhiều làng khoa bảng, làng tiến sỹ, với nhiều bậc hiền tài, chí sỹ, nhiều người con Hà Tĩnh trên khắp mọi miền Tổ quốc giờ đây là giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học, nhà sử học, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà khoa học; con em Hà Tĩnh luôn đỗ đạt cao, thành tài, thành danh trên mọi lĩnh vực  Đó chính là nền tảng, là truyền thống bao đời hun đúc nên những con người ưu tú, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH quê hương Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Thời gian qua, đội ngũ trí thức Hà Tĩnh không ngừng lớn mạnh. Trong tỉnh hiện có 32.344 trí thức, trong đó có 5 giáo sư và phó giáo sư, 31 tiến sỹ, 576 thạc sỹ, 26.827 đại học, 4906 cao đẳng. Đây là lực lượng năng động sáng tạo, luôn đi đầu trong lĩnh vực KH&CN và trong cơ chế mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh. Bên cạnh còn có trên 140 giáo sư, 500 phó giáo sư, 1200 tiến sỹ là con em của quê hương Hà Tĩnh đang công tác trên mọi miền Tổ quốc. Họ luôn hướng về quê hương và có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho tỉnh nhà.  Đội ngũ trí thức - đó chính là "vàng ròng đất nước”,  của quê hương Hà Tĩnh(2). Họ đã luôn xung kích trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động. Trí thức trong các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn cho bà con nông dân, thợ thủ công ở các làng nghề về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, cải tạo đất, phòng chống hoang mạc hoá, sản xuất phân bón, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT ở các địa phương... giúp người dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống; Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tham gia góp ý kiến vào nhiều chương trình, dự án KT-XH của tỉnh; tổ chức thực hiện hàng trăm đề tài, dự án KH&CN, phát triển sản xuất, đạt hiệu quả cao. Không thể không nhắc đến đó là: đội ngũ trí thức ngành Giáo dục với 300 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp ngành. Trí thức ngành Y tế có 35 sáng kiến cải tiến được áp dụng và thực hiện 310 đề tài cấp ngành, 250 đề tài cấp cơ sở. Trí thức ngành Nông nghiệp đã du nhập thành công 17 công nghệ, hàng chục sáng kiến kinh nghiệm, thực hiện trên 30 đề tài cấp nhà nước và cấp ngành phục vụ cho các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trí thức ngành Công nghiệp đã có trên 327 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, trong đó có 16 sáng kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo... Với những thành tích đó, thời gian qua Hà Tĩnh luôn nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về hoạt động sáng tạo kỹ thuật... Nổi bật là các dự án: "Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi lợn rừng và con lai theo quy mô trang trại", "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông và cá trê đồng", "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn"... Trên các lĩnh vực, xuất hiện ngày càng nhiều các quy trình công nghệ và thiết bị mới, giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đứng vững trên thị trường. Ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào các quá trình sản xuất, cải tạo giống, đã thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Trí thức trong tỉnh và ngoài tỉnh đã tham gia có hiệu quả các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; chủ động, tích cực tham gia đóng góp xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương. Những ý kiến tư vấn, phản biện của cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia đã có giá trị khoa học và thực tiễn, cung cấp nhiều luận cứ khoa học xác đáng, giúp lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành có thông tin cần thiết để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các chương trình, dự án của tỉnh, các ngành, địa phương.

Hiện nay, nhiều dự án, chương trình kinh tế - xã hội lớn đang được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi, Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức  rất cần sự vào cuộc, ủng hộ, chung tay góp sức và đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức trong tỉnh và ngoài tỉnh. Làm sao để  đội ngũ trí thức Hà Tĩnh trở thành vàng ròng”, là nguyên khí của quốc gia, của mảnh đất Hà Tĩnh, làm sao để đội ngũ trí thức ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển phồn vinh, thịnh vượng của tỉnh nhà – đó là điều trăn trở lớn của các cấp lãnh đạo qua nhiều thời kỳ cũng như của  bao thế hệ người dân Hà Tĩnh. Muốn vậy ngoài sự nỗ lực của chính cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, nỗ lực vươn lên của nhân dân Hà Tĩnh thì chúng ta cần chú trọng xây dựng cơ chế thuận lợi, lâu dài để phát huy vai trò và trân trọng những đóng góp của đội ngũ trí thức. Vì hơn ai hết và hơn bất cứ lúc nào, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cũng mong muốn đội ngũ trí thức tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, trở thành những cánh chim đầu đàn đưa Hà Tĩnh bay cao, vươn xa ra biển lớn.

--------------

(1). Tạp chí Cộng sản tháng 8/2008- Hà Tĩnh với công tác xây dựng đội ngũ trí thức (Lê Công Lương)

(2). Trích lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam ngày 13/8/2011.


    Ý kiến bạn đọc