Khi Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND
EmailPrintAa
14:53 05/12/2012

Tháng 4 năm 2009, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 42 - KH/TU về thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và thị trấn không tổ chức HĐND đã hướng dẫn tiêu chuẩn cụ thể như: Độ tuổi, có trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm trong công tác đảng, chính quyền. Qua triển khai ở 16 xã/12 huyện, thành phố và thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh (từ tháng 5/2009) cho thấy, số cán bộ đảm đương công việc này cơ bản đạt tiêu chuẩn đề ra. Việc triển khai mọi nhiệm vụ ở địa phương phụ thuộc vai trò của một cá nhân đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, vì vậy, đòi hỏi người cán bộ đó phải có phương pháp làm việc khoa học, sự tổng hợp, tính quyết đoán… trong công việc.

Chủ trương lớn, hợp lòng dân

Qua gần 4 năm triển khai thí điểm mô hình nhất thể hoá chức danh Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã ở 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhìn chung hoạt động hiệu quả tốt, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là do làm tốt công tác tuyên truyền, chọn lựa nhân sự nên hầu hết đội ngũ này đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh: phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kinh nghệm về công tác đảng, chính quyền; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc dân chủ; có sức khoẻ và uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân... Đại đa số đội ngũ này đều trưởng thành từ cơ sở, trải qua làm nhiều chức vụ khác nhau, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn: Đại học 93,75%, tuổi đời bình quân 45,25... - Ông Trần Xuân Quang - Trưởng phòng huyện - ngành và cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết.

Đến công tác ở những xã miền núi cũng như đồng bằng do đồng chí Bí thư đồng thời Chủ tịch xã điều hành hoạt động đều dễ nhận thấy đối với mỗi người khách là có đội ngũ cán bộ giúp việc năng động, nội bộ đoàn kết, kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ hưu trí ở xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (xã triển khai mô hình thí điểm Bí thư đồng thời  Chủ tịch) tâm sự: Đây là hình thức điều hành và lãnh đạo hoạt động trong đảng và chính quyền mới nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác ở cơ sở; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng uỷ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND cấp xã, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng, hợp với lòng dân mà Đảng và Nhà nước đã mạnh dạn đưa ra thí điểm nhằm giảm bớt bộ máy cồng kềnh, ngân sách hàng năm là không nhỏ.

Phát huy những mặt tích cực

Theo báo cáo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì ở những xã triển khai mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã có sự đoàn kết, thống nhất cao giữa ý chí và hành động của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến các đơn vị, thôn, xóm. Nhiệm vụ của cấp trên và nghị quyết của đảng ủy, HĐND đề ra được UBND tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, bảo đảm tiến độ. Những vấn đề mới phát sinh được thống nhất xử lý kịp thời, các đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân được giải quyết thấu tình đạt lý. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, đội ngũ cán bộ chủ động hơn trong công việc. Nền nếp, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ xã có chuyển biến tích cực, nhiệm vụ của đảng ủy phân công và chính quyền giao được đội ngũ cán bộ tham mưu sát đúng và thực hiện có hiệu quả. Mối quan hệ giữa lãnh đạo của cấp ủy và chỉ đạo điều hành quản lý của chính quyền được gắn kết và có chiều sâu. Trong chỉ đạo điều hành và quản lý của chính quyền được tăng cường, các biện pháp và giải pháp tổ chức thực hiện linh hoạt, không bị gò ép, song vẫn bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo và đúng quy định của pháp luật.

Qua tiếp xúc và trò chuyện với một số nhân dân ở những xã thực hiện mô hình thí điểm họ đều cho rằng: Mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vừa làm cho việc triển khai thực hiện nghị quyết của đảng ủy đạt hiệu quả và thiết thực hơn. Khắc phục được tình trạng bao biện làm thay của Đảng đối với chính quyền và hạn chế việc buông lỏng quản lý của chính quyền, kiểm tra của Đảng. Làm cho quyền lực ở cơ sở tập trung, thống nhất. Qua đó, một mặt nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, đồng thời làm cho công tác lãnh đạo của đảng ủy, chỉ đạo điều hành của chính quyền sát thực tiễn và linh hoạt hơn. Các vấn đề được tập trung chỉ đạo, giải quyết nhanh gọn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đưa vấn đề này trao đổi với Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thị Nữ Y cho biết: Việc "nhất thể hóa" chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với công tác Đảng, chính quyền và phong trào địa phương. Vì vậy, nếu không có những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, công tâm, am hiểu sâu sắc công tác Đảng, chính quyền, vì cái chung thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ thực tế thực hiện qua gần 4 năm, tôi thấy đây là một chủ trương đúng cần tổng kết rút kinh nghiệm để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình này.

Cần có cơ chế phù hợp

Có thể khẳng định rằng, qua gần 4 năm triển khai mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã ở 16 xã, thị trấn trên toàn tỉnh là thời gian chưa dài nhưng không phải là ngắn để chúng ta nhận thấy những mặt ưu điểm, hạn chế của mô hình này. Theo đồng chí Mai Khắc Tám - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc thì cái khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục là: “Một người đảm nhận hai vai cho nên phải mất nhiều thời gian tham gia các cuộc họp liên quan đến công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; công việc tăng lên nhiều, nhưng chế độ, phụ cấp kiêm nhiệm còn thấp (mới được hưởng nguyên lương của bí thư đảng ủy cộng thêm 20% theo Nghị định 92 của Chính phủ), chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của chức danh cán bộ đảm nhiệm. Đồng thời cần sớm có quy định, quy chế rõ ràng để phân định chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ của bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND với cấp ủy, HĐND, UBND, không để lẫn lộn "vai" Đảng với chính quyền. Mô hình hoạt động khá lâu nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đội ngũ cán bộ giúp việc. Bên cạnh đó cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ bảo đảm đủ tiêu chuẩn về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Nâng cao năng lực, vai trò của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy cấp trên, trong quá trình thực hiện mô hình.…”

Quốc Tuấn


    Ý kiến bạn đọc