Mối quan hệ giữa hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng
EmailPrintAa
17:30 15/09/2014

Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời Đảng đã nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Đến Cách mạng Tháng Tám thành công Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Lãnh đạo và cầm quyền đối với đất nước là vấn đề rất hệ trọng quyết định đến sự tồn tại cũng như vị trí và uy tín của Đảng, gắn liền với sự phát triển của cách mạng nước nhà. Cho nên Đảng phải hết sức quan tâm đến việc đổi mới sự lãnh đạo nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề này từ Đại hội VII của Đảng, cách đây hơn 20 năm đã nêu: “Đảng kiên quyết khắc phục những tệ độc đoán, chuyên quyền, bao biện làm thay công việc Nhà nước và các đoàn thể nhân dân nhưng không thể từ đó lại dẫn đến sai lầm cực đoan khác là buông lơi sự lãnh đạo của Đảng”. Đến Đại hội IX, Đảng lại tiếp tục nêu: “Khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay chức năng nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền”. Vấn đề này cả trong nhận thức và trong thực tiễn vẫn đang chồng chéo hoặc đang bị lạm dụng, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng.

1. Cần hiểu rằng Đảng “nắm chính quyền” thông qua những người đại diện của mình để trực tiếp thực hiện công việc quản lý trong bộ máy nhà nước. Còn hoạt động “lãnh đạo của Đảng” là tổ chức vận động thuyết phục nhân dân đi theo Đảng, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng đề ra. Như vậy hoạt động lãnh đạo của Đảng không gắn với quyền lực (quyền lực hiểu ở đây là quyền lực cứng mang tính cưỡng chế, ép buộc). Hoạt động lãnh đạo của Đảng có nội dung lớn là vận động, thuyết phục nhân dân đi theo Đảng, còn hoạt động cầm quyền là hoạt gắn với quyền lực, mà cụ thể là “nắm quyền lực nhà nước”, đây là quyền lực chính trị của Đảng cầm quyền.

Với tư cách là người sáng lập ra Đảng và Nhà nước ta, Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt khá rõ về sự khác nhau giữa hoạt động lãnh đạo và hoạt động cầm quyền của Đảng. Theo Người, hoạt động lãnh đạo được thể hiện qua sự tác động, ảnh hưởng của Đảng, của mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên đối với quần chúng nhân dân; còn hoạt động cầm quyền của Đảng thể hiện sự tác động, ảnh hưởng, chi phối của Đảng, của các tổ chức Đảng và đảng viên đối với nhà nước và tổ chức chính quyền các cấp. Hoạt động lãnh đạo của Đảng thông qua mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân; còn hoạt động cầm quyền của Đảng thông qua mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Chưa thấy Hồ Chí Minh sử dụng các khái niệm “Đảng lãnh đạo Nhà nước”, “Đảng lãnh đạo chính quyền”. Người cho rằng hoạt động lãnh đạo của Đảng là hoạt động thuyết phục nêu gương, không gắn với quyền lực; mỗi đảng viên của Đảng phải “làm đầy tớ nhân dân và làm cho tốt”. Đảng phải làm sao trở thành lực lượng tiên phong trong quần chúng nhân dân, xác định mục tiêu, đường lối chủ trương đúng đắn, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời lấy uy tín của mình là “đạo đức và văn minh” để thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo ủng hộ, thực hiện cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. Còn với tư cách là Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng trực tiếp thi hành nhiệm vụ quản lý trong bộ máy nhà nước là những người được Đảng giới thiệu và nhân dân uỷ thác bầu ra để phục vụ nhân dân, đại diện cho nhân dân nắm chính quyền. Nên nhớ cán bộ, đảng viên hoạt động “cầm quyền, tức là thực hiện công việc quản lý trong bộ máy nhà nước, có quyền lực nhưng quyền lực đó là thuộc về nhân dân”. Người đã chỉ ra: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền, nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”.

2. Hoạt động lãnh đạo và hoạt động cầm quyền của Đảng là hai mặt của vai trò lãnh đạo, có nhiều điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau chủ yếu của hai hoạt động này đều là sự tác động, ảnh hưởng của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; đều hướng tới thực hiện cương lĩnh, mục tiêu do Đảng đề ra; đều phải quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và điều quan trọng nhất là đều vì nhân dân. Điểm khác nhau chủ yếu là ở chỗ, hoạt động lãnh đạo của Đảng là hoạt động thường xuyên và toàn bộ của toàn Đảng, còn hoạt động cầm quyền là hoạt động của những đảng viên đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn với bộ máy công quyền (kể cả trong các lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước). Hoạt động lãnh đạo của Đảng là hoạt động không gắn với quyền lực, còn hoạt động cầm quyền là hoạt động gắn với quyền lực, với hoạt động quản lí, dùng pháp luật, quy chế, qui định… để thực hiện quyền lực của mình. Hoạt động lãnh đạo của Đảng tập trung ở việc xác định chủ trương, đường lối, nghị quyết, ở tính thuyết phục và giáo dục, ở việc cán bộ, đảng viên của Đảng nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong việc thực thi đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gìn giữ phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống trở thành ngọn cờ để tổ chức, vận động, thuyết phục nhân dân; còn hoạt động cầm quyền tập trung ở việc thực hiện công tác cán bộ, tức là việc cắt cử, giới thiệu, kiểm tra, giám sát những cán bộ ưu tú của Đảng giữ các vị trí chủ chốt ở các cấp trong bộ máy nhà nước nhằm thực thi các quyết định, chính sách của chính quyền nhà nước các cấp trên cơ sở pháp luật và các cơ chế được thể chế hoá nhằm thực hiện các định hướng mục tiêu của Đảng.

3. Ngoài hai hoạt động trên, Đảng còn có hoạt động quản lí trong nội bộ Đảng. Thực tế chỉ rõ, xã hội càng phát triển thì công tác quản lí nội bộ Đảng có nhiều vấn đề đặt ra cần được điều chỉnh đổi mới. Hoạt động quản lí trong nội bộ là hoạt động của các cơ quan lãnh đạo, các cấp uỷ, các tổ chức chuyên trách của Đảng thực hiện việc quản lí các tổ chức Đảng và đảng viên, quản lí công văn, tài liệu, tài chính, cơ sở vật chất của Đảng. Hoạt động quản lí trong nội bộ Đảng cho đến nay vẫn dựa trên cơ sở Điều lệ Đảng và một số qui định, hướng dẫn về sinh hoạt Đảng, về những điều đảng viên không được làm, thông qua thực hiện giáo dục, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật, tự phê bình và phê bình… Thực ra hoạt động quản lí nội bộ Đảng cũng gắn với quyền lực, nên để đảm bảo quản lí hoạt động này được tốt thì nên có một bộ luật về Đảng.

Như vậy, các hoạt động lãnh đạo, cầm quyền và quản lí nội bộ của Đảng có quan hệ mật thiết với nhau, đen xen vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên một chỉnh thể của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đảng quản lí nội bộ không tốt sẽ không nâng cao được năng lực lãnh đạo và cầm quyền của mình. Đồng thời để giữ được địa vị cầm quyền yêu cầu Đảng phải không ngừng nâng cao vị trí lãnh đạo được biểu hiện ở năng lực lãnh đạo tức là việc hoạch định đường lối, chủ trương đảm bảo sự đúng đắn, sáng tạo và tạo được sự đồng thuận trong Đảng và trong toàn xã hội. Đồng thời phải làm tốt công tác quản lí nội bộ để đảm bảo đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ở các cơ quan quyền lực nhà nước và trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phải là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, có phẩm chất và năng lực đảm đương tốt vai trò của mình, được nhân dân tín nhiệm.

4. Những vấn đề nêu ra trên đây không chỉ là lý luận mà hiện nay đang diễn ra trong thực tiễn hàng ngày. Hiện tượng còn khá phổ biến đó là sự can thiệp trái với thẩm quyền được giao của các cấp uỷ Đảng, của các đảng viên có chức vụ trong Đảng đối với các cơ quan quyền lực nhà nước; đó là hiện tượng “cá vượt quá đăng” các cơ quan Nhà nước “phớt lờ” sự lãnh đạo của Đảng, hoặc là “hợp thức hoá” sự lãnh đạo để đề ra những cơ chế, những quy định sai trái đến khi vỡ lẽ ra thì không dám chịu trách nhiệm. Điều đáng quan tâm là một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền do nhiều nguyên nhân mà khi đề ra các chủ trương hoặc trong quá trình thực hiện dẫn đến những thiệt hại gây lãng phí tiền của, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của dân; hoặc lợi dụng chức vụ để tham ô, bòn rút của công bằng nhiều cách, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vô cảm, xem thường dư luận làm dân mất tin v.v.. Những tồn tại đó có phần do nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn mối quan hệ giữa hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, do thiếu tu dưỡng rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn đến “lộng hành”, khi có quyền hành rồi thì “ăn trên ngồi trốc”, sống như những “ông vua con” điều Bác Hồ đã chỉ ra, do công tác quản lí nội bộ của Đảng làm chưa tốt.

Điều này đã được Đảng ta quan tâm, thường xuyên chỉnh đốn Đảng, nhất là hiện nay đang thực hiện Nghị quyết TW4 và cuộc vận động “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm ra sức phát huy những mặt tốt, những thành quả và khắc phục những yếu kém, đảm bảo Đảng luôn giữ vững và phát huy được địa vị lãnh đạo và vị thế cầm quyền của mình trong sự nghiệp đổi mới./.

TS. Đặng Duy Báu


    Ý kiến bạn đọc