Cờ đỏ sao vàng – Hồn thiêng Tổ quốc
EmailPrintAa
17:21 15/09/2014

Lá cờ nền đỏ sao vàng năm cánh là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân và cả đất nước Việt Nam. Lá cờ đó luôn phấp phới tung bay trên các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, xí nghiệp, nhà máy, công trường và trước mỗi gia đình người Việt. Lá cờ đó cũng đang phấp phới tung bay trên toàn thế giới…
 

Trước hết ta hãy tìm hiểu về sự xuất xứ của lá cờ Tổ quốc hôm nay. Vào khoảng thời gian 1938 – 1940, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Khỏe, hai ông Lê Quang Sô người Bến Tre và ông Nguyễn Văn Tiến người Hà Nam là hai tác giả sáng tạo ra lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Với ý tưởng: Nền đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết, tinh thần chiến đấu anh dũng trong sự nghiệp giải phóng bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta hồi bấy giờ. Màu vàng tượng trưng cho màu sáng, màu đất. Năm cánh tượng trưng cho khối đại đoàn kết sỹ, nông, công, thương, binh. Lá cờ ấy lần đầu tiên xuất hiện và phấp phới tung bay trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Ngày 04/02/1941, Bác Hồ về tại Pắc Bó chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh, Bác đã chọn lá cờ đỏ sao vàng làm cờ của Mặt Trận. Từ đó lá cờ ấy dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày 02/9/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên tại cột cờ Hà Nội. Cũng ngày ấy hàng trăm lá cờ to, nhỏ phấp phới tung bay thành một rừng cờ trước vườn hoa Ba Đình lịch sử. Bòng cờ, bóng Bác hòa quyện thành một không gian hoành tráng, một khí thế hào hùng, rạo rực chưa từng có. Hàng ngàn người lắng nghe như nuốt hết từng câu, từng chữ trong Bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu long trọng đọc trước quốc dân, đồng bào và trước toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đã 69 năm qua lá cờ đỏ sao vàng trở thành hồn thiêng của sông núi, sức mạnh của cả dân tộc, khí thế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ở đâu có phong trào cách mạng là ở đó có cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, cờ ra mặt trận, cờ đến công trường, cờ về đồng ruộng… Lá cờ đó luôn dẫn dắt, vẫy gọi mọi người vượt qua gian khổ, hy sinh tiến lên giành thắng lợi. Trước đây ở trong vùng địch tạm chiến lá cờ đỏ sao vàng gọi tắt là cờ Tổ quốc được bí mật cất dấu trong nhà, trong hầm, được giữ gìn như một báu vật. Nhiều người thà chịu bắt bớ, tù đày, chém giết song không buông lá cờ, không để lá cờ Tổ quốc rơi vào tay giặc. Kiêu hãnh và oai hùng biết bao khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờcáttờri ở Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Rồi lá cờ đó trở về với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến vào ngày 10/10/1954, ngày ta tiếp quản thủ đô yêu dấu. Suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, lá cờ Tổ Quốc chúng ta tung bay trên bờ bắc cầu Hiền Lương sông Bến Hải Quảng Trị (dưới vĩ tuyến 17). Năm 1962, lần cuối cùng trước khi giải phóng Miền Nam, lá cờ Tổ Quốc ở bờ bắc sông Bến Hải cầu Hiền Lương đã ngày đêm vẫy gọi quân và dân hai miền Nam Bắc quyết tâm ”đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”,  giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước như lời Bác Hồ kính yêu đã từng kêu gọi. Đến ngày 30/4/1975, lá cờ Tổ Quốc lại hiên ngang phấp phới tung bay trên cột cờ Dinh Thống Nhất. Với ngày lịch sử quang vinh đó, lá cờ đỏ sao vàng hồn thiêng sông núi lại tràn ngập cả thành phố mang tên Bác Hồ - thành phố Hồ Chí Minh. Cả thành phố ngập tràn cờ và hoa. Cũng từ đó lá cờ của Tổ quốc chúng ta lần lượt tung bay khắp năm châu bốn biển. Sung sướng, tự hào biết bao khi lá cờ Tổ quốc chúng ta được kéo lên để mừng các vận động viên thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ Đại hội thể thao, mừng các thí sinh Việt Nam đạt giải cao các kỳ thi Olimpic Toán, học, Vật lý, Hóa học… và trong nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa… quan trọng khác của khu vực và thế giới.

Không thể nói hết sự xúc động, tự hào khi vào những giờ phút thiêng liêng trọng đại, những sự kiện lịch sử, những mốc son chói lọi của đất nước, của địa phương, lá cờ Tổ quốc được tung bay kiêu hãnh. Một sự kiện không thể nào quên, làm nức lòng cả dân tộc Việt Nam là vào ngày 30/4/2014 vừa rồi nhân dân Quảng Trị đã thay mặt cho nhân dân cả nước làm lễ thượng cờ tại bờ Hiền Lương sông Bến Hải trong dịp nhận bằng Di tích lịch sử đặc biệt của nhà nước.

Gần đây lại mở ra một sự kiện quan trọng nữa là lá cờ đỏ sao vàng được dựng lên ở đảo Trường Sa rộng 54m2 tượng trưng cho sức mạnh của 54 dân tộc quyết bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đi theo đó là hàng vạn, hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng do các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tặng cho các lực lượng hải cảnh, kiểm ngư và ngư dân đang làm ăn và bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc. Trong những giờ phút lịch sử thiêng liêng trọng đại của dân tộc thì lá cờ được phất cao như vẫy gọi mọi người tiến lên phía trước.

Với ý thức dân tộc, với tinh thần yêu nước nồng nàn nhân dân ta đã xem lá cờ Tổ quốc là một biểu tượng thiêng liêng, hùng tráng, là một niềm tự hào kiêu hãnh của mỗi người. Do đó, như một thói quen không thể thiếu là cứ đến một dịp lễ, hay nhân một sự kiện chính trị trọng đại nào đó là tất cả cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện đến từng đường làng, ngõ xóm, nhà riêng… đâu đâu treo cờ Tổ quốc ở những vị trí trang trọng nhất. Những năm gần đây các cơ quan, đơn vị đã tổ chức lễ chào cờ vào ngày đầu của mỗi tháng. Trong buổi lễ đó, lãnh đạo đơn vị sẽ biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích trong tháng qua, nhìn nhận, đánh giá lại kết quả công tác, nêu ra các ưu - khuyết điểm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho tháng tiếp theo. Dưới lá cờ Tổ quốc, mọi người cùng hát vang bài hát Quốc ca, như cùng nhau nhắc nhở về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm của bản thân trước gia đình, trước công việc và trước xã hội… Việc thực hiện chủ trương treo cờ Tổ quốc vào các dịp quan trọng là hết sức đúng đắn, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đó chính là một hình thức giáo dục lòng yêu nước cho mọi người nhất là thế hệ trẻ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm sâu.

Tuy vậy trong thực hiện vẫn còn những điều phải uốn nắn như: Một số người không thuộc bài quốc ca, một số cơ quan, đơn vị và nhiều hộ gia đình cách treo cờ còn tùy tiện, thiếu trang nghiêm như treo cờ ở những nơi không chính diện, có những lá cờ đã bạc màu, rách nát v.v. Mong rằng những khiếm khuyết đó sẽ sớm được khắc phục.

Theo tôi việc treo cờ, chào cờ Tổ quốc cần được ghi vào quy ước của các ngành, các cấp và hương ước của các làng xã, thôn xóm, khu phố, thôn bản một cách đầy đủ nhằm làm cho mọi người tự giác thực hiện một cách nghiêm túc, nhằm  đem lại giá trị giáo dục lớn cho các thế hệ người dân Việt Nam, nhất là cho thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng về một biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc./.

Dương Xuân Thâu


    Ý kiến bạn đọc