Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" Thêm một dấu ấn khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị, thuỷ chung, son sắc
EmailPrintAa
10:58 06/12/2012

 Nguyễn Viết Trường
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi

Trong lịch sử mối quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một. 

Năm 2012 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ Việt Nam - Lào, được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước chọn làm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” nhằm thiết thực kỷ niệm hai sự kiện trọng đại: 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2012). Để chào mừng sự kiện trọng đại này, thời gian qua Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực trong đó có cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Đây là cuộc thi có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thu hút được sự quan tâm của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà và đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn đảng bộ. Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, tạo thêm một dấu ấn sâu sắc khẳng định tình đoàn kết, gắn bó, thuỷ chung, son sắt giữa Việt Nam và Lào nói chung và quan hệ gắn bó giữa Hà Tĩnh với các tỉnh bạn Khăm muộn và Bôlykhămxay nói riêng.

 Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” có điểm đặc biệt so với các cuộc thi khác được thể hiện ở chỗ: người tham gia cuộc thi có nhiều chủ đề để lựa chọn. Tuy nhiên nội dung các chủ đề lại có phạm vi tương đối rộng, yêu cầu người viết phải dựa trên những cứ liệu lịch sử đồng thời phải đạt một trình độ nhận thức, khả năng tổng hợp cao, thể hiện được tình cảm của bản thân về mối quan hệ đặc biệt, thủy chung Việt Nam - Lào trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai. Cao hơn nữa, bài thi cần thể hiện được tình cảm của cả thế hệ mà người viết đại diện, thể hiện được sự vận động và xu hướng phát triển tất yếu trong quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ của cả hai nước, hai dân tộc phải tiếp tục gìn giữ, vun đắp. Với một nội dung rộng lớn, sâu sắc và có tính khái quát như vậy, nhưng bài viết chỉ gói gọn trong 4.000 từ (hơn 4 trang giấy A4) quả là một bài toán khá khó khăn cho những người tham gia cuộc thi. Tuy vậy, kết quả đạt được của cuộc thi đạt được lớn hơn sự mong đợi của Ban Tổ chức. Sau hơn 6 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của 100% các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh với 148.826 bài thi viết và hơn 10.000 lượt người tham làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính hàng tuần. Các địa phương có số lượng bài thi viết lớn như Cẩm Xuyên (56.475 bài); Can Lộc (21.873 bài); Thạch Hà (15.500 bài)... Trong số 148.826 bài viết dự thi, Ban Giám khảo đã chọn 200 bài viết có nội dung tốt vào vòng trong, sau đó lựa chọn 50 bài đạt kết quả cao nhất gửi Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương, đồng thời chấm và lựa chọn trao giải cho các tập thể và cá nhân có những bài viết xuất sắc, chất lượng.

Trong quá trình lựa chọn và chấm giải, Ban Tổ chức, ban giám khảo cuộc thi đã thật sự xúc động và trân trọng trước những bài viết rất tâm huyết, có sự đầu tư công sức, trí tuệ của nhiều cá nhân và tập thể. Nhiều vị giám khảo còn nói: chưa bao giờ họ đọc được nhiều bài thi xúc động như thế! Trong bài thi của mình, một cán bộ trẻ, mới vào nghề viết rằng: “bài thi của tôi được nghiên cứu và viết bằng cả trái tim, tâm huyết của đoàn viên thanh niên - thế hệ đang trực tiếp gìn giữ, vun đắp và phát huy vai trò của mối quan hệ đặc biệt này”.

Có những bài viết được viết nên bằng sự cảm nhận của riêng mình nhưng cũng có những bài viết được viết nên từ ký ức đẹp đẽ, qua những lời kể của các thế hệ cha anh đi trước - những người từng sống, chiến đấu vì mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào. “chúng tôi - những đứa con sinh ra sau chiến tranh, được sống trong một nền hòa bình trọn vẹn. Đất nước Lào hiện lên trong ký ức của tôi chủ yếu qua những câu chuyện mà cha tôi kể từ ngày ông tham gia quân tình nguyện giúp đỡ nhân dân Lào và Cam pu chia giải phóng đất nước. Tuổi thơ tôi lớn lên với những câu chuyện thật đẹp về đất nước, con người Lào và những địa danh gắn bó với cha tôi trên đất nước bạn Lào... Ông nội tôi đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, cha tôi tuổi đã cao, chúng tôi - những đứa con không sinh ra trong chiến tranh và được sống trong một nền hòa bình... Những hình ảnh tốt đẹp của mối quan hệ Việt - Lào từ khói lửa chiến tranh qua những câu chuyện của cha là viên gạch đầu tiên cho tình cảm của thế hệ chúng tôi về một đất nước Lào tươi đẹp, về một nền văn hóa Lào đặc sắc với những người Lào mến khách, chân thành, lương thiện, về một mối tình thủy chung đặc biệt, là hành trang để chúng tôi phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào” - Tác giả một bài viết tâm sự.

Những giá trị truyền thống quý báu trong mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào đã được tác giả của nhiều bài viết thể hiện một cách sinh động và nhân thực, thể hiện được tư tưởng, tình cảm mà người viết muốn gửi gắm. Thông qua đó khẳng định được mối quan hệ truyền thống Việt - Lào là tất yếu, là cơ sở thắng lợi của cách mạng mỗi nước trong quá khứ, là điều kiện cho sự phát triển của mỗi nước ở hiện tại và tương lai.

Bên cạnh những số liệu, chứng cứ lịch sử trong quan hệ hai nước, thông qua bài thi viết, các thí sinh đã thể hiện được tình cảm đáng trân trọng của bản thân, của gia đình, dòng họ và đại diện cho cả thế hệ người Việt Nam đối với mối tình thủy chung Việt Nam - Lào. Điểm đặc biệt và cực kỳ có ý nghĩa trong Cuộc thi lần này, đó là tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các thế hệ, từ những người đã sống gần trọn 1 thế kỷ, cho đến những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Cuộc thi có sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân, từ những người nông dân đến cán bộ, công chức, những người trong lực lượng vũ trang, những người thuộc các tôn giáo và dân tộc khác nhau. Đặc biệt, có những bài thi được thực hiện bởi hai người: một người là công dân Việt Nam, một người là con em của nhân dân các bộ tộc Lào... đó là minh chứng hùng hồn cho sự sát cánh bên nhau không chỉ trong lịch sử, trong quá khứ, không chỉ là những sứ mệnh cao cả, mà ngay trong việc cùng sát cánh bên nhau tham gia một cuộc thi. Có những bài viết thực sự gây xúc động mạnh cho Ban Tổ chức và Ban Giám khảo, xúc động không chỉ vì nội dung bài viết mà bởi chính những con người tham gia. Có những người tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng bằng những tình cảm quý báu giành cho con người và đất nước bạn Lào, với những ký ức hào hùng của một thời cùng bạn chiến đấu chống kẻ thù chung, họ đã viết nên những trang viết sinh động và đầy màu sắc về mối quan hệ đặc biệt thủy chung, trong sáng này. Tiêu biểu như Cụ Nguyễn Thụy, 95 tuổi - Cán bộ lão thành cách mạng, thuộc Hội hữu nghị Việt - Lào huyện Cẩm Xuyên; cụ Nghiêm Y, 85 tuổi - xã Đức Yên - Đức Thọ; Bác Lê Hải Dương, 64 tuổi - Hội Cựu chiến binh phường Đức Thuận - thị xã Hồng Lĩnh. Tất cả những bài viết này đều đã được các cụ, các bác viết tay, có chèn ảnh tư liệu minh họa gửi tham gia cuộc thi. Bác Phạm Lệ Xuân - xã Kỳ Long - Kỳ Anh đã thực hiện bài viết bằng tay đã 4 lần trực tiếp đến nộp và sửa bài tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, với lý do bình thường như là xin sửa một câu, một ý mà mình vừa nghĩ ra, vừa nhớ lại, mặc dù rất đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, thể hiện ý thức, trách nhiệm cao cả của người viết với mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào nói chung và với cuộc thi nói riêng. Những tình cảm đó thật là đẹp đẽ và đáng trân trọng!

Ngoài những nội dung bắt buộc, nhiều tác giả còn công phu đưa thêm nhiều tư liệu quý và các bức ảnh giá trị để minh họa. Một số bài thi, phần tư liệu liên hệ có thể trở thành tài liệu tham khảo đặc biệt cho những thế hệ sau về mối quan hệ Việt - Lào. Có những bài thi được thực hiện công phu bằng hai ngôn ngữ: Việt Nam và Lào, hai tác giả là con em 2 nước Việt Nam - Lào đang sinh sống và học tập trên quê hương Hà Tĩnh…

Đến với cuộc thi theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả các tác giả đều thể hiện một điểm tương đồng, đó là: ý thức xây dựng, gìn giữ, bồi đắp và mong muốn phát huy mối quan hệ truyền thống đặc biệt thủy chung giữa hai dân tộc Lào, Việt Nam.  Kết thúc cuộc thi cấp tỉnh, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất tập thể cho Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh và 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích cho các đơn vị; Về cá nhân, giải Nhất được trao cho Võ Xuân Báu (Đài PT-TH tỉnh) và 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích. Để ghi nhận sự cố gắng vượt qua mọi khó khăn về khoảng cách, tuổi tác, sức khỏe, đồng thời có sự động viên chính đáng đối với các thí sinh dự thi, Ban Tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi đã quyết định tặng thêm ba giải phụ.

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” đã thành công tốt đẹp, đó là bằng chứng sinh động thể hiện tình cảm đặc biệt của nhân dân Hà Tĩnh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung trong việc củng cố, gìn giữ mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt thủy chung Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Tin tưởng rằng, với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi được gìn giữ, vun đắp để mối quan hệ đặc biệt đó “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.


    Ý kiến bạn đọc