Để Luật Đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống
EmailPrintAa
16:57 15/09/2014

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Vì vậy, việc quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai là vấn đề được Nhà nước hết sức quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý để quản lý về đất đai, riêng Luật đất đai từ năm 1987 đến nay đã có 07 lần sửa đổi điều chỉnh và ban hành mới.

Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 có 14 Chương, 212 Điều, tăng 07 Chương và 66 Điều so với Luật Đất đai năm 2003. Luật đã thể chế hóa đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đồng thời khắc phục, giải quyết được những hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2003.

Bên cạnh việc cụ thể hóa các quyền của Nhà nước cũng như nội dung quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quan tâm đánh giá tài nguyên đất ở cả hai góc độ số lượng và chất lượng; bổ sung những quy định quan trọng trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch và làm rõ các tiêu chí phân bổ chỉ tiêu các loại đất theo từng cấp quy hoạch thì Luật đất đai 2013 có nhiều điểm mới tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đó là:

Thứ nhất, Luật quy định mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch như: Việc lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đối với tất cả các cấp nhằm tăng cường hơn nữa tính công khai dân chủ.

Luật đã dành một chương quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; thiết lập hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được công khai, minh bạch và đảm bảo dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân. Theo đó, công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Hình thức giám sát là trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua việc phản ánh, gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; Hoặc gửi đơn kiến nghị đến tổ chức đại diện được pháp luật công nhận để các tổ chức này thực hiện việc giám sát.

Thứ hai, Luật quy định cụ thể về việc đăng ký đất đai (đăng ký lần đầu, đăng ký biến động) là điều kiện bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; việc đăng ký đất đai được thực hiện đối với người sử dụng đất có quyền sử dụng đất hợp pháp và người sử dụng đất chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp; hình thức đăng ký mở rộng (đăng ký trên giấy tờ hoặc đăng ký trên mạng điện tử đều có giá trị pháp lý như nhau); bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện. Tuy nhiên, giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, nhà ở hay tài sản gắn liền với đất. Trường hợp đất đai là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng (trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận ghi tên một người). Nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu.

Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể hơn những trường hợp sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có và không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đồng thời Luật đất đai cũng đã quy định cụ thể việc giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đang sử dụng đất có nguồn gốc do vi phạm pháp luật như: Đất được giao trái thẩm quyền, đất lấn chiếm.

Một điểm mới khác liên quan đến đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng dân cư, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thứ ba, Luật quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất đồng thời khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội: "Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét qua chủ trương thu hồi đất". Đặc biệt, Luật quy định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; quy định điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện kiểm đếm và cưỡng chế để thu hồi và quy định xử lý đối với trường hợp chậm chi trả tiền bồi thường do lỗi của cơ quan nhà nước và do lỗi của người có đất bị thu hồi gây ra; quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Thứ tư, Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất; bổ sung quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất và việc thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể. Luật quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành, định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng; bỏ quy định việc công bố bảng giá đất vào ngày 01/01 hàng năm, thay vào đó, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ. Bảng giá đất chỉ áp dụng đối với một số trường hợp thay cho việc áp dụng cho tất cả các mục đích như quy định hiện hành.

Thứ năm, Luật quy định rõ ràng các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư  khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Luật Đất đai năm 2013 được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất phù hợp với từng hình thức như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình.

Bên cạnh đó, Luật thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài; quy định cụ thể điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư đó là phải có năng lực tài chính đảm bảo tiến độ dự án và phải ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư, qua đó vừa lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, vừa tạo cơ chế thu hút cho đầu tư phát triển kinh tế của tổ chức nước ngoài. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo. Cụ thể: Chuyển mục đích đất trồng lúa từ 10 ha trở lên và 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng; Chuyển dưới 10 ha đất trồng lúa và dưới 20 ha rừng phòng hộ, phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Thứ sáu,Luật quy định hoàn chỉnh hơn các chính sách đất đai đối với khu vực nông nghiệp: Mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm, thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ với diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).

Bên cạnh đó, Luật đã hoàn thiện hơn quy định về chế độ sử dụng đất đối với khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế; bổ sung quy định việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, đáp ứng yêu cầu đặt ra cho thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với những điểm mới ưu việt nói trên, Luật Đất đai năm 2013 hứa hẹn sẽ góp phần thiết lập được hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch và hiệu quả, khắc phục được những vướng mắc, bất cập hiện nay, qua đó nguồn lực đất đai sẽ được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm các khiếu kiện về đất. Tuy nhiên, để Luật đất đai năm 2013 thực sự đi vào đời sống và phát huy hết hiệu quả, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là,đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các tầng lớp nhân dân để người dân biết, hiểu và thực hiện. Việc tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa Luật Đất đai vào đời sống. Do vậy, việc biên soạn nội dung, tài liệu tuyên truyền phải đảm bảo tính dễ hiểu, dễ thực thi để người dân dễ nắm bắt vấn đề, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải là người thực sự có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, hiểu biết rõ các nội dung của Luật Đất đai, từ đó trong quá trình tuyên truyền phải dẫn chứng được các hoạt động từ thực tế để làm cho người dân dễ nghe, dễ hiểu.

Hai là,tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnhđề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tổ chức rà soát, hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Luật Đất đai mới.

Ba là, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường từ cấp tỉnh tới cấp xã, bảo đảm đúng, đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai; Đầu tư kinh phí để sớm hoàn thành công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ kịp thời cho công tác quản lý và thu hút đầu tư, tăng cường công tác điều tra giám sát chất lượng đất, đầu tư cơ sở vật chất để từng bước hiện đại hóa ngành theo chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, truy cứu trách nhiệm những trường hợp cố tình phạm luật. Nếu triệt để thực hiện tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ hạn chế được nhiều hơn những trường hợp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của công dân để tư lợi cá nhân, đồng thời cũng hạn chế được những trường hợp khiếu kiện kéo dài.

Để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, đưa Luật Đất đai 2013 đi vào cuộc sống, phát huy hết hiệu lực, hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cũng cần sự hợp tác, phối hợp của toàn thể nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện, như Bác Hồ đã nói "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"./.

Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường


    Ý kiến bạn đọc