Người đem đến niềm vui cho bà con bản Thoọng pẹ
EmailPrintAa
10:48 06/12/2012

Tôi trở lại Thoọng Pẹ vào những ngày chớm Đông, mưa trên đất Việt Nam thì tầm tã, nhưng sang đến đất Lào trời nắng, hanh heo. Đây chính là thời điểm mà các y, bác sỹ bệnh xá Thoọng Pẹ vất vả nhất bởi sự chuyển mùa khắc nghiệt ở vùng biên này.

Năm 2008, nhận thấy sự cấp thiết phải xây dựng một bệnh xá quân dân y cho bản Thoọng Pẹ, vì người dân Lào ở đây vừa xa trung tâm tỉnh Bôlykhămxay, vả lại muốn về bệnh viện trung tâm Hương Sơn - Hà Tĩnh cũng mất hàng trăm km. Người dân Lào ở đây từ lâu với tập quán lạc hậu, ốm đau chỉ cầu Trời, khấn Phật, lấy lá rừng chữa bệnh. Vì vậy Ban Chỉ huy Đồn BPCK Quốc tế Cầu Treo đã đề xuất với Bộ Chỉ huy BĐBP tổ chức khảo sát, đầu tư giúp đỡ 100% vốn và công sức xây dựng nên bệnh xá Thoọng Pẹ thuộc huyện Napê, tỉnh Bôlykhămxay (Lào).

Bệnh xá ra đời, nó như một kỳ tích ở vùng biên này bởi cả một khu vực rộng lớn của huyện Napê chỉ có một trung tâm y tế của huyện và một là bệnh xá Thoọng Pẹ.  Niềm vui của dân Thoọng Pẹ nhân lên gấp bội. Họ không vui mừng sao được vì từ đây người dân được chăm sóc y tế tốt, nhiều ca bệnh được cứu chữa kịp thời, việc phòng bệnh được quan tâm thường xuyên, số dân khỏe đạt tỷ lệ cao. Có sức khỏe ổn định, họ yên tâm sản xuất canh tác trồng rừng, vì vậy kinh tế Thoọng Pẹ ổn định, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển. Thành tích đó là của tập thể Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh. Song người góp công làm nên những thành công ấy là đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh xá Thoọng Pẹ, trong đó phải kể đến đại úy, bác sỹ Lê Văn Sơn, Trạm trưởng Trạm quân, dân y kết hợp Thoọng Pẹ. Từ một y sỹ đã có 10 năm công tác ở vùng người Chứt ở bản Rào Tre và bản Giàng, Hương Khê, Hà Tĩnh, Lê Văn Sơn được cử đi học đào tạo Bác sỹ. Năm 2010, anh tốt nghiệp và được điều về đảm nhiệm Trưởng Trạm Quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ.

Những ngày đầu quả là khó khăn đối với anh, ngôn ngữ bất đồng, xa chỉ huy, chỉ đạo, bệnh nhân đông, trang thiết bị ít ỏi, cơ số thuốc hạn chế. Trạm chỉ có anh, y sỹ Lê Văn Thiện và y sỹ Nguyễn Văn Phương. Song với tấm lòng của người lính quân y đã có những năm tháng cực kỳ ý nghĩa khi cùng với BĐBP tỉnh cứu giúp tộc người Chứt ở Hương Khê, từ một bộ người sống du canh, du cư giữa rừng Trường Sơn, bệnh tật đói rét tưởng chừng đã làm tộc người này bị mai một, giờ đây họ đã nhờ BĐBP có cuộc sống ổn định. Khi trở về cương vị mới với lòng nhiệt tình và kinh nghiệm quý báu anh đã dồn tâm sức với người dân Lào. Anh nói: “Nơi đây là hậu cứ cách vùng Lào - Việt, người dân bao đời thủy chung, chịu đựng gian khổ, chở che cán bộ, giúp đỡ cách mạng vì vậy phải có trách nhiệm giúp đỡ trong khi họ còn khó khăn nhiều mặt. Địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, người dân đủ các bệnh “thượng vàng, hạ cám””. Hàng ngày anh phải làm việc từ 6h sáng đến 21h, bất kể ngày hay đêm, mưa gió rét mướt, có khi phải đi cấp cứu hàng chục km. Nhưng với lòng nhiệt tình, trách nhiệm anh vẫn không nề hà. Không chỉ có dân ở Thoọng Pẹ mà “Tiếng lành đồn xa” có cả quân nhân, công an ở trạm  công an Nậm Ngang, cán bộ, dân ở Thà Khẹc, Nậm Cà Tạ, Pắc Xắn đều đến xin khám, chữa bệnh  .

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2012, bệnh xá Thoọng Pẹ đã khám điều trị 6.694 ca bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2671 ca, trị giá 66.700.000đ. Đặc biệt trong quá trình khám chữa bệnh đã tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, thận trọng tỉ mỉ, vì vậy không để xảy ra sự việc đáng tiếc,được chính quyền tin tưởng, nhân dân yêu mến.

Tâm sự với tôi, đại úy, bác sỹ Lê Văn Sơn giãi bày: “Trong điều kiện hiện nay khó khăn là cơ sở vật chất còn yếu, thiếu, trong khi đòi hỏi chẩn đoán điều trị ngày càng cao.  Vì nếu không phát hiện kịp thời  mà chuyển bệnh nhân lên tuyến trên phải đi 200km đường rừng, tỉ lệ rủi ro cao. Khó khăn nhất hiện nay là chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng. Vì vậy tôi chỉ mong cấp trên quan tâm  đầu tư cho Trạm 1 máy siêu âm thì sẽ rất tốt cho chẩn đoán nhanh, nhất là các bệnh nhân cấp tính”.

Tìm hiểu cuộc sống của các y, bác sỹ ở đây quả là họ còn gặp nhiều khó khăn thực sự, với đồng lương khiêm tốn, xa nhà, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giá cả leo thang. Ví như tiền ăn của Trưởng trạm chỉ có 2 triệu, nếu sinh hoạt ở đồn BP có bếp ăn tập thể thì tạm đủ, nhưng nếu ở Thoọng Pẹ giá cả cao hơn, sinh hoạt đơn lẻ thì rất thiếu thốn vì tỉ giá giữa kíp Lào và đồng Việt Nam luôn biến động, mất giá. Anh khiêm tốn đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP cùng với Sở y tế nghiên cứu để các y, bác sỹ ở đây được hưởng chế độ hỗ trợ như với các bệnh xá quân dân y kết hợp khác.

Tạm biệt Thoọng Pẹ lòng tôi dâng lên cảm xúc mãnh liệt: Ở vùng ngoại biên này vẫn có những người lính biên phòng hy sinh vì cuộc sống người dân biên giới nước Bạn, vì tình hữu nghị Việt- Lào ngàn đời bền vững. Đại úy Lê Văn Sơn - người bác sĩ quân y mẫu mực, vững vàng trên vùng biên, hai năm liền (2011-2012) anh được bầu là Chiến sỹ thi đua.

Thái Hà


    Ý kiến bạn đọc